Bạn đọc viết:
Từ bao giờ "cứ mưa to là lại ngập" trở thành đặc sản của Hà Nội?
(Dân trí) - Bạn đọc đề xuất, cần triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực, chứ không thể quy trách nhiệm chung chung như hiện nay.
Sau cơn mưa lớn chiều 29/5/2022, Hà Nội lại một lần nữa chìm trong biển nước. Cứ mỗi khi mưa lớn là nhiều khu vực của Thủ đô lại ngập úng. Trận mưa chiều 29/5 mới đây đã bộc lộ rõ hạn chế hệ thống thoát nước của Thủ đô. Các giải pháp cải thiện tình hình mưa ngập dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Chỉ tính riêng trận mưa lớn vào chiều ngày 29/5/2022, trong thành phố Hà Nội có rất nhiều điểm ngập úng tập trung ở lưu vực sông Tô Lịch, ở địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông và một số địa bàn thuộc lưu vực sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm), lưu vực Long Biên.
Vào 14h chiều ngày 29/5/2022, tôi đi xe từ Hà Đông đến Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ-Đại học Ngoại Ngữ-ĐHQGHN để họp phụ huynh cho con gái. Khi đó, tuyến đường Tố Hữu, Phạm Hùng vẫn chưa bị ngập. 15h tôi đến trường, toàn bộ sân trường Đại học Ngoại Ngữ, đường đi vào bên trong khu vực Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã ngập nước đến đầu gối.
Tôi và rất nhiều phụ huynh khác phải quay xe ra khu vực bên ngoài cổng ĐHQGHN để gửi xe và lội nước từ chỗ gửi xe vào trong trường để họp phụ huynh cho con. Có một số phụ huynh khác không thể đến dự họp vì xe bị chết máy, hỏng giữa đường. 17h chúng tôi ra về, lội nước từ trong trường ra bãi trông xe.
Thoát ra khỏi biển nước ở khu vực Đại học Ngoại ngữ, ra đến đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Tố Hữu thì mênh mông biển nước ngập hết bánh xe. Sau trận ngập lụt năm 2008 đến giờ tôi mới gặp một trận ngập úng trên đường lớn và kéo dài nhiều giờ như vậy. Nhiều đoạn nước phải lên tầm 40-50cm.
Trong cơn mưa lớn, tôi phải vật lộn trong dòng xe cộ kẹt cứng ở đường Phạm Hùng, rồi tiếp tục đi trong "biển nước" ở đường Nguyễn Xiển, Tố Hữu. Tôi "sốc" khi chứng kiến cảnh "đường biến thành sông", nước ngập ngang người. Tôi quan sát thấy có rất nhiều xe máy, ô tô bị chết máy giữa đường phải dắt bộ hoặc chờ xe đến cứu hộ. May mắn cho tôi là xe không bị chết máy nhưng tôi mất hơn 2h đi giữa "biển nước".
Ra khỏi cổng Đại học Ngoại ngữ từ 17h nhưng 19h30 tôi mới có thể về đến nhà ở Hà Đông chỉ với quãng đường hơn 10km. Thực sự bị ám ảnh vì cảnh đi xe giữa mênh mông là nước, không biết liệu mình có đâm phải hố sâu nào không, có bị ngã xe hay không, xe có bị chết máy hay không. Về đến nhà tôi phải ngồi nghỉ một lúc mới hoàn hồn.
Nguyên nhân của việc Hà Nội cứ mưa là ngập
Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa
Chúng ta tiếp tục bê tông hóa mặt đất, san lấp các hồ ao, mà nguy hiểm nhất là san lấp đúng vào các vùng đất trũng, khu vực trước đây có thể trở thành hồ tự nhiên trữ nước khi có mưa to. Khi mặt đất không còn khả năng thẩm thấu, hồ lưu trữ không có, giếng tích tụ nước tức thời cũng không có thì việc cứ mưa là ngập là điều dễ hiểu.
Cùng với đó, việc bê tông hóa quá nhanh khu vực đất nông nghiệp trở thành đô thị khiến hệ thống tiêu thoát nước vốn được thiết kế cho sản xuất nông nghiệp không thể đáp ứng.
Quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với đô thị hóa
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Hà Nội ngập lụt là do hệ thống thoát nước nội đô lạc hậu, cơ sở hạ tầng cũ, xuống cấp, khả năng tiêu thoát nước hạn chế, lâu ngày lại bị bồi lắng.
Các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp
Trong quá khứ, khu vực huyện Thanh Trì và hệ thống ao hồ tại các quận nội đô có vai trò là nơi chứa và tiêu thoát nước cho thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, phần lớn chúng đã bị san lấp hoặc thu hẹp khiến mất chức năng điều hòa thoát nước. Cùng với đó, việc cải tạo các dòng sông cũng làm giảm khả năng tiêu nước, như sông Tô Lịch và các hồ được cải tạo đều kè mái nghiêng và bê tông hóa làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.
Hà Nội chặt hạ cây xanh, chỉnh trang đô thị, lát gạch bịt vỉa hè gây cản trở việc thoát nước ở Hà Nội
Một số người dân xả rác bừa bãi, vô tội vạ
Việc này đã góp phần không nhỏ khiến các hệ thống thoát nước của chúng ta không thể hoạt động hiệu quả. Chúng ta chỉ quan tâm giữ sạch ngôi nhà của mình còn mỗi khi ra đường là tiện tay vứt rác xuống đường, vứt xuống miệng cống, vứt bừa bãi rác thải sau khi ăn uống xong ở công viên, phố đi bộ, nơi công cộng…
Một số hộ dân, cơ sở sản xuất tự ý xây dựng trái phép bục bệ, đường dẫn kiên cố kết nối phần vỉa hè, lòng đường để làm nơi kinh doanh
Tình trạng này là phổ biến, khiến cống, rãnh thoát nước bị chặn lại và không thể hoạt động được. Theo quy định, vỉa hè phải cao hơn mặt đường tối thiểu 10cm để đảm bảo dẫn và thoát nước, song nhiều nhà dân và các cơ sở kinh doanh đã tự ý đổ bê tông kín cả phần cống thoát nước tạo thành bục bệ, đường dẫn kết nối với vỉa hè, lòng đường.
Cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị
Tôi xin đưa ra một số giải pháp thay đổi hệ thống thoát nước cho Hà Nội sau đây:
Xem xét lại hiệu quả của hệ thống thoát nước tại Hà Nội. Nếu không có tác dụng nữa thì chúng ta phải thay đổi nó.
Đánh giá những bất cập của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cần nhìn thẳng vào những yếu kém của bản quy hoạch đấy để thay đổi nó.
Nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 20 năm, 30 năm.
Đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.
Khi xây dựng được các hồ điều tiết, cũng cần vận hành cho tốt, kiểm soát mực nước hồ để tối ưu hiệu quả thu gom nước khi mưa lớn.
Trồng nhiều cây xanh trong đô thị.
Khơi thông lòng sông, thường xuyên nạo vét, làm sạch hồ để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa. Nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ.
Tất cả người dân cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của mình, của cộng đồng nơi mình sinh sống.
Cần điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán.
Chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ.
Xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ách tắc cho hệ thống cống nguồn.
Xem xét triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực. Khi đó, khu vực nào để xảy ra ngập, úng sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể quy trách nhiệm rất chung chung như hiện nay.
Độc giả Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam