Từ cái chết của bé gái 8 tuổi bị bạo hành...

Đọc tin về việc bé gái 8 tuổi ở TP HCM người tình của cha bạo hành và sau đó tử vong, tôi bần thần cả người. Tôi kể lại cho chồng, nghe xong anh ấy bình tĩnh bảo: "Đó là chuyện bình thường mà em".

"Một đứa trẻ bị đánh đến chết mà anh nói bình thường?" - tôi tỏ vẻ kinh ngạc. "Ừ" - chồng tôi gật đầu và tiếp: "Hằng ngày, có rất nhiều đứa trẻ bị đánh như vậy nhưng chưa được phát hiện hoặc còn sống về thể xác nhưng chết về tinh thần. Chừng nào người ta còn tư tưởng "thương cho roi cho vọt", cha mẹ sinh ra được thì đánh được, thì ngày đó còn những đứa trẻ bị bạo hành trong bóng tối như vậy".

Những lời giải thích nghe thật tàn nhẫn nhưng ngẫm thấy đúng.

Trong suốt nhiều năm đi dạy học, tôi gặp không ít trường hợp chính học sinh của mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Gần đây, một phụ huynh than phiền: "Hôm rồi chị mới đánh nó một trận thừa sống thiếu chết nhưng nó vẫn không biết sợ". Con chị này đâu phải là đứa nghịch ngợm gì, cũng là học sinh giỏi, năm ngoái nhất nhì lớp, năm nay tuột khỏi tốp 5. Con bé rất lễ phép nhưng hễ mắc phải lỗi gì, dù là nhỏ, cũng cuống quýt nhắn cả chục tin nhắn năn nỉ tôi: "Cô đừng nói với mẹ con, cô nhé. Mẹ sẽ đánh con chết mất".

Từ cái chết của bé gái 8 tuổi bị bạo hành... - 1

Nhiều người và gia đình rất đau lòng và bức xúc trước cái chết tức tưởi của bé V.A.

Lại có lần, bản thân tôi mời phụ huynh của một cậu bé. Cậu bé này lười học và nghịch ngợm. Khi ba cậu ấy bước vào, chưa nghe bất kỳ điều gì từ giáo viên, đã đưa tay tát bốp vào mặt con, sau đó nói với tôi: "Ở nhà tôi đánh nó rất nhiều nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy, cô ơi. Kỳ này về, tôi đánh bằng mấy cây roi mây cho nó biết".

Tôi sững sờ hết vài phút, sau đó cũng ra sức can ngăn phụ huynh hãy bình tĩnh và ôn hòa trong cách giáo dục con cái. Đó cũng là lần cuối cùng tôi dám mời phụ huynh này vào trao đổi. Cũng bởi tôi rất sợ chính mình trở thành nguyên nhân gây ra những trận đòn và vết thương trên cơ thể học trò.

Kỳ thực, vết thương trên da thịt có thể lành nhưng vết sẹo in sâu trong tâm hồn thì không. Những đứa trẻ bị bạo hành ngày hôm nay lại sẽ trở thành "người lớn" và quen với việc bạo hành trong tương lai. Và đến khi nào còn chưa bị phát hiện thì hành động đó vẫn được biện minh là bình thường, là phương pháp dạy con, thương con một cách nghiêm khắc.

Rồi thì hôm nay, lên mạng đọc được thông tin một cô bé đã ra đi vì "bạo lực gia đình", nhưng ngoài kia còn cả ngàn đứa bé như vậy. Tôi tự hỏi điều gì sẽ cứu các em thoát khỏi những trận đòn mang danh nghĩa "tình thương"?

Là một người cực đoan phản đối về vấn đề dùng roi vọt với trẻ trong bất cứ tình huống nào nên tôi phẫn nộ vô cùng với hành vi của người vợ hờ lẫn ông bố vô trách nhiệm của bé gái. Tôi quá đau lòng trước cái chết tức tưởi của cô bé. Bất cứ sự ra đi của cá nhân nào cũng đều là nỗi đau cho người xung quanh nhưng mọi sự hành hạ, dằn vặt và đau đớn mà cô bé ấy phải trải qua trước khi ra đi là quá sức tưởng tượng.

