Vĩnh Phúc:
Uẩn khúc từ những công trình “nằm chờ” quyết toán ở xã Vĩnh Thịnh
25 công trình mỏi mòn “nằm chờ” quyết toán (trong đó có những công trình đã đi vào sử dụng cả chục năm) chính là “con số biết nói” về tình trạng bết bát của xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) trong công tác đầu tư, quản lý các công trình xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước.
Khảo sát của PLVN cho thấy, nguyên nhân chậm quyết toán các công trình trên chủ yếu đều do chi phí bị “đội” lên so với tổng mức đầu tư được duyệt. Điều này đặt ra nghi vấn có hay không chủ đầu tư và đơn vị thi công “vẽ thêm hạng mục” để rút kinh phí nhà nước?
Những điều trông thấy
Có mặt tại xã Vĩnh Thịnh sát ngày 27/7 chúng tôi không khỏi đau lòng khi biết công trình nghĩa trang liệt sỹ của xã được xây dựng từ năm 2002 nhưng tới nay vẫn “nằm chờ quyết toán”. Lần giở hồ sơ tại xã thì thấy công trình này cũng lắm gian truân. Năm 2002, UBND xã Vĩnh Thịnh làm chủ đầu tư công trình này đã giao cho đơn vị doanh nghiệp tư nhân Hòa Bá thi công, tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu chỉ hơn 360 triệu đồng với nhiều hạng mục trong đó có hạng mục tượng đài nghĩa trang liệt sỹ.
Công trình nghĩa trang liệt sỹ sau 10 năm đưa vào sử dụng vẫn nằm chờ quyết toán |
Thế nhưng sau khi khởi công 2 tháng, chủ đầu tư lại có tờ trình xin thay đổi thiết kế từ tượng đài chuyển thành nhà bia tưởng niệm. Tính chất công trình thực tế nhỏ đi thế nhưng dự toán lại tăng lên gần 600 triệu đồng. Kỳ lạ hơn, khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng thì đơn vị thi công và chủ đầu tư lại lập quyết toán với số kinh phí đội thêm lên gần 200 triệu đồng. Do giá trị quyết toán trình duyệt lớn hơn tổng giá trị dự toán được duyệt, giá trị quyết toán A-B lập không chính xác nên đã tròn 10 năm nay (công trình hoàn thành ngày 24/7/2003), công trình vẫn chưa thể quyết toán.
Từ nghĩa trang liệt sỹ, chúng tôi tới ‘thị sát” một công trình khác cũng do doanh nghiệp Hòa Bá thi công theo chỉ định thầu của chủ đầu tư, đó là trạm y tế xã. Công trình này được khởi công năm 2005, tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 1,1 tỷ đồng. Năm 2006 công trình hoàn thành, được bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng cũng không thể quyết toán vì “vênh” so với dự toán ban đầu hàng trăm triệu đồng. Hỏi chuyện người dân cũng như lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh về công trình này thì được biết, trạm y tế tuyến xã là công trình khá đơn giản nhưng không hiểu lý do gì thiết kế ban đầu lại thiếu nhiều hạng mục cơ bản như: nhà vệ sinh, cửa sổ, bàn để sản phụ nằm sinh con…sau đó, những hạng mục này được bổ sung và khiến cho kinh phí bị “đội” lên.
Trạm y tế xã cũng nằm chờ quyết toán |
Một công trình khác cũng có “thâm niên nằm chờ quyết toán” tới 8 năm là công trình trường mầm non của xã.
Trường mầm non cũng trong cảnh tương tự |
Thống kê của phòng tài chính kế hoạch huyệnVĩnh Tường cho thấy, tính tới hết tháng 6/2013, xã Vĩnh Thịnh có 50 công trình xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước thì 50% trong số đó ( 25 công trình) chưa thể quyết toán vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là kinh phí bị “đội” lên, trong khi đó công tác quản lý của chủ đầu tư thiếu chặt chẽ và yếu kém.
Và sự thực từ tiếng nói “người trong cuộc”
25 công trình “nằm chờ” quyết toán đều do UBND xã Vĩnh Thịnh là chủ đầu tư, đơn vị thi công chủ yếu là các doanh nghiệp: Công ty TNHH Cường Thinh, công ty TNHH Thành Minh, doanh nghiệp Hòa Bá…Trong đó, 2/3 công trình “đội kinh phí” là nghĩa trang liệt sỹ, trạm y tế xã Vĩnh Thịnh đều do doanh nghiệp Hòa Bá thi công xây dựng.
