Hải Dương:

Tự ý “sáng tác” thêm nội dung bản án

(Dân trí) - Trước việc Chi cục Thi hành án dân sự Thị xã Chí linh tự ý “sáng tác” thêm nội dung bản án, khiến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Trương Thị Lâm bị xâm hại nghiêm trọng, gia đình bà Lâm đã làm đơn tố cáo việc làm 'trái khoáy" này.

Tự ý “sáng tác” thêm nội dung bản án  - 1
Ngôi nhà tại địa chỉ 178 Thái Học 2.

Tranh chấp kéo dài

Theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Hồng Tiến, năm 2001 mẹ ông Tiến là Bùi Thị Kẽm có mua của cậu, mợ ông là ông Bùi Đình Hồng và bà Trương Thị Lâm nhà, đất tại số 178 Thái Học 2, thị trấn Sao Đỏ với giá 225 triệu đồng. Việc mua bán mới chỉ làm giấy viết tay và đứng tên người mua là Nguyễn Hải Yến (là em gái ông Tiến), bà Lâm đã nhận đủ tiền. 
 
Do em gái ông Tiến không có nhu cầu sử dụng đất nữa, nên bố mẹ ông Tiến đã làm hợp đồng tặng cho anh nhà đất vào ngày 10/8/2010, việc tặng cho này được UBND địa phương xác nhận.

Còn theo bị đơn Trương Thị Lâm cho biết, trước năm 2001, ông Hồng (chồng bà) vay của bà Kẽm 50 cây vàng, việc vay mượn bà không biết. Ngày 7/7/2001, bà Kẽm sang nhà cầm sẵn một tờ giấy ghi nợ và yêu cầu bà viết giấy bán nhà để trừ nợ, bà đã viết giấy bán nhà cho chị Yến để trừ nợ. Thực chất bà không được nhận tiền của bà Kẽm, khi bà viết giấy bán nhà cho bà Kẽm thì chồng bà ở Vũng Tàu không biết. Đến năm 2003, ông Hồng về quê và bà Kẽm mới đưa giấy mua bán này sang nhà cho ông Hồng ký.

Theo bà Lâm, việc bán nhà này là không tự nguyện, nên bà không đồng ý trả nhà cho bà Kẽm. Tranh chấp mua bán bắt đầu phát sinh.

Sau khi có đơn kiện của ông Tiến, các cấp tòa ở tỉnh Hải Dương đã thụ lý. Việc tranh chấp này đã được nhiều cấp tòa của tỉnh Hải Dương đưa ra phán quyết.

Theo đó, ngày 15/11/2005 UBND huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh) đã có Quyết định số 513/2005/QĐ-UB thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Hồng Tiến.

Ngày 27/4/2006, TAND huyện Chí Linh có quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm về nội dung khởi kiện của ông Tiến. Lý do đình chỉ, bởi ông Tiến không có quyền khởi kiện vì việc mua bán không diễn ra giữa bà Lâm, ông Hồng và ông Tiến.

Quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh Hải Dương sau đó cũng khẳng định việc đình chỉ giải quyết vụ án của TAND huyện Chí Linh là đúng.

Tuy nhiên, sau đó TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nói trên, hủy 2 quyết định của TAND huyện Chí Linh và TAND tỉnh Hải Dương xét xử lại sơ thẩm.

Tại bản án số 07/2008/DS-ST, ngày 8/5/2008, TAND tỉnh Hải Dương đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tiến, buộc bà Lâm, ông Hồng phải trả toàn bộ nhà, đất tại 178 Nguyễn Thái Học 2 cho ông Tiến.

Án một đằng, thi hành một nẻo!

Thấy rằng phán quyết chưa khách quan, bà Trương Thị Lâm đã có đơn kháng cáo bản án số 07/2008 của TAND tỉnh Hải Dương ngày 8/5/2008. Ngày 4/9/2008, TAND Tối cao – Tòa Phúc thẩm tại Hà Nội đưa ra xét xử công khai về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất đối với bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Hải Dương. 
 
