3 phút cùng luật sư:
Từ vụ việc nam sinh đánh cô giáo: Khi đạo đức bất lực, pháp luật sẽ nói gì?
(Dân trí) - Hành động chửi mắng và tát vào mặt cô giáo của nam sinh trong đoạn clip được lan truyền không chỉ đáng bị phê phán về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật với nhiều chế tài xử lý.
Mới đây, đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một học sinh nam lớn tiếng chửi thề và tát vào mặt cô giáo mình khi bị tịch thu điện thoại đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Rõ ràng, đây là hành vi trái với đạo đức và chuẩn mực xã hội. Vậy dưới góc độ pháp luật, hành vi này sẽ được nhìn nhận thế nào? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Hoàng, đến từ văn phòng luật Phanlaw Vietnam để tìm hiểu.
Thưa luật sư, hành vi chửi và đánh cô giáo của nam sinh trong đoạn clip có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì hình thức xử lý cụ thể như thế nào?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Để nói hành vi của nam sinh có vi phạm pháp luật hay không cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau và đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành về cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, bất kỳ ai cũng được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm và sức khỏe, và những hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe người khác là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài theo quy định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với mỗi độ tuổi khác nhau, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ chịu chế tài khác nhau.
Trong trường hợp nam sinh có hành vi vi phạm thì tùy thuộc vào độ tuổi của nam sinh tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật hay không, cụ thể như sau:
Về trách nhiệm hành chính:
Việc có cử chỉ, lời nói thô bạo, xúc phạm danh sự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Chế tài với hành vi này có thể bị cảnh cáo cho đến phạt tiền lên đến 5.000.000 đồng.
Tuy nhiên, căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 5, Điều 22 và Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý VPHC 2014 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo trong trường hợp cố ý thực hiện hành vi vi phạm.
Do đó, trường hợp nam sinh lớp 8 ở độ tuổi từ đủ 14 tới dưới 16 tuổi thực hiện hành vi vi phạm với lỗi cố ý thì có thể sẽ bị xử phạm vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo.
Về trách nhiệm hình sự:
Theo quy định, người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự.
Theo đó, hành vi xúc phạm người khác nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy tố về Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS) với mức phạt tù đến 02 năm. Đối với hành vi dùng vũ lực với người khác, nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy tố về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS) với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Tuy nhiên, căn cứ theo Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều luật được liệt kê (trong đó có Điều 134- Tội cố ý gây thương tích...). Hành vi của nam sinh trong clip có bị truy tố hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, tính chất mức độ của hành vi, tỷ lệ thương tật của cô giáo,...
Về trách nhiệm dân sự:
Trong trường hợp có thiệt hại xảy ra thì người gây thiệt hại sẽ phải bồi thường, nhưng đối với người chưa đủ 18 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ có thể sẽ bồi thường thay.
Cô giáo trong đoạn clip có quyền tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường những tổn thương sau hành động của nam sinh không thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Như đã nêu ở trên, hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Luật Tố cáo 2018, công dân có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định pháp luật. Do đó, bất kỳ ai cũng có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để những hành vi đó bị xử lý theo quy định.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo 2018, người tố cáo phải đảm trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; và phải bồi thường thiệt hại nếu cố ý tố cáo sai sự thật.
Bên cạnh đó, trong trường hợp có thiệt hại xảy ra, người bị thiệt hại (cô giáo) có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại sau các hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của mình theo quy định tại Khoản 1, Điều 584, Bộ Luật dân sự 2015, tuy nhiên cần lưu ý về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nam sinh:
a)Mức bồi thường đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bao gồm thiệt hại do hành vi này gây ra (cụ thể là: Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặt giảm sút và thiệt hại khác theo quy định) và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu căn cứ theo Điều 592 BLDS 2015.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Căn cứ theo Điều 590 BLDS 2015, mức bồi thường đối với hành vi xâm phạm đến sức khỏe bao gồm thiệt hại do hành vi này gây ra cụ thể là:
1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.
Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trường hợp nam sinh vẫn chưa đủ tuổi vị thành niên để chịu trách nhiệm, phụ huynh hoặc người bảo hộ của nam sinh này sẽ phải chịu trách nhiệm gì trong vấn đề này thưa luật sư?
Đối với người chưa đủ tuổi vị thành niên, trong trường hợp này, pháp luật có quy định trách nhiệm bồi thường tại Khoản 2 và 3, Điều 586 BLDS 2015 như sau:
- Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
- Người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Ở góc độ cá nhân, luật sư có suy nghĩ gì về vụ việc này?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Clip trên đã ghi lại cảnh một nam sinh có lời lẽ xúc phạm cô giáo do bị tịch thu điện thoại. Không chỉ yêu cầu cô trả lại bằng lời lẽ xúc phạm, em học sinh còn vung tay tát vào mặt cô trước sự chứng kiến của những người bạn khác. Hành vi này đã gây ảnh hưởng tiêu cực cô giáo nói riêng và ngành giáo dục nói chung gây nên bất bình trong dư luận.
Trước khi xem xét đến yếu tố pháp luật, hành vi trên đã hoàn toàn đi ngược lại với đạo đức, kỷ luật của một người học sinh. Các em đến trường để rèn luyện đạo đức, tri thức nhưng lại có những hành vi sai trái với chính người thầy của mình.
Tuy nhiên, với lứa tuổi còn nhỏ, chưa kiểm soát được cảm xúc và chưa có nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, chúng ta cần xem xét vấn đề một cách khách quan và khoan dung với em học sinh này. Cùng với đó, gia đình và nhà trường cần phối hợp một cách nghiêm túc và chặt chẽ trong vấn đề giáo dục học sinh.
Mặc dù vậy, cần phải có hình thức kỷ luật xác đáng, mang tính răn đe, không chỉ đối với em học sinh này mà còn đối với các trường hợp khác. Đây chính là trường hợp điển hình cần phải lưu tâm xử lý, làm tấm gương để tránh xảy ra các trường hợp tiếp theo. Chính vì vậy, bên cạnh kỷ luật từ phía Nhà trường, yếu tố pháp luật cũng cần được quan tâm để xử lý hành vi vi phạm và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của giáo viên.