Tung tin Khá "bảnh" chết trong trại, trò "nghịch dại" trả giá bằng tiền!

(Dân trí) - Tin đồn Khá "bảnh" tử vong trong trại giam đã bị cơ quan chức năng phản bác. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn về hình thức xử lý kẻ tung tin này và nếu phạm nhân bị chết sẽ được xử lý ra sao?

Tung tin thất thiệt bị phạt bao nhiêu tiền?

Tối 20/12, trên mạng xã hội Facebook đồng loạt xuất hiện nhiều tin đồn liên quan đến Ngô Bá Khá (còn gọi Khá "Bảnh", 27 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) chết trong quá trình thi hành án do bị phạm nhân ở cùng trại giam đâm.

Liên quan đến thông tin trên, nguồn tin của phóng viên Dân trí từ trại giam Hoàng Tiến (TP Chí Linh, Hải Dương) cho biết, thông tin trên là không chính xác.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, cũng khẳng định tin đồn Khá "Bảnh" chết trong trại tạm giam là sai sự thật.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Hình ảnh, thông tin trong trại tam giam được quản lý chặt chẽ, không có khả năng lọt những hình ảnh như trên mạng đồn thổi về cái chết của Khá "bảnh". Trường hợp giả sử xảy ra tử vong thì thông tin đó sẽ được tiếp nhận xử lý theo trình tự, thủ tục bởi cơ quan có thẩm quyền. Người thân thích sẽ được thông báo. Do vậy việc thông tin loan truyền trên mạng về cái chết của Khá bảnh trong trại giam là hoàn toàn không có cơ sở.

Tung tin Khá bảnh chết trong trại, trò nghịch dại trả giá bằng tiền! - 1

Khá "Bảnh" đang thụ án 10 năm 6 tháng tù tại Hải Dương.

Trường hợp này cần xác định thông tin về cái chết của khá bảnh là sai sự thật. Người đăng tải thông tin này sẽ bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh nơi người đó cư trú ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Tại Điều 101 "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội" quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Phạm nhân tử vong trong trại giam sẽ được xử lý thế nào?

Tung tin Khá bảnh chết trong trại, trò nghịch dại trả giá bằng tiền! - 2

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX.

Luật sư Quách Thành Lực cho biết: Trong trường hợp nếu như phạm nhân đang thụ án bị tử vong trong trại giam thì cơ đơn vị giam giữ phải báo cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xác định nguyên nhân tử vong. Sau đó trại tạm giam thực hiện khai tử và thông báo cho thân nhân của người tử vong biết trước khi thực hiện thủ tục mai táng.

Khi thực hiện thủ tục mai táng, người thân thích của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức mai táng theo quy định của pháp luật và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được nhà nước cấp.

Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng (Điều 56 Luật thi hành hình sự năm 2019 tại điều 56).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm