Từ vụ bà Phương Hằng tố Đàm Vĩnh Hưng: Đang bị tạm giam có được tố cáo?

Hải Hà

(Dân trí) - Nhiều độc giả Dân trí băn khoăn, bà Phương Hằng đang bị tạm giam thì có được thực hiện việc tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không? Cần lưu ý gì khi gửi đơn tố cáo người khác?

Như đã đưa tin, bà Nguyễn Phương Hằng có đơn tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng nhiều người khác về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nhiều độc giả Dân trí băn khoăn, bà Phương Hằng đang bị tạm giam, có được thực hiện việc tố cáo này không? Đang bị giam thì sao có thể thu thập được chứng cứ để tố cáo?

Giải đáp băn khoăn này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội cho biết, tại điều 9, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Trong đó điểm h của điều này khẳng định người bị tạm giữ, tạm giam không bị giới hạn quyền công dân và hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể:

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:

a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;

….

h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật".

Tuy nhiên, luật sư Tiền cho biết, khi tố cáo hành vi vi phạm của người khác, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật những gì mình đã tố cáo bằng việc trình bày trung thực về nội dung tố cáo, đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

Từ vụ bà Phương Hằng tố Đàm Vĩnh Hưng: Đang bị tạm giam có được tố cáo? - 1

Bà Nguyễn Phương Hằng.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm được tố cáo chỉ được pháp luật công nhận và xử lý khi có đầy đủ bằng chứng chứng minh vi phạm. Vì vậy, nếu tố cáo thiếu chứng cứ và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật, hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống.

Người tố cáo phải có trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo

Tại điều 30, Hiến pháp 2013 quy định:

Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong đó, theo khoản 1, điều 2, Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định trên, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2, điều 9, Luật Tố cáo, đi đôi với quyền thì người tố cáo cũng có nghĩa vụ:

- Cung cấp thông tin cá nhân;

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Bên cạnh đó, theo điểm b, khoản 1, điều 156, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống với mức phạt tù lên đến 7 năm.

Tuy vậy, căn cứ điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự, người có hành vi vu khống chỉ bị khởi tố hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, nếu không có yêu cầu khởi tố của người bị hại, người vu khống sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu tố cáo thiếu chứng cứ, sai sự thật và không được cơ quan chức năng công nhận, người tố cáo có thể bị tố ngược về tội vu khống. Do đó, trước khi quyết định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức nào đó, người tố cáo cần phải tìm hiểu kỹ thông tin để tránh rủi ro pháp lý về sau.