Ứng xử thiếu văn hóa không chỉ ở giới trẻ

(Dân trí) - Việc ứng xử thiếu ý thức và thiếu văn hóa nơi công cộng không chỉ dừng lại ở người trẻ mà hầu như phổ biến ở mọi lứa tuổi, đã thật sự trở thành một vấn nạn của xã hội.

Từ trong nhà hàng…

 

Có một cách đơn giản để tìm hiểu về cách ứng xử của mọi người nơi công cộng, bạn hãy đến một nhà hàng và sẽ có cơ hội nhìn thấy đủ loại người. Người giàu có cái hạch sách của kẻ giàu, người trung lưu có cách của kẻ trung lưu.

 

Tôi cũng từng làm nhân viên phục vụ nhà hàng khi còn là sinh viên nên chứng kiến khá nhiều những cảnh chướng tai gai mắt. Tôi từng phục vụ một ông khách khoảng gần 50 tuổi. Uống li bia thứ nhất đến thứ hai, ông còn ăn nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng. Đến li thứ ba, ông bắt đầu vừa uống vừa khạc nhổ lung tung ra sân. Đến li thứ tư trở lên, vừa khạc nhổ ông vừa cười nói mà cả khách trên lầu cũng nghe thấy. Hỏi ra thì ông là luật sư, chủ của một văn phòng luật trên đường Lê Độ (Đà Nẵng).  Đấy là cách hành xử của kẻ trí thức nơi công cộng (nhà hàng), trước mặt bàn dân thiên hạ.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Còn nhiều lắm những ông khách là bác sĩ, là kĩ sư, là nhân viên công ty viễn thông, những người đi xe tay ga đời mới, đi ô tô đến ăn nhà hàng nhưng cư xử như những kẻ vô văn hóa. Họ ăn uống bừa bãi. Họ la mắng và yêu sách nhân viên phục vụ như chủ mắng đầy tớ. Chúng tôi hay nói với nhau, phục vụ 10 bàn khách Tây còn sướng hơn làm một bàn khách Việt khoảng 3 hay 4 người trở lên. Tôi không hiểu sao người Tây họ ăn uống nhỏ nhẹ, lịch sự và sạch sẽ; còn người Việt mình ăn uống sao có thể ồn ào, và bẩn đến thế. Sau một bữa ăn, dưới chân bàn khách Tây chẳng có lấy một tí rác, thậm chí khi bóc khăn lạnh hay chai nước lọc, họ cẩn thận nhặt mảnh ni-lon rơi rồi kê dưới cái dĩa. Còn dưới chân bàn khách Việt sau bữa ăn nào là xương xẩu, nào là rác, nào là nước… nằm la liệt tạo thành một quang cảnh chẳng mấy đẹp mắt.

 

Có người khách nữ gọi một phần nghêu hấp và rồi thản nhiên quăng vỏ nghêu xuống nền nhà sạch trơn trong khi trên bàn người phục vụ đã khéo léo để lên hai cái dĩa trống. Ngồi bên cạnh là hai cô cậu nhỏ đang giương mắt nhìn …và làm theo mẹ. Phải chăng ngay từ nhỏ, trẻ con phải chứng kiến cái cách hành xử thô bỉ của người lớn nên mất đi ý thức và hành vi cư xử có văn hóa. Trẻ con đi ăn nhà hàng là một ác mộng với chúng tôi, những nhân viên phục vụ. Bọn trẻ không chịu ngồi yên mà chạy quanh nhà hàng. Chúng nghịch nước ra đầy sàn và hồn nhiên xả rác. Ba mẹ chúng chỉ cười mà không hề có một lời nhắc nhở. Bị chúng tôi nhắc, chúng còn chống tay và trợn mắt nhìn lại vẻ khiêu khích. Thật hết chỗ nói. Nhìn cảnh ấy, tôi tự nhủ sau này mình sẽ phải giáo dục con theo hướng hoàn toàn khác.

 

Ra ngoài ngõ…

 

Một lần khác tôi đang ngồi hóng gió bên bờ sông Hàn thì thấy một nhà sư đang vui đùa cùng với hai đứa trẻ, trên tay họ là 2 trái dừa đang uống dở. Hình như đứa nhỏ đã dùng xong trái dừa và loay hoay chưa biết xử trí thế nào thì vị sư kia cầm lấy cái vỏ dừa và …quăng tuột xuống sông. Đứa nhỏ còn lại thoáng chút bối rối rồi cũng cầm cái vỏ dừa còn lại quăng theo. Xong xuôi, cả ba cười nói và kéo nhau đi sau ít phút. Tôi nhìn và sững sờ.

 

Mới đây nhất là lần tôi với đứa cháu đi xem pháo hoa quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng. 19h tối, dòng người đổ về ngày càng nhiều. Chỗ ngồi của chúng tôi cũng dần thu hẹp lại vì người quá đông. Hai bà cũng trên 40 chen vô chỗ tôi ngồi. Một bà kể chuyện rằng có lần đi Singapore xem lễ hội, bà thấy người ta đi xem rất đông nhưng sau khi lễ hội tan thì không thấy có một cọng rác. Còn ở mình lễ hội xong thì đầy rác (cái này quá đúng).

