Hà Nội:

UBND phường Phương Liên đứng nhìn quyền lợi công dân bị xâm hại

(Dân trí) - Ông Phạm Đình Lương đã gửi đi hàng trăm lá đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết nhưng những người chiếm đoạt mảnh đất 82m2 ở phường Phương Liên vẫn ung dung, trong khi chính quyền đứng nhìn quyền lợi công dân bị xâm hại.

Lòng tốt gieo nhầm chỗ

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, năm 1994, ông Phạm Đình Lương được cơ quan cấp cho 1 căn hộ nên gia đình chuyển đến nơi ở mới. Thửa đất số 128, tờ bản đồ số 6HI25 tổ 44, nay thuộc tổ 42, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội vẫn được Xí nghiệp 37 (gọi tắt là XN37) cho phép gia đình ông Lương sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt. Cũng vào thời điểm này, ông Lương thường được cử đi công tác nước ngoài, vợ ông là bà Tâm một nách nuôi 3 con nhỏ, vừa lo việc nhà vừa hoàn thành công việc của cơ quan, nhà lại neo người nên không thể cáng đáng hết tất cả mọi công việc.
 
Giấy mượn đất ông Phạm Đình Lương ký với ông Trần Văn Chủng
Giấy mượn đất ông Phạm Đình Lương ký với ông Trần Văn Chủng

Khi đó, hàng xóm nhà ông Lương có ông Ngô Văn An, lúc bấy giờ là lao đông tự do (ông An không phải là cán bộ công nhân viên của XN37), hoàn cảnh gia đình ông An lúc đó gặp nhiều khó khăn, nơi ở chật chội, không có đất canh tác sản xuất thêm. Gần đó, gia cảnh nhà ông Trần Văn Chủng cũng khó khăn, vất vả không kém. Vì vậy, ông An và ông Chủng đặt vấn đề xin gia đình ông Lương cho mượn đất để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất thêm.

Thương cảm trước hoàn cảnh khó khăn của hàng xóm, gia đình ông Lương đồng ý cho 2 ông này mượn đất. Ngày 15/2/1993, ông Lương thay mặt gia đình làm văn bản cho ông Chủng mượn đất, văn bản ghi rõ: “Khi nào cần thiết tôi (ông Phạm Đình Lương) sẽ báo để anh Chủng (người mượn đất) trả lại cho tôi vì đây mới là ủy quyền để quản lý, đồng thời tôi tạm thời làm giấy này để thuận lợi cho việc quan hệ và tránh những vấn đề tranh chấp sau này”. Tiếp đó, ngày 15/12/1994, ông Lương lại thay mặt gia đình làm văn bản với ông An, văn bản này cũng ghi rõ “Khi tôi (ông Lương) sử dụng anh An phải trả lại mà không được đòi hỏi một điều kiện gì…”.

Việc cho mượn đất đều được lập thành văn bản có chữ ký rõ ràng của ông An và ông Chủng. Với tư cách là chủ sở hữu mảnh đất 82m2, trong suốt quá trình cho mượn đất gia đình ông Lương luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế đất cho Nhà nước đối với thửa đất này.

Cho hàng xóm mượn đất dễ dàng với lòng tin tuyệt đối, đến khi gia đình ông Lương có nhu cầu sử dụng thì ông An và ông Chủng lại cố tình trốn tránh, không gặp gia đình ông Lương. Năm 2005, UBND phường Phương Liên có chủ trương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, ngày 18/9/2005, ông Lương gửi đơn và hồ sơ pháp lý thửa đất nói trên đến phường Phương Liên và UBND quận Đống Đa làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì UBND phường Phương Liên không làm thủ tục với lý do đất đang tranh chấp do ông Chủng có đơn khiếu nại.

Ngạc nhiên và bàng hoàng, ông Lương đến gặp ông An và ông Chủng đề nghị trả lại đất theo đúng cam kết ngày 15/2/1993 và ngày 15/12/1994, nhưng ông Chủng và An không thực hiện. Cùng lúc, ông Lương đã gửi đơn đến chính quyền đề nghị giải quyết nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào giải quyết dứt điểm vấn đề này. Trong khi đó, mảnh đất ông An và ông Chủng mượn của ông Lương lại được chuyển nhượng cho người khác, mặc dù UBND phường Phương Liên biết rõ mảnh đất đang xảy ra tranh chấp.

UBND phường Phương Liên “chống lưng” cho sai phạm?

Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi bất thành với ông Chủng và ông An, từ năm 2005, ông Lương đã gửi rất nhiều đơn thư đề nghị chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng bảo vệ mình trong hành trình đòi lại quyền lợi ích hợp pháp của gia đình. Tuy nhiên, phải chờ đến 3 năm sau, ngày 7/1/2008, UBND phường Phương Liên mới tổ chức tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai giữa các hộ mượn đất với gia đình ông Lương.
 
Giấy cam kết mượn đất của ông Ngô Văn An
Giấy cam kết mượn đất của ông Ngô Văn An

Tham dự phiên hòa giải này có đại diện UBND phường Phương Liên, đại diện tổ dân phố, MTTQ, ông Trần Văn Chủng, riêng ông Ngô Văn An dù có giấy mời nhưng không đến. Tại buổi làm việc, ông Phạm Đình Lương xuất trình đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh là chủ sở hữu mảnh đất 82m2 và giấy cho mượn đất, nhưng UBND phường Phương Liên cố ý bỏ qua chứng cứ, không xem xét đến nguồn gốc đất, biên lai thuế đất gia đình ông Lương đóng từ năm 1992, đặc biệt là 2 tờ giấy cam kết mượn đất có chữ ký của ông An và ông Chủng.

Để làm rõ hành vi cố ý “bán đất” trái phép của ông An, ông Chủng, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng Luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Luật sư Trương Quốc Hòe nhận định:

“Theo hồ sơ vụ việc cho thấy, nguồn gốc đất là do gia đình ông Lương đã khai phá, được ghi nhận trong sổ địa chính của phường và có đóng thuế đất đầy đủ nên được pháp luật công nhận và bảo hộ. Việc ông An và ông Chủng mượn đất của gia đình ông Lương đã được lập thành văn bản thể hiện rõ ý chí của các bên là “mượn” và “cho mượn”, do vậy khi gia đình ông Lương có nhu cầu lấy lại thì đương nhiên phải trả lại đất ngay lập tức theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên hai ông này không những không trả đất mà còn cố ý bán cho người khác phần diện tích mình đã mượn, hành vi này đã vi phạm Điều 140 Bộ Luật hình sự về tội“Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”.

Ngoài ra, việc cố ý không giao trả đất như đã cam kết khi mượn đất cũng như cố ý chuyển nhượng bất hợp pháp quyền sử dụng đất nói trên của ông An và ông Chủng đã khiến cho gia đình ông Lương không thực hiện được thủ tục xin cấp “Sổ đỏ”, không được thực hiện quyền làm chủ của mình đối với khối tài sản hợp pháp của mình, đã gây ra rất nhiều thiệt hại và ông An, ông Chủng sẽ phải bồi thường cho gia đình ông Lương toàn bộ những thiệt hại này nếu gia đình ông Lương chứng minh được những thiệt hại đó...”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc