Uống rượu ngâm cây thuốc phiện có bị xử phạt như tội sử dụng ma túy?
(Dân trí) - Năm 2021 lực lượng CSGT đã phát hiện một tài xế dương tính với ma túy do trước đó uống rượu ngâm cây thuốc phiện. Hành vi này có thể bị phạt đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Mới đây, công an thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tạm giữ khẩn cấp Má Thị Phính (dân tộc Mông, 50 tuổi, trú tại xã Trung Chải) trồng trái phép gần 2.000 cây thuốc phiện trong vườn nhà. Trong đó, 187 cây đã có hoa và quả, số cây còn lại đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Trước đó, ngày 12/3, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy công an tỉnh Lào Cai và Công an huyện Văn Bàn phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép gần 80kg quả, cành tươi cây thuốc phiện.
Nhiều người cho rằng, hoa và quả của cây thuốc phiện nếu đem ngâm rượu uống chữa bệnh sẽ rất tốt cho sức khỏe nên đã săn lùng để mua.
Theo đó, trồng, buôn bán, vận chuyển cây thuốc phiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ và hành vi. Vậy ngâm loại cây này với rượu để bán, hoặc người dân mua về ngâm rượu với mục đích chữa bệnh thì có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết uống rượu ngâm cây thuốc phiện có nguy cơ tương tự như dùng các loại ma túy khác. Tùy theo lượng cây thuốc phiện ngâm trong rượu, liều lượng rượu ngâm sử dụng, thì người sử dụng có nguy cơ nghiện ma túy càng cao.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ- CP có quy định cụ thể về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy, cụ thể đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đồng thời, bị tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi này.
Bên cạnh đó, nếu cơ quan có thẩm quyền giám định trong rượu ngâm cây thuốc phiện có chứa chất ma túy, người có hành vi tàng trữ loại rượu này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Thậm chí, tùy theo số lượng, hàm lượng ma túy có trong rượu, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Luật sư Xuyến cho rằng với trường hợp vận chuyển rượu ngâm cây thuốc phiện mà bị bắt quả tang trên đường, lực lượng chức năng sẽ tùy vào số lượng rượu mà xử lý. Tuy nhiên, nếu chỉ là khối lượng nhỏ, một vài bình ngâm để sử dụng trong gia đình, thì cũng khó xử lý bởi để xác định được hàm lượng chất gây nghiện hay ma túy trong loại rượu này là rất khó.
Năm 2021, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3) Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện trường hợp tài xế dương tính với ma túy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thừa nhận với tổ công tác, tài xế này cho biết đã uống rượu cây anh túc (rượu ngâm cây thuốc phiện).
Theo tổ công tác, nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy của tài xế sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.