 

Vừa nói bà vừa nhai hạt bí. Bao nhiêu vỏ bí rơi ra, bà nhè hết lên đầu của chúng tôi đang ngồi dưới. Bực mình tôi lên tiếng thì bà cười giả lả rồi lại tiếp tục xả rác. Mọi người xung quanh lắc đầu ngao ngán. Còn tôi thì chẳng biết nói gì thêm. Tôi nghĩ thầm, bà có biết vì sao sau mỗi lần tổ chức lễ hội, nơi đó đều đầy rác không? Vì ở đó có quá nhiều những người như bà, có cơ hội đi ra nước ngoài nhưng không học được bao nhiêu cái hay cái đẹp của đất nước họ.
 
Ứng xử thiếu văn hóa không chỉ ở giới trẻ - 1

(Ảnh minh họa - nguồn: vietbao.vn)

 

Chúng ta chỉ giỏi nói chứ không giỏi làm. Đà Nẵng sau tối pháo hoa, khắp nơi ngập tràn rác. Họ không chỉ xả rác trên đường mà họ còn quăng cả xuống sông. Nhìn một nhóm thanh niên vừa ăn uống vừa cười nói rôm rả, sau khi dời đi thì họ để lại một bãi rác thấy mà bực mà ngao ngán. Có anh chàng ăn xong hộp xôi, vứt cái ẹc gần chỗ tôi đứng mà tôi chỉ biết nhìn sững rồi quay sang nói với đứa cháu: đừng bao giờ làm như thế nhé!

 

Về nhà kể với bạn, bạn nói tôi sao không lên tiếng. Ồ, tôi có nói chứ. Nhưng cái tôi nhận được là ánh mắt khinh khỉnh của họ nhìn tôi giống như tôi là người trên trời rơi xuống. Với họ, những hành vi trên quá đỗi bình thường. Chúng thường trực quanh họ như nước, như không khí vậy.

 

Đến những chương trình hành động…

 

Tại Đà Nẵng cũng có nhiều đội nhóm và nhiều chương trình hoạt động vì môi trường như CLB Vì Biển Xanh. Họ phát động những chương trình hoạt động vì môi trường như đạp xe vì môi trường, dọn vệ sinh môi trường hay thiết kế trang phục vì môi trường…

Không phủ nhận rằng những hoạt động của các đội nhóm như vậy có tác động tích cực đến hành vi và  cách ứng xử của người dân về môi trường, nhưng hiệu ứng kéo dài không lâu.

 

Để thay đổi được ý thức của mọi người và xây dựng nếp sống văn hóa, tôi nghĩ cần có những kế hoạch lâu dài để duy trì hiệu ứng của những chương trình như vậy. Việc đem môn Môi trường giảng dạy trong nhà trường như một môn học chính là một cách hay.

 

Ngoài ra, chính bản thân người lớn, những người đã có ý thức và có năng lực hành vi phải là những người đi tiên phong. Tự bản thân họ phải làm gương cho trẻ em noi theo. Ông bà, cha mẹ phải là tấm gương cho con cháu. Thầy cô phải là hình mẫu cho học trò. Thiếu ý thức và ứng xử vô văn hóa nơi công cộng không phải tự nhiên mà sinh ra. Nó được gieo mầm ngay từ những hành vi nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.

 

Đồng thời những hành vi này cũng không thể một sớm một chiều mất đi. Nó cần có sự kiên trì giáo dục của gia đình và xã hội. Với tôi, trẻ em là  những đối tượng cần được quan tâm và dạy bảo. Bởi vì những đứa trẻ có văn hóa, sau này lớn lên chúng sẽ tạo nên lớp trẻ khác có văn hóa, quy luật cứ thế tiếp diễn.

 

                                                                        Trâm Trần

 

LTS Dân trí - Cảm ơn tác giả bài viết trên đây đã có nhận xét đúng và ý kiến đóng góp chuẩn xác.     

 

Đã đến lúc mọi ngành, mọi cấp cũng như mọi người phải thấy bất bình và thấy phần trách nhiệm của mình trong sự xuống cấp hết sức đáng chê trách của văn hóa ứng xử ở nơi công cộng. Đó không chỉ là những lời nói rất chướng tai mà còn là những hành động không thân thiện giữa người với người và nhất là với…môi trường như bài viết trên đây đã phản ảnh.

 

Muốn từng bước đẩy lùi hiện trạng đó, không thể chỉ dùng những biện pháp cổ động tuyên truyền trên đường phố mà phải bắt đầu từ việc giáo dục lòng tự trọng và ý thức biết chung sống với mọi người, nhất là biết trân trọng và chung sống bền vững với môi trường thiên nhiên, cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng con người cũng như muôn loài trên trái đất. Mục tiêu giáo dục đó cần đưa vào chương trình chính khóa của học đường cũng như chương trình hành động của các ngành, các cấp và các đoàn thể xã hội. Đấy cũng là mục tiêu thiết thực của việc xây dựng đời sống văn hóa của các cụm dân cư.