Tư duy… “ trọn gói” và lòng tự tôn dân tộc

Đôi lúc chỉ vì kinh tế eo hẹp, khan hiếm bạc tiền nên chính mình lại đánh mất mình trong quan hệ ứng xử với họ hàng, bạn bè và xa hơn nữa là mối bang giao quốc tế.

Cũng đã không ít lần được mời đi đó, đi đây, tiệc tùng, hội họp trong nước cũng như nước ngoài đều được đối tác bao trọn gói từ nơi ăn, chỗ ở tới vé tầu xe, máy bay… và đôi khi còn cả tiền tiêu vặt. Rồi tự giật mình nghĩ sao mình lại… không bình thường thế nhỉ. Lại tự an ủi cũng phải thôi bởi từ xa xưa cha ông đã dạy “mạnh về gạo, bạo về tiền”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Từ khi chính sách kinh tế đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, chúng ta đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách đặt vấn đề - thực hiện vấn đề nghiêm túc, đúng đắn thì hiệu quả của công việc tốt hơn lên rất nhiều. Từ đó, nhiều yêu cầu của cuộc sống từng bước được đáp ứng và cụm từ “mời trọn gói” cũng thưa vắng dần đi trong đời sống thường nhật.

 

Kinh tế tạm ổn định cũng đồng nghĩa với đẳng cấp của mỗi cá nhân trong một đất nước được nâng lên. Những chuyến thăm viếng, hội họp không còn phụ thuộc nhiều vào thiên hạ nữa nên lời ăn tiếng nói cũng thêm phần mạch lạc, mạnh mẽ. Đơn giản từ cách ăn mặc, tác phong cũng chỉn chu, chững chạc hơn nhiều những năm tháng của ngày xưa.

 

Hiệu quả công việc sau mỗi hội nghị, hội thảo hay các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế, chính trị ta đã kiểm soát được và mục tiêu đặt ra cơ bản đã hoàn thành. Cũng vì thế, cụm từ “mời  trọn gói” bây giờ không còn quan trọng nữa bởi chúng ta đang trở lại chính mình khi cuộc sống được nâng lên ở mức chỉ số GDP luôn tăng từ 7% - 8% nhiều năm liền. Càng minh chứng một điều rằng nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và luật pháp không ổn định thì không có thành tựu ngày hôm nay.

 

Mặc dù những thành quả đã đạt được là đáng biểu dương, khích lệ nhưng chưa xứng với tiềm năng và mong mỏi của quốc dân đồng bào. Muốn thành quả đạt được phải xứng với tiềm năng của đất nước, con người Việt Nam và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về một Việt Nam hùng mạnh, trách nhiệm đâu chỉ của Nhà nước, Chính phủ mà là trách nhiệm của toàn dân. Mỗi chúng ta chỉ cần nhìn nhận đúng về mình, mỗi hành động việc làm không thẹn với lòng mình là mọi việc sẽ ổn thoả, sẽ đi vào đúng quĩ đạo.

 

Niềm tin vào ngày mai tươi sáng, tốt đẹp phải được ngự trị trong trái tim của mỗi người. Kỷ cương phép nước phải đặt trên nền móng tự tôn trọng chính mình của từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc. Cương quyết với cái ác, cái sai làm ảnh hưởng đến an ninh kinh tế xã hội nhưng đồng thời cũng phải bao dung, vị tha với sự lầm lỡ của mỗi cá nhân.

 

Luỹ tre làng, căn nhà tranh vách đất đã bị phá bỏ từ lâu. Thay vào đó là những con đường to đẹp, những căn nhà bê tông hoành tráng. Nhưng trong mỗi chúng ta, nhất là với những người thuộc thế hệ 6X trở về trước liệu đã phá bỏ được “lũy tre làng trong tiềm thức” một cách triệt để cho con cháu noi theo hay vẫn còn đâu đây trong anh, trong tôi, “lũy tre làng” còn dầy hơn, gai góc hơn, nhằng nhịt hơn nhằm bảo vệ, toan tính một cái gì đó mơ hồ và hư ảo. Chính nó đã cản trở con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.

Day dứt mãi trong tôi lời tâm sự của một vị lãnh đạo đất nước đại để rằng, làm dân của một nước nghèo thì khổ rồi nhưng làm lãnh đạo một nước nghèo thì cũng chẳng sung sướng gì.

 

Cái tư duy “trọn gói” đã không ít lần xâm hại đến lòng tự tôn dân tộc. 

 

Nguyễn Hoài Bắc
(Tổng giám đốc Aqling)

 

LTS Dân trí - Lòng tự trọng, tự tin vào chính mình cũng như lòng tự tôn đối với dân tộc mình luôn là nền tảng bền vững tạo ra nhân cách của mỗi con người. Có nhân cách, có trí tuệ và có tư duy đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường, đấy là những yếu tố hàng đầu quyết định sự thành đạt.

 

Người người thành đạt, nhà nhà thành đạt thì cũng có nghĩa là đất nước đang vững bước tiến lên thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Có điều đáng quan tâm là đã qua chặng đường dài đổi mới, nhưng vẫn còn rơi rớt quán tính của thời “bao cấp”, vẫn chưa hết tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước trung ương hoặc trông chờ vào sự giúp đỡ một chiều mang tính đặc ân nào đó từ bên ngoài, chính điều đó đã hạn chế rất nhiều việc phát huy đầy đủ nội lực cũng như mọi tiềm năng của các ngành, các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất kinh doanh và mọi người dân.