Quảng Bình:

UBND xã Bắc Trạch thừa nhận sai phạm khi cưỡng chế nhà đất

(Dân trí) - Liên quan đến vụ cưỡng chế nhà đất tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã thừa nhận sai phạm về cách thức tiến hành cưỡng chế nhà đất đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Lê.

Chưa gửi giấy thông báo, quyết định đã tổ chức cưỡng chế

Báo Dân trí số ra ngày 10/07/2012 có bài phản ánh: "Nhiều uẩn khúc trong vụ cưỡng chế nhà đất tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình". Liên quan đến vụ việc, sau nhiều cuộc hẹn, chiều ngày 21/8, PV Dân trí đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch. Ông Tuân cho rằng, trước khi thực hiện cuộc cưỡng chế nhà đất đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Lê ở thôn 1, chính quyền địa phương đã mời ông Lê lên trụ sở UBND xã để vận động và yêu cầu gia đình phải chấp hành tự tháo dỡ các công trình xây dựng cơi nới, vi phạm đúng thời gian quy định.

Tuy nhiên, trong nội dung biên bản làm việc ngày 23/12/2011 giữa UBND xã Bắc Trạch và gia đình ông Lê lại không ghi rõ các công trình tháo dỡ thuộc thửa đất, tờ bản đồ nào của địa chính xã,…?! và cũng không ghi rõ thời hạn cuối cùng mà gia đình ông Lê phải tháo dỡ hết để trả lại mặt bằng cho UBND xã Bắc Trạch là khi nào?! Nhưng đến ngày 29/12/2011, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã huy động mọi lực lượng đến cưỡng chế, phá dỡ tan hoang nhà cửa, chuồng trại... của vợ chồng ông Lê. Để hiểu rõ hơn về mặt pháp lý, vợ chồng ông Lê đã yêu cầu UBND xã Bắc Trạch cho xem thông báo hay quyết định về việc cưỡng chế nhưng chính quyền xã này lại một mực không cho và tiếp tục cuộc cưỡng chế.

Khi được hỏi vì sao UBND xã Bắc Trạch lại không cho gia đình ông Lê xem nội dung thông báo hay quyết định về việc yêu cầu tự tháo dỡ, giải tỏa công trình vi phạm hay quyết định cưỡng chế nhà đất mà chính quyền áp đặt đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Lê thì ông Tuân im lặng?! Mãi đến khi phóng viên cung cấp nội dung thông báo số 01/ TB-UNBD về việc yêu cầu tự tháo dỡ, giải tỏa công trình vi phạm ở khu vực quy hoạch khu dịch vụ hậu cần nghề cá xã Bắc Trạch mà UBND xã này đã gửi cho gia đình ông Nguyễn Xuân Lê lại ghi rõ ngày gửi là 10/01/2012, (tức gửi sau cuộc cưỡng chế hơn 10 ngày - PV) thì ông Tuân mới chịu thừa nhận: ""Chính quyền xã đã sai sót trong cách thức tiến hành cưỡng chế vì gửi thông báo chậm? Những thiếu sót đó UBND xã sẽ rút kinh nghiệm".

Trao đổi với PV
Trao đổi với PV Dân trí về việc chính quyền xã Bắc Trạch tổ chức cuộc cưỡng chế nhà đất đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Lê, ông ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch đã thừa nhận sai phạm về cách thức tiến hành cưỡng chế.

Trên thực tế, vì nhận ra những sai sót trong cuộc cưỡng chế ngày 29/12/2011, nên UBND xã Bắc Trạch mới "chữa cháy" bằng cách gửi thông báo yêu cầu gia đình ông Lê tự tháo dỡ, giải tỏa công trình vi phạm ở khu vực quy hoạch khu dịch vụ hậu cần nghề cá xã Bắc Trạch, nhưng lại sơ suất đề ngày gửi là 10/01/2012.

Thừa nhận sai phạm nhưng không chịu đền bù

UBND xã Bắc Trạch đã thừa nhận những sai phạm trong cách thức tiến hành cưỡng chế nhà đất đối với gia đình ông Nguyễn Xuân Lê nhưng lại không chịu giải quyết đền bù số tài sản hư hại và thất thoát mà ông Lê đã kê khai, khoảng trên 20 triệu đồng. Ông Tuân khẳng định, sau cuộc cưỡng chế UBND xã đã mời gia đình lên trụ sở làm việc để giải quyết vụ việc nhưng do gia đình không kê khai cụ thể những tài sản hư hại và mất mát nên xã không có cơ sở để đền bù.

