Ước mơ của “cô gái thủy tinh”

Nghe mẹ kể lại, khi tôi mới sinh ra: “nhìn thân hình đã không bình thường, đầu thì to, người nhỏ, chân tay cong queo, đôi mắt lại nhìn ngược”. Dân làng đến xem rất nhiều, có người còn nói tôi là cô bé “quái thai”.

Tôi sinh ra vào ngày 2/10/1983, tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ) trong một gia đình có bốn người con, tôi là con thứ hai. Quê tôi là ngôi làng nhỏ bé bốn mùa gắn liền với đồng ruộng, lúc trồng lúa lúc trồng ngô khoai. Vì bị tật nguyền, sinh ra được 2 tháng mà bố mẹ không biết đặt tên tôi là gì, vì sợ đặt tên hay, người đời cười, đặt tên xấu sợ làm tôi lúc lớn lên sẽ tủi thân. Sau những tháng ngày suy nghĩ, cuối cùng bố mẹ chọn đặt tên tôi là Thu Thương. Khi lớn lên, tôi thường hỏi mẹ rằng: “Mẹ ơi, sao mẹ đặt tên con hay như vậy?”. Tôi rất thích cái tên mà bố mẹ đặt cho mình, thật là giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa. Mẹ kể với tôi rằng tôi sinh vào mùa thu và bố mẹ rất thương tôi nên nên ghép thành hai chữ “Thu Thương”. Tôi rất tự hào với bố mẹ vì đã cho tôi cái tên hay như vậy, dù là danh từ hay tính từ thì cái tên Thương rất tuyệt.

Khi tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần thay tã cho tôi là mẹ thấy tôi khóc nhiều đến tím bầm cả người, bố mẹ thấy tôi khóc nhiều lần quá nên mang tôi đi khám bệnh, hết Thanh Nhàn, Việt Đức, rồi đến nhi Thụy Điển, bác sỹ cho biết tôi bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh gây ra giòn xương hễ động mạnh là gẫy, bác sỹ đã chữa cho tôi bằng cách chiếu tia, tắm  điện, nhưng bác sỹ đã nói với bố mẹ rằng làm cha làm mẹ mang con tới đây là đã tròn trách nhiệm rồi, khó hy vọng chữa được, chúng tôi chỉ làm đề tài nghiên cứu, bố mẹ cũng không biết làm gì khi bác sỹ đã tận tình chữa trị cho tôi.

Trong suốt thời gian qua, từ khi trở thành “người lớn”, tôi vẫn như một đứa trẻ, không đi, không đứng, không ngồi, mà chỉ nằm và vận động bằng cách lăn. Lúc nhỏ tôi rất nhiều lần bị gãy xương, khi các bạn chạy đùa vô tình ngã vào, hay có khi tôi ngã từ trên chõng tre xuống đất.Tôi còn nhớ mỗi lần gãy là mỗi lần tôi đau và khóc. Tôi khóc vì tủi thân, khóc vì đau, đau nhất tủi nhất khi nhìn mẹ cũng đang khóc vì thương tôi, có lẽ mẹ còn đau hơn tôi gấp bội lần.

Tuổi thơ tôi không chỉ có nỗi buồn mà còn có niềm vui, khi tôi 11 tuổi bố đón 5 mẹ con lên Hà Nội sống để tiện nuôi dậy các chị em tôi, nhất là  2 em, em trai và em gái sắp đi học tiểu học. Khi sống trên Hà Nội, bố mẹ phải tự lo xây nhà, lo từng cái nhỏ nhất, cuộc sống mới nên khó khăn nhưng quan trọng mọi người trong gia đình được ở bên nhau. Em gái tôi bắt đầu học lớp 1 tôi mới bắt đầu học chữ cùng em. Lên Hà Nội, mẹ tôi vẫn nấu rượu, nuôi lợn, bố mẹ đã vất vả biết bao mới đủ tiền trả số nợ đã vay khi xây nhà và nuôi chúng tôi. Để cuộc sống đỡ vất vả, mẹ tôi đã chuyển sang làm nghề sửa chữa quần áo, còn chị gái đi học may, 2 em thì vẫn còn đi học.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Những lúc ở nhà một mình tôi hay nghe ca nhạc, mỗi lần nghe ca sỹ hát tôi thường mơ tôi sẽ nằm trên sân khấu được hát, được trải lòng với mọi người. Âm nhạc là niềm đam mê thứ 2 sau ước mơ làm bác sỹ của tôi, nó thật ngọt ngào và hạnh phúc. Tôi đòi mua đầu đĩa, mua những thiết bị để hát karaoke nhưng đâu có hay bố mẹ phải chắt chiu từng đồng để lo nhiều khoản chi tiêu. Một buổi tối muộn bố tôi từ quê lên khi chúng tôi đang ngủ bố gọi tôi dậy khoe: “Thương à bố mẹ mới mua cho con một bộ hát karaoke cũ ở quê”, dù nó cũ nhưng vẫn dùng được; có lẽ lúc đó người vui nhất là bố vì bố thương tôi. Thế là từ đây tôi lại có thêm niềm vui mới.

