Truyền thống gia đình và gia đình truyền thống

Đáng lo lắng, đáng buồn và đáng cảnh báo là cả hai mệnh đề, truyền thống gia đình và gia đình truyền thống đang ngày càng mất dần hay nhạt nhòa đi trong xã hội năng động hiện nay…

Những tế bào của xã hội này đang vận động và thay đổi cùng với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, thương mại chóng mặt của đất nước. Một mặt, sự tiếp biến và ảnh hưởng của văn minh gia đình phương Tây cũng là nhân tố dẫn đến sự phá vỡ mô hình gia đình truyền thống và truyền thống gia đình như một nét đẹp riêng biệt trong xã hội phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Xét trên bình diện xã hội, những sự thay đổi này là căn nguyên dẫn đến nhiều biến chuyển khác ở mức độ cộng đồng cao hơn. Đó là tâm lý và tình cảm xã hội. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Hiện tại và trong quá khứ chúng ta có những khái niệm đẹp như “Gia đình có truyền thống cách mạng”, “Gia đình có truyền thống văn hóa”, “Gia đình có truyền thống hiếu học”… Và, truyền thống gia đình thì tùy mỗi đặc điểm văn hóa vùng, miền mà giữ được những nét riêng như một quy ước có tính gia phong bất biến, truyền từ đời này sang đời khác. Đặc điểm này gọi là “bản sắc gia đình”. Bản sắc gia đình nằm trong những điều vô cùng giản dị nhưng sự gắn kết tình cảm lại lớn lao, tạo ra những khối liên kết tình cảm thế hệ mật thiết, rất khó chia cắt. Nhiều lúc, chỉ là đến một ngày nhất định, năm nào cả nhà cũng sẽ về quê, hay sẽ làm món ăn truyền thống của gia đình. Đơn giản hơn, chỉ là mua những món quà tặng nhau trong một dịp đặc biệt. Hoặc đến hẹn lại lên, năm nào cả đại gia đình cũng đi thăm thú một nơi nào đó… Chính những nét riêng ấy đã làm cho nhiều gia đình hạt nhân, cho các thế hệ trong một đại gia đình hợp thành thể thống nhất. 

Như vậy, mặt tích cực của gia đình truyền thống và truyền thống gia đình rất rõ nét trên nhiều phương diện. Xét trên phương diện cá nhân, chức năng giáo dục của gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách lành mạnh của mỗi người. Cạnh đó là tình người như một yếu tố không thể thiếu để các cá nhân biết quan tâm, sẻ chia, tôn trọng và thông cảm với nhau nhiều hơn. Ở khía cạnh rộng hơn, rõ ràng, những tế bào xã hội ổn định và khỏe mạnh thì cả xã hội cũng sẽ ổn định và mạnh khỏe theo. 

Tất nhiên, vẫn phải có những cách nhìn mở để ghi nhận sự năng động của xã hội theo sự phát triển của mô hình gia đình trẻ, gia đình hạt nhân đang ngày càng lớn mạnh. Nhưng sẽ là mất mát nếu gia đình hạt nhân lấn lướt và dần làm mờ nhạt đi những gia đình truyền thống cùng với… truyền thống gia đình. Đây mới là yếu tố cần điều chỉnh và quan tâm số một của những gia đình hiện đại. Vì thế, nếu mỗi gia đình, dù hiện đại hay truyền thống, vẫn giữ được những bản sắc của mình, nhất định gia đình đó sẽ mãi trường tồn.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta luôn phải đặt ra nhiều câu hỏi trước những hiện tượng xã hội nhức nhối. Tại sao các vụ ly hôn tăng? Tại sao vừa lấy nhau đã ly dị? Tại sao ngày càng có nhiều trẻ em phạm pháp? Tại sao bọn trẻ lại tự kỷ và có những hành vi điên rồ?... Câu trả lời, có lẽ, bắt nguồn từ mấy chữ: Gia đình, gia đình truyền thống và… truyền thống gia đình.

Trần Ngọc Hà
Theo Báo Thanh Tra

LTS Dân trí - Gia đình là cái nôi sinh thành của mọi người; gia đình cũng được coi là “tế bào” của xã hội, cho nên muốn cho xã hội lành mạnh và phát triển bền vững phải dựa trên những tế bào phát triển lành mạnh.

Trong thời đại toàn cầu hóa, đất nước ta đang tiến bứoc mạnh mẽ trên lộ trình hội nhập, sự gia lưu và giao thoa văn hóa là lẽ đương nhiên. Bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, dân tộc ta luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình, trước hết là coi trọng việc xây dựng nếp sống văn hóa, nặng tình nặng nghĩa trong mỗi gia đình cũng như nặng tình cảm quê hương làng xóm.

Nhiều năm qua, các cụm dân cư cũng như các phường xã đã bỏ nhiều công sức vào việc chăm lo xây dựng Gia đình văn hóa, Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học… Có thể coi đó là những nét đẹp của văn hóa thời nay. Những địa phương làm tốt phong trào này cũng là những nơi đã khéo kết hợp giữa tính hiện đại và tính truyền thống trong việc chăm lo xây dựng nếp sống lành mạnh trong mỗi gia đình.

Xây dựng gia dình thật sự trở thành “tổ ấm” của mọi thành viên trong gia đình thì đấy cũng là “tế bào” lành mạnh của xã hội.