Trái với quan điểm trên, bà Phan Thị Tiến (vợ ông Lê), cho hay: "Sau cuộc cưỡng chế ngày 29/12/2011, UBND xã Bắc Trạch có mời gia đình lên trụ sở để giải quyết vụ việc nhưng khi gia đình đưa ra con số cụ thể những tài sản hư hại và mất mát trong cuộc cưỡng chế thì chính quyền xã lại không chấp nhận và còn bảo là gia đình đã kê khống".

Trao đổi với PV
Thừa nhận sai phạm nhưng đến nay UBND xã Bắc Trạch vẫn không chịu đền bù số tài sản hư hỏng và mất mát trong cuộc cưỡng chế cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Lê

Quá bức xúc, bà Tiến bảo rằng, nếu kê khống thì sao bà không kê lên hàng trăm triệu mà chỉ  kê có vài chục triệu thì mấy vị lãnh đạo xã Bắc Trạch mới chịu im lặng, và từ đó đến nay, UBND xã Bắc Trạch vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù những thiệt hại về tài sản trong cuộc cưỡng chế cho gia đình ông Lê.

Trao đổi với PV Dân trí về mong muốn của gia đình ông Lê là chính quyền cấp cho vợ chồng ông một lô đất nơi ông đang ở để về lâu dài còn có chổ cắm thân, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, hứa: "Sau khi thực hiện xong việc thu hồi 600m2 diện tích đất mà gia đình ông Lê đang sử dụng, UBND xã sẽ cấp cho ông Lê một lô đất trong số diện tích nói trên để ông bà có chổ trú ngụ. Còn về việc đền bù số diện tích còn lại thì sau khi xã quy hoạch, phân lô xong khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Trạch mới có nguồn để chi trả tiền công lao cải tạo".

Ông 
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, hứa: "Sẽ cấp cho gia đình ông Lê một lô đất trên mảnh đất mà vợ chồng ông đang ở để có nơi mà trú ngụ".

Trở lại gia đình ông Lê, khi chúng tôi đề cập đến việc UBND xã Bắc Trạch sẽ cấp cho vợ chồng ông một lô đất ở trên chính mảnh đất mà ông bà đang ở, bà Tiến, bực dọc: "Chính quyền xã Bắc Trạch đã nhiều lần "hứa suông" như vậy nhưng rồi họ (UBND xã Bắc Trạch - PV) vẫn tổ chức cuộc cưỡng chế đó thôi. Điều quan trọng bây giờ là họ phải có văn bản pháp lý về việc cấp đất thì vợ chồng tui mới tin và yên tâm sinh sống được. Riêng số diện tích còn lại nếu xã thu hồi mà giải quyết đền bù công cải tạo một cách thỏa đáng thì vợ chồng tôi cũng sẽ chấp nhận. Vợ chồng tui cũng già cả rồi, chỉ mong muốn có một miếng đất để cắm thân và sau này còn có chổ để con cháu thờ phụng chứ cũng có muốn gây khó dễ cho chính quyền đâu".   

Ở một diễn biến khác, theo điều tra của Dân trí, "khu đất vàng" ở thôn 1 mà UBND xã Bắc Trạch đang tiến hành thu hồi để quy hoạch xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá đang khiến nhiều hộ dân nơi đây tỏ ra rất bức xúc. Và đã có nhiều hộ dân gửi đơn thư khiếu kiện lên các cơ quan chức năng về việc thu hồi đất có nhiều biểu hiện "bất thường" của UBND xã Bắc Trạch.

Phải chăng ở "khu đất vàng" ở thôn 1, xã Bắc Trạch đang tồn tại nhiều uẩn khúc đến "kỳ lạ" (?!)

 Điều 32. Cưỡng chế thu hồi đất

1. Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 38 Nghị định này;

b) Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định này mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

c) Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;

d) Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;

đ) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.

2. Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.


Đặng Tài - Đăng Đức