Bài 3:
Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: Những uẩn khúc từ vụ án hủy hoại tài sản
(Dân trí) - Từ việc phá ngôi nhà của chính mình, nhưng lại bị khởi tố vì tội hủy hoại tài sản, chúng tôi thấy một số nội dung rất quan trọng cho thấy, còn đó những ẩn khuất mà phân tích các sự kiện sẽ thấy rõ hơn. Vậy đâu là lý do khiến vụ việc bị các cơ quan chức năng cứ cắt rời từng vụ việc (mà vốn liên quan mật thiết với nhau) để xử lý?
Tự phá ngôi nhà mình cũng không xong
Ngày 8.4.2016, làm việc với công an huyện Gia Lâm (gồm thượng tá Đinh Văn Tuấn- Phó trưởng công an huyện, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT; ông Nguyễn Văn Hiển - đội trưởng đội điều tra tổng hợp và một điều tra viên), chúng tôi đưa ra câu hỏi: Có hay không việc trước khi Cty Anh Đức phá ngôi nhà tạm này đã có văn bản gửi tới công an huyện Gia Lâm?
Thượng tá Tuấn thừa nhận là có văn bản đó, nhưng ông chưa được đọc vì lúc đó vẫn đang là quan hệ dân sự nên một vị phó trưởng huyện khác tiếp nhận. Điều đó cho thấy, dù bất cứ là ai tiếp nhận, khi thấy có khả năng một vụ án hình sự xẩy ra, trách nhiệm đầu tiên của công an là phải có giải pháp phòng ngừa.
Hậu quả, như bài đầu chúng tôi đã thông tin, ngày 17.11.2015, Cty Anh Đức đã cử người tới phá ngôi nhà do mình xây dựng thì đã có xung đột giữa hai bên (Cty Đức Anh và vợ chồng ông Côn, bà Vân). Sau đó, công an huyện đã phải lập biên bản. Trong biên bản này, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đại diện Cty Đức Anh đã ghi vào biên bản: “Yêu cầu ông Côn, bà Vân bàn giao lại nhà, đất để Cty Đức Anh trả lại cho Cty An Thịnh, hoặc chúng tôi sẽ phá dỡ nhà, sau đó bàn giao mặt bằng cho Cty An Thịnh.” Vậy với những dòng chữ “hoặc chúng tôi sẽ phá dỡ nhà” - nếu điều đó có nguy cơ xảy ra vụ án hình sự - sao công an Gia Lâm không có động thái gì để ngăn chặn việc đó xảy ra?
Điều khó hiểu tiếp tục diễn ra: Ngay ngày hôm sau, ngày 18.11.2015, Cty Đức Anh có văn bản gửi công an huyện Gia Lâm, công an, UBND xã Đặng Xá, thôn Đổng Xuyên và gửi cho vợ chồng ông Côn, bà Vân nêu rõ: “ Yêu cầu ông Đinh Tiến Côn và bà Nguyễn Thị Thúy Vân trước ngày 25.10.2015: Rút toàn bộ đồ dùng, máy móc của ông, bà ra khỏi phạm vi bến bãi của Cty An Thịnh. Hết thời hạn nêu trên chúng tôi buộc phải xử dụng biện pháp cương quyết để bảo vệ quyền lợi và uy tín của Cty Đức Anh và ông bà chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự chậm trễ gây thiệt hại cho các bên.”
Nhưng tiếp nhận được văn bản của Cty Đức Anh, dù biết họ có thể “xử dụng biện pháp cương quyết” nhưng tất cả các cơ quan chức năng, kể cả công an xã lẫn công an huyện đều không có bất cứ phản hồi chính thức nào để ngăn ngừa việc Cty Đức Anh “xử dụng biện pháp cương quyết”!? Dù các cơ quan này đều biết “biện pháp cương quyết” này là gì, bởi trước đó một ngày, trong biên bản do công an huyện Gia Lâm lập, đại diện Cty Đức Anh đã ghi rõ: “hoặc chúng tôi sẽ phá dỡ nhà.”
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao công an xã Đặng Xá, công an huyện Gia Lâm đều không có phản hồi chính thức với Cty Đức Anh hoặc có giải pháp thỏa đáng giữa 2 bên để ngăn ngừa mất trật tự an ninh trên địa bàn? Liệu phía sau vụ việc này có gì ẩn khuất nhằm đẩy Cty Đức Anh vào tròng?
Chúng tôi đưa câu hỏi này bởi, dù biết việc phá nhà sẽ xảy ra, ông Côn, bà Vân vẫn để tài sản của mình (nếu có) ở trong ngôi nhà này.
“Chúng tôi không khởi tố vụ án vì hành vi phá ngôi nhà”
Tuy nhiên, khi công ty này phá ngôi nhà của mình liền bị khởi tố.
Đó là câu khẳng định của ông Phó trưởng công an huyện Gia Lâm trong buổi làm việc với chúng tôi sáng 8.4.2016. Tại buổi làm này, khi chúng tôi đưa ra nhận xét, ngôi nhà bị phá đó là do Cty Đức Anh xây dựng, thì việc phá dỡ đó là quyền của họ. Về nhận xét của chúng tôi, thượng tá Đinh Văn Tuấn - phó trưởng công an huyện Gia Lâm - khẳng định: Chúng tôi khởi tố vụ án hủy hoại tài sản không phải là do việc phá ngôi nhà mà là những tài sản của vợ chồng ông Côn, bà Vân để ở trong ngôi nhà đó bị phá hủy. Thượng tá Tuấn còn cho biết: Ông Côn, bà Vân gửi đơn tố cáo bị thiệt hại tài sản tổng cộng gần 150 triệu đồng, nhưng sau khi điều tra, chúng tôi chỉ thấy tài sản bị thiệt hại trị giá chỉ gần 50 triệu đồng.
Về giá trị tài sản gần 50 triệu đồng này, chúng tôi đề nghị cho biết gồm những đồ vật gì, thượng tá Tuấn không đồng ý cung cấp và nói: Các anh cứ yên tâm, chúng tôi làm cẩn thận và sẽ có đầy đủ chứng cứ khi ra tòa. Chúng tôi muốn hỏi câu này vì biết, trước khi ủy quyền nhờ ông Côn, bà Vân sử dụng bến Lời và ngôi nhà này thì bà Mai Anh vẫn để nguyên đồ dùng cũ của mình ở lại. Vậy liệu có hay không phần lớn tài sản được coi là bị phá hủy đó lại chính là tài sản của bà Mai Anh?
Tuy không tìm hiểu sâu thêm được về những đồ vật bị phá hủy, nhưng qua trao đổi với công an Gia Lâm, điều quan trọng nhất nổi lên: Cơ quan điều tra cũng thừa nhận ngôi nhà này là của Cty Đức Anh.
Từ sự thật ngôi nhà bị phá là của Cty Đức Anh thì, vì sao vợ chồng ông Côn, bà Vân cố tình không bàn giao, dù Cty Đức Anh đòi liên tục thì liệu có lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác? Trước khi Cty Đức Anh phá dỡ nhà đã có thông báo cho các cơ quan chức năng và bên liên quan biết, nhưng vợ chồng ông Côn, bà Vân cố tình để lại tài sản trong ngôi nhà của người khác nhằm mục đích gì và nếu chẳng may bị phá hủy thì bà Mai Anh có phải chịu trách nhiệm?
Do đó, liệu cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với ông Đức, bà Mai Anh liệu có thỏa đáng?
Vương Hà