Gặp phóng viên tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh, khá bất ngờ là ông Lê Quang Bá, chủ doanh nghiệp Hòa Bá thừa nhận mình là “người nhà” ông Đoàn Minh Tuấn, nguyên bí thư xã Vĩnh Thịnh- người mới bị kỷ luật do sử dụng văn bằng bất hợp pháp-. Không rõ mối quan hệ này có giúp gì được doanh nghiệp Hòa Bá khi tham gia thầu công trình của xã hay không, chỉ biết rằng sự thực thì doanh nghiệp Hòa Bá từ khi thành lập ( năm 2002) tới khi tạm ngưng hoạt động ( năm 2007), chỉ làm có 2 công trình nói trên, 1 công trình là trạm thu gom sữa ( cũng do ông Tuấn là người có công phát triển đàn bò sữa đưa về) và một công trình là mương tưới tiêu nước.
Trò chuyện với phóng viên, ông Bá cho biết, 2 công trình nghĩa trang và trạm y tế xã doanh nghiệp ông chưa được quyết toán phần phát sinh. Số tiền khoảng 200 triệu đồng. Lạ ở chỗ, thay vì rốt ráo đòi quyết toán, ông Bá lại bày tỏ quan điểm thờ ơ nếu như không muốn nói là có vẻ như chẳng quan tâm tới số tiền còn thiếu này. Ông nói “những cái tôi làm là thực tế và được sự đồng ý của bên chủ đầu tư chứ không phải là tự ý làm. Sớm muộn gì thì cũng thanh toán cho tôi nhưng bên chủ đầu tư chưa có thì cứ từ từ cũng được. Còn quyết toán mà bảo không hợp lý thì tôi cũng đành chịu thôi chứ biết làm thế nào”. Khi được hỏi lại lần nữa nếu không quyết toán được thì ông nghĩ sao thì ông Bá “buông xuôi”: không quyết toán được thì thôi và cười vui.
Trước “tinh thần” kỳ lạ của đơn vị thi công, ông Nguyễn Văn Hào, chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh đưa cho chúng tôi bản báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Tường về tình trạng tồn đọng các dự án chậm quyết toán và cho biết xã đang chờ huyện có ý kiến để giải quyết. Ông Hào cũng nói thêm rằng để vướng mắc, tồn đọng là có trách nhiệm của chủ đầu tư ( cụ thể là Ban lãnh đạo khóa trước).
Để làm rõ một số điểm kỳ lạ về tình trạng các công trình nằm chờ quyết toán tại xã Vĩnh Thịnh, nhóm phóng viên đã có buổi làm việc với ông Lê Chí Miêng – trưởng phòng tài chính kế hoạch huyện Vĩnh Tường- đơn vị có trách nhiệm quản lý lĩnh vực này tại địa phương. Ông Miêng cho hay Vĩnh Thịnh là một trong những xã có tồn đọng tương đối lớn các công trình chậm quyết toán và năng lực chủ đầu tư thực sự chưa đáp ứng yêu cầu nên để phát sinh nhiều phức tạp từ khâu thiết kế tới khâu hoàn thiện hồ sơ.
Trước những nghi vấn về việc có hay không “liên minh ma quỷ” giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công để “rút ruột” công trình, khai khống hạng mục, ông Miêng cho biết đơn vị của ông chỉ quyết toán trên hồ sơ sổ sách, trừ trường hợp đặc biệt mới xác minh thực tế.
“Chúng tôi không thể biết được chủ đầu tư và nhà thầu có thông đồng với nhau để nâng hạng mục lên và rút tiền ra hay không. Tuy nhiên, trong kế hoạch của huyện đề ra chúng tôi phấn đầu trong 3 năm kể từ năm nay, 2013 phải quyết toán hết các công trình còn tồn đọng. Nếu hết năm 2014, nhà thầu nào còn có 4 công trình chưa quyết toán trở lên thì sẽ không được tham gia thầu bất cứ công trình nào nữa, xã nào có nhiều công trình không quyết toán được sẽ bị hạn chế việc xây dựng các dự án mới”, ông Miêng khẳng định.