Điều khiến tôi đau lòng hơn là chuyện những người hàng xóm kể lại cho báo chí (nếu có thật) về việc họ đã nghe nhiều lần tiếng la hét khóc lóc của bé, cả vấn đề họ đã báo với bảo vệ nhưng tất cả đều chẳng thể giải quyết được điều gì. Đa số người Việt chúng ta luôn muốn "dĩ hòa vi quý" và cũng hạn chế can thiệp đến chuyện cá nhân của người khác. Mặc dù đám đông có thể bàn tán rất nhiều sau lưng về hành động không đúng của người khác nhưng chuyện dám đứng lên, sử dụng pháp luật để đấu tranh chống cái sai thì lại rất hiếm. Thế nên, nếu một cá nhân nào đó dám lên tiếng chống lại cái ác thì có khi còn bị xem là lập dị và quá quắt.

Nếu thực sự những người hàng xóm xung quanh nghe tiếng khóc và âm thanh la mắng từ ngày này sang ngày khác thì không thể dừng lại ở việc báo bảo vệ. Chúng ta có thể lên nhóm liên lạc ở chung cư hỏi ý kiến hoặc báo ban quản lý. Ít nhất chúng ta có quyền lên tiếng vì tiếng la lối, âm thanh ồn ào kia có thể làm phiền mình. Và đương nhiên, khi nghi ngờ trẻ bị bạo hành, bản thân mỗi người chúng ta nên có quyền gọi công an khu vực.

Vụ việc của em bé này, nếu những cộng đồng cư dân và quản lý chung cư cũng như khu vực có hành động can thiệp quyết liệt, thì ít nhất ông bố và bà mẹ hờ đó cũng phải giật mình. Và đương nhiên, khi tìm đến nơi mà thấy bé có dấu hiệu thương tổn thì có thể tìm cách báo với người mẹ ruột để mẹ bé tiến hành các biện pháp pháp lý khác nhằm đòi quyền nuôi con.

Martin Luther King từng có câu nói rất hay: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Nếu là người tốt, xin đừng im lặng trước những nỗi đau thế này và cũng đừng mãi bám víu vào tư tưởng xưa cũ rằng roi vọt mới làm trẻ nên người.

 Diễn biến vụ việc bé V.A bị bạo hành dẫn đến tử vong

- Ngày 28-12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội "Hành hạ người khác".

Theo điều tra, Trang và ông T. sống chung với nhau như vợ chồng cùng cháu N.T.V.A. (8 tuổi, con riêng ông T. với vợ trước) tại 1 căn hộ ở quận Bình Thạnh. Thời gian sống chung, Trang thường xuyên đánh cháu A. Chiều 22-12, Trang dạy cháu A. học bài. Cháu A. làm bài sai thì bị Trang đánh. Khoảng 30 phút sau, cháu A. than mệt rồi vào phòng nôn ói. Trang liền dọn dẹp rồi gọi cho ông T. về nhà. Ông T. về thấy con gái nôn ói liền đưa vào nhà vệ sinh lau chùi thì phát hiện mũi cháu có nhiều dị vật (thức ăn) nên dùng miệng hút ra. Đến khi thấy cháu A. yếu dần, ông T. chở đi cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Từ cái chết của bé gái 8 tuổi bị bạo hành... - 2

Võ Nguyễn Quỳnh Trang bị khởi tố về tội "Hành hạ người khác".

Kết quả khám nghiệm pháp y từ Công an quận Bình Thạnh xác định cháu A. bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm. Về phần ông T., công an cho biết đang tiếp tục làm rõ hành vi, nếu xác định có dấu hiệu phạm tội sẽ xử lý nghiêm trước pháp luật.

-Cùng ngày, bà N.T.H (ngụ quận 1, mẹ cháu N.T.V.A. (8 tuổi) - nạn nhân trong vụ bạo hành tử vong đã gửi đơn đến Công an TP HCM, Viện KSND TP HCM, Công an quận Bình Thạnh yêu cầu tăng hình phạt đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) và ông N.K.T.T (36 tuổi, ngụ quận 1) về hành vi giết người và hành hạ người khác.

Song song đó, ngày 28-12, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM cho biết đã tiếp nhận đơn yêu cầu hỗ trợ pháp lý của bà N.T.H. (SN 1985, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) về việc con gái bị bạo hành dẫn đến tử vong.

- Tối cùng ngày, Văn phòng UBND TP HCM đã có công văn khẩn, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Dương Anh Đức liên quan đến vụ việc bé V.A bị bạo hành dẫn đến tử vong. Theo đó, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức giao Công an Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vụ việc.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục theo dõi, phối hợp và hướng dẫn UBND quận Bình Thạnh hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp theo quy định tại Nghị định 56/2017; theo dõi tiến độ xử lý vụ việc, tổng hợp báo cáo theo quy định. Đồng thời, phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng và chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, không để vụ việc bạo lực trẻ em tương tự xảy ra trên địa bàn.