Từ vụ khách uống cà phê bị mất xe SH: Trường hợp nào chủ quán phải đền?
(Dân trí) - Câu chuyện khách hàng đến quán cà phê Phê La bị mất xe Honda SH đang được chia sẻ rộng rãi trong các cộng đồng ẩm thực Hà Nội... Ở đây, ai sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù và mức bồi thường ra sao?
Như đã đưa tin, ngày 9/9 anh Phạm Đức Tâm tới quán cà phê Phê La (ở số 2 Núi Trúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) để uống cà phê và gửi chiếc Honda SH tại bãi trông giữ xe của quán. Khi gửi xe, anh Tâm được bảo vệ tiếp nhận và đưa vé xe.
Tuy nhiên, khi anh ra về, chiếc xe của anh đã bị trộm mất. Ngay lúc đó, vụ việc được lập biên bản giữa anh Tâm, đơn vị bảo vệ được thuê trông giữ xe và đại diện quán Phê La Núi Trúc. Đồng thời, anh Tâm cũng trình báo việc bị trộm mất xe lên Công an phường Kim Mã.
Trao đổi với Phóng viên Dân trí, đại diện chuỗi cửa hàng cà phê này cho biết phía công ty Phê La đang tích cực giải quyết vụ việc để sớm có phương án bồi thường cho khách hàng.
Câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trong các cộng đồng ẩm thực Hà Nội. Nhiều người cho rằng trường hợp của anh Tâm là may mắn vì ít ra chuỗi cửa hàng này đã đứng ra nhận trách nhiệm. Một tài khoản chia sẻ bài học "đau thương" của bản thân: "Mình đi học ở piano chùa láng và sau đó mất xe, trung tâm cũng im lặng luôn. Họ không hề thông báo là học viên phải gửi xe ở bãi mà cho học viên để xe trước cửa, đến lúc mình hỏi thì trung tâm báo không trông coi xe cho học viên, học viên tự lo gửi xe. Đành chấp nhận đau thương này để rút kinh nghiệm chứ cũng chẳng biết làm thế nào".
Nhiều người cũng băn khoăn về trách nhiệm của các nhà hàng, quán ăn trong trường hợp xe của khách bị mất. Theo đó, người trông xe hay chủ quán sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho khách? Mức bồi thường được tính ra sao?
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường tài sản chỉ phát sinh trong trường hợp có hợp đồng và một số trường hợp ngoài hợp đồng (do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản… của cá nhân, tổ chức gây thiệt hại) mà pháp luật quy định cụ thể.
Trong trường hợp khách gửi xe tại quán mà bị mất trộm, cần phải xác định rõ giữa khách và chủ quán có phát sinh quan hệ giao dịch hay không, cụ thể ở đây là có xác lập "hợp đồng gửi giữ tài sản" giữa 2 bên hay không.
Tại Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
"Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công."
Về hình thức xác lập thì hiện nay có 3 hình thức xác lập hợp đồng là hợp đồng xác lập bằng lời nói, hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng xác lập bằng hành vi thực tế.
Như vậy để xem xét giữa khách và chủ quán có hình thành quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản hay không thì cần xem xét khi gửi xe ở tầng trệt thì nhân viên giữ xe có ghi số và đưa vé gửi xe cho bạn không, hay giữa bạn và nhân viên giữ xe có sự thỏa thuận với nhau về việc trông giữ xe hay không.
Theo đó, như trong trường hợp của anh Phạm Đức Tâm khi gửi xe đã được nhận vé thì đây sẽ là bằng chứng để xác lập quan hệ gửi giữ xe. Khi đó, theo quy định hiện hành, anh Tâm có quyền yêu cầu chủ quán bồi thường thiệt hại do làm mất xe, trường hợp chủ quán không thực hiện thì anh Tâm có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết.
Điều 556 và Điều 557 BLDS 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản và nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:
"Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản
- Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản
- Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
..........
Về việc bồi thường khi bị mất xe
Luật sư Xuyến thông tin thêm, theo quy định của pháp luật, khi bạn gửi xe và bị mất xe mà phía chỗ giữ xe không có cảnh báo về việc khách hàng phải tự bảo quản trông giữ xe thì dù bạn không có phiếu gửi xe nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể yêu cầu bên giữ xe phải bồi thường tài sản cho chiếc xe đã mất theo quy định.
"Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công"
"Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định".
Như vậy, việc gửi và giữ xe được xem là hợp đồng gửi giữ tài sản. Nếu nơi gửi xe làm mất xe của bạn thì bạn chắc chắn sẽ nhận được bồi thường.
Trong trường hợp giữa bạn và nhân viên giữ xe không có sự thỏa thuận hoặc sự thỏa thuận chỉ là lời nói hoặc hành vi thì việc chứng minh giữa bạn và quán đã xác lập quan hệ gửi giữ là rất khó khi mà chủ quán đã chối bỏ trách nhiệm. Do vậy, trong trường hợp này, việc bạn có được chủ quán bồi thường hay không còn phụ thuộc vào việc chứng minh của bạn về việc xác lập quan hệ gửi giữ xe với quán.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chứng minh này là rất khó và đem lại hiệu quả không cao, vì vậy, trong trường hợp này bạn nên nói chuyện lại với chủ quán và yêu cầu họ hỗ trợ bạn một phần, khi đó, để giữ uy tín của cửa hàng chủ quán có thể chấp nhận. Còn nếu khởi kiện thì phần thắng sẽ không cao.
Thực tế những trường hợp khách bị mất xe khi gửi tại quán ngày càng nhiều, do vậy, luật sư cũng khuyến cáo các bạn rằng nên có tinh thần tự bảo quản tài sản của mình khi gửi xe tại các nhà hàng, quán xá, hay như khi gửi nên yêu cầu nhân viên đưa vé và hỏi rõ trách nhiệm của quán, nhà hàng trong việc trông giữ tài sản và khi tài sản bị mất sẽ xử lí ra sao.
Mức bồi thường khi làm mất xe ở cửa hàng, quán cafe?
Luật sư Xuyến cho biết, hai bên có thể thuê tổ chức định giá chiếc xe mất để có phương án bồi thường, hoặc tham khảo giá chiếc xe ở những cửa hàng xe cũ để đưa giá mức giá bồi thường thương lượng cho cả hai bên.
Tính giá trị xe còn lại như cách tính lệ phí trước bạ xe cũ cũng là một cách để hai bên đưa ra mức bồi thường. Công thức tính giá trị xe còn lại được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2019/TT-BTC như sau: Giá trị còn lại của xe cũ = Giá xe mới x % chất lượng còn lại