Gia đình tôi sống ở Hà Nội đến giờ cũng đã được 16 năm, ngôi nhà bé nhỏ đầy tình thương yêu ấy nằm tại  Số nhà 13 ngõ 11, phố Lương Đình Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa Hà Nội. Do tôi bị khuyết tật nên tôi được các ông bà hội chữ thập đỏ phường Kim Liên hay quan tâm mỗi khi đến ngày lễ  ngày tết, các cô các bác đến tận nhà tặng quà và động viên tinh thần tôi và gia đình, dù chỉ là những món quà nhỏ nhưng đó là niềm hạnh phúc lớn lao với gia đình tôi, những lời thăm hỏi những tấm lòng của các bác đã làm tôi được ấm lòng vì biết trên đời này ngoài bố mẹ còn có những người tốt khác.

Vào năm 2001 phường Kim Liên có các bạn sinh viên tình nguyện đến, các anh chị thanh niên đoàn phường đã  giới thiệu cho tôi các bạn đến dậy tôi tiếng Anh. Tôi đã rất vui khi được học môn mà từ trước chỉ nhìn mọi người học mà không nghĩ mình được học. Trong suốt mấy năm liền các bạn đã không kể nắng mưa đến giúp tôi học, tôi học không được giỏi vì tôi không có điều kiện để thực hành và giao tiếp với mọi người. Tôi biết tôi còn phải cố gắng học hơn nữa để có thêm nhiều kiến thức.

Tôi còn nhớ rất rõ trong 1 buổi trưa đang nằm trên gác 2 đợi bạn đến dậy  học,  tôi bảo mẹ cho con xuống tầng 1 chờ bạn, mẹ đã bế tôi xuống nơi mẹ đang sửa chữa quần áo để tôi đỡ buồn, rồi 1 lát sau có 1 người khách đến và cô ấy hỏi tôi: “Thế cháu xuống đây làm gì thế, có biết làm gì giúp mẹ không, có biết sữa chữa quần áo như mẹ không” tự nhiên 2 dòng nước mắt của tôi cứ thế tuôn rơi, tôi ngại quá không nói được lên lời nhưng nước mắt vẫn rơi, tôi vội vàng lấy 1 cái áo mẹ vừa sửa xong đậy vào mặt và nhìn qua khẽ hở của áo, tôi nhìn mẹ cặm cụi đạp say sưa với từng bàn đạp nặng nề của chiếc máy khâu. Tôi tự xấu hổ với bản thân và cảm thấy có lỗi với bố mẹ lúc nào cũng tất bật vì công việc, trong khi đó tôi chỉ biết đòi hỏi  mà không bao giờ biết bố mẹ vất vả thế nào.

Hai hôm sau tôi vô tình xem ti vi thấy 1 trung tâm dậy nghề thủ công cho người khuyết tật, tôi nằng nặc đòi bố mẹ đưa tôi đến học nghề, ban đầu bố mẹ tôi không cho đi vì nghĩ tôi chỉ biết nằm thôi  mà người lại yếu thế kia thì làm được gì vả lại bố mẹ cũng có để tôi bị thiếu thốn gì đâu, đi đường nhỡ đâu bị va quyệt vào đâu lại gãy xương rồi khổ, nhưng với cái tính bướng bỉnh  của tôi, muốn làm gì thì làm bằng được.Cuối cùng bố mẹ đành chiều con, cứ một tuần hai lần bố mẹ sáng đưa tôi đi tối lại đón về. Những ngày nắng thì không sao, nhưng có những hôm trời đổ mưa phùn đường trơn gió lạnh chiếc xe máy của bố lại hỏng, mẹ phải bọc ấm cho tôi ngồi bên đường chờ bố sửa xe, những lúc như vậy lòng quyết tâm học nghề của tôi lớn hơn bao giờ hết.

Sản phẩm mà tôi học được là cái đèn kết từ những chiếc khuy áo, ban đầu cái đèn chỉ là 1 cái đèn lạnh lẽo, không hiểu vì cái duyên với nghề hay sao mà trước đây bố tôi đã từng làm nghề điện nước, cái nghề đã nuôi chúng tôi khôn lớn, tôi về nhà hỏi bố, bố ơi ! có bóng đèn nào mà bé bé không để con làm bóng đèn ngủ cho sản phẩm, kể từ đó cây đèn làm bằng khuy áo không là đèn cảnh nữa mà có thể dùng được như 1 chiếc đèn ngủ thật sự.

