Từ vụ nữ sinh Ninh Thuận tử vong: Làm sai lệch hồ sơ vụ án, xử lý thế nào?
(Dân trí) - Sau khi nữ sinh Ninh Thuận tử vong do tai nạn giao thông được minh oan về nồng độ cồn, điều được quan tâm là nếu có căn cứ việc "đổi trắng thay đen" hồ sơ vụ việc, người vi phạm bị xử lý ra sao?
Sai sót không đáng có, gây bức xúc trong dư luận
Trao đổi với Phóng viên báo Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, trong thời gian gần đây số lượng các vụ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể do lực lượng chức năng chú trọng công tác xử phạt vi phạm về nồng độ cồn của tài xế. Tuy nhiên, các vụ tai nạn thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn và vô ý thức của người tham gia giao thông, gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người. Do đó, cần xem xét và xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong các vụ tai nạn, kể cả các cơ quan chức năng có liên quan.
Về vụ việc xảy ra gần đây tại Ninh Thuận, theo thông tin từ báo chí, quân nhân Hoàng Văn Minh là cán bộ của Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng phòng không - không quân trong khi lái xe ô tô đã có va chạm với nữ sinh Hồ Hoàng Anh (học sinh lớp 12). Vụ tai nạn khiến nạn nhân bị đa chấn thương vùng đầu, dẫn đến hậu quả nữ sinh này tử vong.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phan Rang, Tháp Chàm và Cơ quan điều tra hình sự khu vực 2, Quân chủng phòng không - không quân đã vào cuộc và đề nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ thủ tục điều tra ban đầu như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện.
Trong quá trình thực hiện các hồ sơ, tài liệu của vụ việc, vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm là kết quả xét nghiệm đo nồng độ cồn của người bị tai nạn - nữ sinh H.H.A. Theo đó, trong quá trình nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, thực hiện theo Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho bệnh nhân H.H.A.. Xét nghiệm được thực hiện tại BVĐK tỉnh Ninh Thuận cho ra kết quả nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân H.H.A là 0,79mg/ml. Kết quả này sau đó gây ra tranh cãi dữ dội trong dư luận.
Về kết quả đo nồng độ cồn của nữ sinh H.A., ông ông Nguyễn Tri Long, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Ninh Thuận đã công bố thông cáo báo chí của tỉnh về vụ việc. Theo đó, ngày 29/7, bệnh viện đa khoa tỉnh có văn bản báo cáo giải trình kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của bệnh nhân.
Khi thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, kỹ thuật viên đã không thực hiện đúng theo quy định (không thực hiện giai đoạn chạy mẫu kiểm tra trước khi chạy mẫu huyết thanh của bệnh nhân). Bên cạnh đó, khi nhận thấy kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân bất thường, kỹ thuật viên đã không thực hiện xem xét và ký trả kết quả xét nghiệm theo đúng quy định.
"Như vậy, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của bệnh nhân H.A. chưa được kiểm chứng, không đủ độ tin cậy và không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân" - kết luận của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ.
Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thấy có động cơ bất chính!
Trên cơ sở các thông tin như vậy, luật sư Tiền cho biết những cá nhân trực tiếp thực hiện việc xét nghiệm cho ra kết quả không chính xác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, nếu có đủ căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm. Cụ thể:
Về trách nhiệm hành chính, những người trực tiếp thực hiện việc xét nghiệm cũng như người chỉ đạo, với tư cách là công chức/viên chức, có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, với hành vi thực hiện xét nghiệm sai sót, không đúng quy trình sẽ bị xử lý theo Khoản 1 Điều 8, Khoản 1 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP với hình thức xử phạt khiển trách.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải chịu các chế tài theo quy chế nội bộ của ngành Y tế nói chung và BVĐK tỉnh Ninh Thuận nói riêng.
Về trách nhiệm hình sự, trong trường hợp có đủ căn cứ cho thấy cá nhân vi phạm có mục đích, động cơ bất chính hoặc hậu quả của hành vi là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của cá nhân khác, thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, trong trường hợp việc sai sót bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm, bất cẩn, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nếu có đủ căn cứ cho rằng việc sai sót là có chủ ý nhằm mục đích bất chính, người vi phạm có thể bị quy kết tội danh Giả mạo trong công tác, cụ thể là làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu theo Khoản 1 Điều 359 BLHS, với hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù, đồng thời người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề từ 01 đến 05 năm.
Đây là mức hình phạt nghiêm khắc đối với những người vì động cơ cá nhân mà cố ý làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến tố tụng hình sự.
Kết luận lại vấn đề, luật sư Tiền cho rằng đây là một vụ tai nạn hết sức thương tâm, nạn nhân có tuổi đời rất trẻ (18 tuổi), đặc biệt vụ việc đang được dư luận hết sức quan tâm, do đó các cơ quan chức năng cần thể hiện sự công tâm cũng như trách nhiệm cao trong từng khâu nhỏ nhất của vụ việc. Sự sai sót xảy ra trong kết luận xét nghiệm về nồng độ cồn của nạn nhân là không đáng có, đã khiến dư luận xã hội bức xúc, gây ra tiêu cực và áp lực đối với cơ quan tố tụng.
Chính vì vậy, trong vụ việc đang xét đến nói riêng và các vụ việc khác nói chung, các cơ quan có thẩm quyền nên thực hiện công việc chuyên môn với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.