Từ việc ông Trầm Bê tái xuất: Người có tiền án được lãnh đạo doanh nghiệp?
(Dân trí) - Theo luật sư, nếu trong bản án không tuyên hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn trong thời hạn nhất định, người chấp hành xong án được quyền làm chủ doanh nghiệp.
Như đã đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, thông qua bầu bổ sung ông Trầm Bê làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Trước đó, trong thời gian làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê cùng 9 người khác bị cáo buộc có những sai phạm, gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền hơn 81,771 tỷ đồng và 9.205 lượng vàng SJC (làm tròn). Ông Bê sau đó bị TAND TP.HCM tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan.
Theo dõi thông tin, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với việc đã có tiền án, ông Trầm Bê có thể trở thành người lãnh đạo, quản lý của Bệnh viện Triều An hoặc các doanh nghiệp khác trong tương lai hay không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các cá nhân không được phép thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp nếu thuộc nhóm đối tượng sau:
"Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng".
Bên cạnh căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, để xem xét việc ông Trầm Bê có bị cấm đảm nhận chức vụ, công việc sau khi "mãn hạn tù" hay không thì còn phải căn cứ vào bản án mà tòa án đã tuyên trước đó với ông.
Cụ thể, nếu bên cạnh hình phạt tù, bản án đã tuyên của tòa án có hình phạt cấm đảm nhận chức vụ, hoặc làm công việc trong một thời hạn nhất định thì ông Trầm Bê phải tuân thủ bản án đó. Điều đó có nghĩa sau khi chấp hành xong bản án phạt tù một thời hạn nhất định, ông Trầm Bê mới có thể tham gia đảm nhận các công việc, chức vụ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu bản án đã tuyên không có hình phạt cấm đảm nhận chức vụ, làm một công việc hoặc cấm đảm nhận chức vụ, làm một công việc liên quan đến tín dụng thì ông Trầm Bê hoàn toàn có quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, điều hành doanh nghiệp, đảm nhận những chức vụ, công việc trong doanh nghiệp sau khi chấp hành xong bản án phạt tù.
Như vậy, đối với trường hợp này, ông Trầm Bê là người đã chấp hành xong bản án hình sự có thời hạn 3 năm và trong bản án không tuyên hình phạt bổ sung về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn trong một thời gian nhất định. Do đó, theo quy định của pháp luật, ông Trầm Bê không thuộc nhóm đối tượng bị cấm thành lập, tham gia thành lập hoặc đảm nhận các chức vụ, quyền hạn nhất định và đủ điều kiện trở thành lãnh đạo, người quản lý của các doanh nghiệp trong thời gian tới.