Từ cuối năm 2003 đến tháng 3 năm 2004 tôi học xong. Từ đó, tôi đã tự kiếm được tiền từ đôi bàn tay bé nhỏ cuả mình, đỡ cho bản thân, đỡ cho bố mẹ một phần nào đó. Giờ đây sản phẩm của tôi không chỉ chuyên về đèn khuy áo mà tôi còn đan những chiếc khăn xinh xinh bán vào mùa đông. Tôi không có cửa hàng mặt đường để bán nên đành làm 1 cái tủ nhỏ để ở nhà, vì nhà tôi trong ngõ nên cũng không bán được nhiều. Bạn bè có lòng tốt giới thiệu cho nhau nên tôi cũng bán được nhiều hơn. Tôi đặt tên cho cửa hàng bé nhỏ của mình là thương thương ,bất cứ ai đến mua sản phẩm đều nhận ra trên mỗi sản phẩm đều có đính nhãn mác thuơng thuơng, với slogan: “thương thương thay lời muốn nói”.

Tôi càng ngày càng yêu nghề thủ công hơn, đôi khi có bạn khuyết tật tìm đến tôi học nghề và cũng dậy lại nghề cho các bạn khác. Tôi khát khao có 1 chiếc máy tính để bán hàng trên mạng nhưng tiền tiết kiệm vẫn chưa đủ, biết được cái điều mong mỏi đó, một anh bạn khiếm thị sống ở bên Úc đã cho tôi 1 phần chi phí và phần còn lại tôi đã tiết kiệm, tôi rất cảm động trước tấm lòng của anh. Anh cũng bị khuyết tật nhưng anh vẫn có tấm lòng nghĩ đến người khác, anh đã cho tôi thêm điều kiện vươn lên sống có ý nghĩa hơn, ban đầu tôi chỉ bán hàng trên blog nhưng tôi thấy blog mọi người vào khó, tôi lại phải nuôi ước mơ lớn là có 1 trang web bán hàng, hình như từ bé đến lớn cuộc đời tôi toàn là sự mong mỏi, ước mơ nhưng có 1 điều tôi không bao giờ mong muốn mình có 1 gia đình riêng cho dù tôi đã 28 tuổi rồi bởi vì tôi biêt tôi là ai.

Sau 1 năm mơ ước tôi đã có trang web bán hàng, trang web  “thuongthuong.net” là cửa hàng bán trên mạng, không những bán sản phẩm của tôi mà còn của các bạn khuyết tật khác nữa. Vì thế có rất nhiều sản phẩm đẹp, tôi cũng muốn có 1 cửa hàng mặt đường lắm chứ, lúc đó ai cũng có thể biết đến của hàng của tôi và mua sản phẩm nhiều hơn nữa. Nhưng trước mắt điều kiện chưa cho phép, mỗi sản phẩm tôi bán được tôi đã trích ra 5% cho các em khuyết tật nặng. Tôi cũng thường vận động các nhà hảo tâm, các bạn tình nguyện ủng hộ những chương trình tặng quà cho các bạn thiếu may mắn hay tìm các bạn sinh viên tình nguyện đến tận nhà dạy học văn hóa cho các bạn khuyết tật. Tôi cũng hay được mời tham gia các chương trình ca nhạc từ thiện với vai trò là ca sỹ do các bạn tình nguyện tổ chức. Thành quả cho những ngày tháng sống hết mình của tôi là nước mắt lẫn nụ cười và đặc biệt làm sao khi tôi được các ban ngành tặng cho bằng khen như phường Kim Liên, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mô côi TP Hà Nội tặng danh hiệu: “người tốt việc tốt” hay tập đoàn Microsoft Việt Nam tặng cho danh hiệu “anh hùng thầm lặng”. Bố mẹ tôi cũng rất vui với công việc mà tôi đang làm, dù biết chặng đường tiếp theo của tôi còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin vào ngày mai tươi sáng .Và tôi thầm cảm ơn bố mẹ, anh chị em, bạn bè, xã hội đã tạo điều kiện cho tôi có cuộc sống hôm nay.

 

Nguyễn Thị Thu Thương 

 

LTS Dân trí - Bị tật nguyền bẩm sinh như “cô gái thủy tinh” mà vẫn nuôi cho mình những ước mơ và từng bước thực hiện bằng được những ước mơ bình dị mà đẹp đẽ biết bao. Chẳng những ước mơ cho mình mà còn ước mơ cho những bạn tật nguyền khác; có thể giúp đỡ được các bạn đó điều gì thì cố gắng làm hết sức mình, coi đấy là niềm vui và nguồn động viên vô giá đối với cả bạn và mình.

Bạn Thu Thương ạ, sống như bạn thật đáng tự hào và là tấm gương sáng cho những người cùng trang lứa học tập, nhất là những người không may bị tật nguyền.

Thu Thương cũng rất xứng đáng được các nhà tài trợ hảo tâm giúp đỡ để em có thể thực hiện những ước mơ rất đẹp và đầy tính nhân văn không chỉ vì mình mà còn vì nhiều bạn tật nguyền khác.