Bạn đọc viết:

Từ vụ “canh gà Thọ Xương”: Dư luận đang quá khắt khe với người thầy

(Dân trí) - Thời gian vừa qua dư luận đang sục sôi với món “canh gà Thọ Xương” trong bài văn của một số em học sinh lớp 7A10 Trường THCS Lômônôxôp (Hà Nội). Vì một món “canh gà Thọ Xương” mà cả giáo viên lẫn ngành giáo dục đang phải hứng chịu búa rìu của dư luận.

Bài văn “canh gà Thọ Xương” gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây
Bài văn “canh gà Thọ Xương” gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây
 
“Canh gà Thọ Xương” – món ăn đặc sản của Tây Hồ?

Câu chuyện bắt đầu từ phản ứng của một phụ huynh có con học lớp 7A10 THCS Lômônôxôp (Hà Nội) về việc con hiểu sai ý nghĩa câu “canh gà Thọ Xương” trong bài cảm nhận về bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương….”

Kiểm tra vở của con, anh sốc nặng khi thấy bài viết chữ nguệch ngoạc, sai cả chính tả lẫn nội dung nhưng vẫn được cô cho 8 điểm. Kiểm tra thông tin từ những người bạn học cùng con gái, phụ huynh này vì quá sốc và tức giận, liên hệ với Ban giám hiệu Trường THCS Lômônôxôp để thẩm định và công khai trên báo chí về sự việc này.
 
Sau khi sự việc diễn ra, cô Hà Thu Thủy – giáo viên trực tiếp dạy văn cho các em học sinh lớp 7A10 đã lên tiếng giải thích và xin lỗi: “Tôi yêu cầu các em tự cảm nhận, không gợi ý, sau đó thu vở một số em để chấm. Trong khi chấm, thấy nhiều học sinh hiểu nhầm “canh gà Thọ Xương” là món canh gà, trong khi hiểu đúng phải là tiếng gà báo sang canh. Lúc trả bài trên lớp, tôi đã nói lớp có nhiều bạn làm sai, nhưng vì bài tự cảm nhận nên các em tự sửa để cho nhớ”.

Thế nhưng sau khi vụ việc phát tán trên mạng thì dư luận chạy theo số đông, đua nhau chỉ trích cô giáo. Nhiều người cho rằng cô đang biện minh cho sai sót của mình, rằng cô Thủy có vấn đề về kiến thức rồi quay sang đổ tội cho ngành giáo dục đang xuống cấp và đòi kiểm tra lại trình độ của giáo viên này.

“Bài tự cảm nhận sao các em đều viết giống nhau và các em nói cô giáo dạy như thế? Làm gì có chuyện tự cảm nhận mà không điểu chỉnh cho đúng cảm nhận. Cô giáo này còn không biết rõ thì làm sao dạy học sinh được. Tôi không đồng ý với cách giải bày của cô giáo. Thầy cô giáo nào cũng như vậy thì các con em chúng ta mai này ra sao. Tôi đề nghị kiểm tra lại trình độ chuyên môn của cô này và có hình thức phạt phù hợp” – độc giả Thuận Trần nghi ngờ.

Bên cạnh những ý kiến chỉ trích gay gắt thì một số đông người đã đồng cảm và ủng hộ cô Thủy: “Tôi không tin cô giáo với bằng cấp kiến thức mà lại sai như vậy. Đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp cộng thêm những người ăn không ngồi rồi thổi phồng sự việc lên. Mong rằng cô giáo vượt qua được búa rìu dư luận, làm lại từ đầu, không nhất thiết phải đứng trên bục giảng mới có thể đóng góp tốt cho xã hội bằng tài nằng của mình cô giáo nhé. Cố lên cố lên, tôi ủng hộ cô” – Độc giả có tên LucBinh.

“Thầy già, con hát trẻ”

Trước áp lực nặng nề từ phía dư luận, ngày 8/10/2012, cô giáo Hà Thu Thủy đã gửi đơn nghỉ việc với lí do cá nhân, và đã phải vào nhập viện truyền dịch vì quá sốc.

Các em học sinh trường Lômônôxôp cũng ra sức bảo vệ, đứng về phía cô giáo Thủy, lập hẳn một hội trên facebook ủng hộ cô giáo Hà Thu Thủy và mong cô quay trở lại trường. Một học sinh lớp 7A10 còn đau lòng đăng một status “Làm thế nào để cô quay lại bây giờ, làm ơn đi”

Dường như vụ việc này ngày càng đi quá xa, nhiều người cho rằng phụ huynh đã quá nóng vội, hấp tấp mà công khai vụ việc với báo chí. Để rồi khi mà sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xác minh thì dư luận lại luôn dùng những lời lẽ gay gắt để chỉ trích cô giáo, đổ lỗi cho ngành giáo dục, gây áp lực về phía nhà trường và vô tình làm tổn thương đến các con em học sinh.

Việc dư luận thổi phồng sự việc vô tình đã làm tổn thương các em học sinh trong lớp 7A10. Các em sẽ thấy mặc cảm như chính mình đang làm hại cô giáo, khi bạn bè của các em đang bênh vực cô, cô lại phải xin nghỉ việc và vào nhập viện. Và khi vụ việc đang bị cuốn đi theo vòng xoáy của dư luận thì việc học tập của các em sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Còn với cô Hà Thu Thủy một giáo viên được đánh giá là trẻ, tài năng và đầy nhiệt huyết thì đây sẽ là một cú sốc rất lớn trong nghề “dạy người”. Và còn biết bao giáo viên trẻ tâm huyết với nghề nghiệp, muốn thử nghiệm các phương pháp dạy học sáng tạo sau cái “dớp” này liệu ai còn dám thử sức hết lòng với nghề?

Trong vụ việc này ai đúng? Ai sai? Đáng trách hay đáng thương? Điều này vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng chỉ chắc chắc một điều rằng sự việc này đã làm quá nhiều người tổn thương.
Ngọc Luyến Quý - Thủy Anh
(Lớp Báo mạng điện tử K30 - Học viện Báo chí Tuyên truyền)