Tuy nhiên, tại bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm vẫn chưa làm rõ được việc ông Tiến là người định cư ở nước ngoài nên không được tặng cho nhà đất vào năm 2001. Cụ thể Tòa chấp nhận cho ông Tiến nộp Hộ chiếu chỉ có 7 trang (Hộ chiếu đầy đủ là 48 trang), trên Hộ chiếu không có dấu xác nhận ngày đi, ngày đến và nơi đi, nơi đến. Trang cuối của Hộ chiếu có ghi như sau: “Hộ chiếu này thay cho Hộ chiếu số PT 486228 do VP Berlin cấp ngày 31/3/1998, Berlin ngày 04/12/2002”. Hộ chiếu do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cấp.

Vậy từ năm 1998 đến 2002 và trở về sau ông Tiến vẫn đang ở Berlin mới được cấp Hộ chiếu tại đây, nếu ông Tiến về Việt Nam thì phải có dấu nhập cảnh của hải quan Việt Nam. Còn về việc ông Tiến trình bày có đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh tại Việt Nam vào thời điểm năm 2001 là sai, bởi vì đăng ký kinh doanh của gia đình ông Tiến do bà Bùi Thị Kẽm (mẹ ông Tiến) đứng tên và đến năm 2004 mới thay đổi ông Tiến làm giám đốc.   

Tự ý “sáng tác” thêm nội dung bản án  - 2
Bản án 163 phán quyết chỉ trả lại "toàn bộ căn nhà và công trình phụ..."
 
Tại bản án số 163 ngày 4/9/2008, Tòa Phúc thẩm tại (TANDTC tại Hà Nội) vẫn quyết định chấp thuận yêu cầu khởi kiện của ông Tiến. Đồng thời, “buộc bà Trương Thị Lâm và ông Bùi Đình Hồng phải trả cho anh Nguyễn Hồng Tiến toàn bộ căn nhà và công trình phụ, cây hoa màu tọa lạc trên đất thổ cư số 178 phố Thái Học 2…”.
 
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật tới 127 ngày, ông thẩm phán Nguyễn Huy Chương mới có công văn số 20/2009/CVPT giải thích bản án (bản án tuyên ngày 04/9/2008 còn công văn số 20/2009/CVPT ngày 11/01/2009) và ký thay mặt hội đồng xét xử không đúng thẩm quyền.
 
Nội dung công văn 20/2009/CVPT không  phải giải thích về câu chữ trong bản án theo quy định mà là bổ sung thêm nội dung "nhà đất" trái pháp luật vào bản án. Bản án phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự sẽ do Hội đồng giám đốc thẩm xét lại nên không thể sử dụng bản án phúc thẩm kèm theo công văn giải thích là căn cứ để thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án.
 
Tự ý “sáng tác” thêm nội dung bản án  - 3
Nhưng thông báo của thi hành án Thị xã Chí Linh có cả phần "nhà, đất..."

Phản ánh đến cơ quan báo chí, bà Lâm bức xúc, nói rằng trong thông báo về việc thi hành án dân sự bản án 163 nói trên, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Chí Linh đã “sáng tác” thêm nội dung ngoài bản án để bắt bà thi hành. Theo đó, ngày 3/3/2011, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Chí Linh đã ra thông báo 119 yêu cầu bà Lâm có nghĩa vụ giao trả cho ông Tiến “toàn bộ nhà, đất, công trình phụ, cây cối hoa màu tại số nhà 178 phố Thái Học 2”.

Theo luật sư Trương Anh Tú, nội dung bản án phán quyết thế nào thì thi hành án phải theo đó mà thực hiện, chứ không được phép tùy tiện “sáng tác”, tự ý đưa thêm phần “toàn bộ nhà, đất…”  như thông báo số 119 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Chí Linh. Điều này, là trái ngược với phán quyết của phiên tòa.
 
Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm