Ba phút cùng luật sư:

Tự phát mua pháo hoa về đốt đêm giao thừa có vi phạm pháp luật?

(Dân trí) - Thay đổi lớn nhất trong dịp Tết Đinh dậu 2017 là hầu như tất cả các địa phương đều sẽ không bắn pháo hoa trong dịp giao thừa, chào đón năm mới như các năm trước. Nhiều bạn đọc thắc mắc là nhà nước không bắn thì người dân có bị cấm không?

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, sẽ tư vấn kỹ hơn về vấn đề này.

Năm nay có được mua pháo hoa về đốt?

Một bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi: “Tôi nghe nói năm nay nhà nước cấm bắn pháo hoa luôn. Vậy người dân mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa thì có vi phạm pháp luật không, thưa luật sư?”

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 36 năm 2009 của Chính thì: “Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 36 năm 2009 của Chính phủ thì hành vi sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa bị nghiêm cấm.

Như vậy, hành vi mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa là vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, hành vi mua pháo hoa hay pháo nổ về đốt đều là vi phạm pháp luật
Theo luật sư, hành vi mua pháo hoa hay pháo nổ về đốt đều là vi phạm pháp luật

Vậy mức phạt là bao nhiêu, thưa luật sư?

Theo điểm b, Khoản 2 điều 10 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng các loại pháo mà không được phép”

Còn trường hợp đốt pháo nổ thì bị xử lý như thế nào thưa luật sư?

Hành vi đốt pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 BLHS:

- Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

- Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Còn người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 245 BLHS:

- Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng”;

- Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

- Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

Xin cảm ơn Thư viện Pháp luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)