GS Hoàng Tụy:
Truyền thống dân tộc không giả dối
Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối.
Tôi không nói ở ngành giáo dục sự giả dối nhiều hơn ở lĩnh vực khác nhưng cũng không nói là ít hơn. Bản chất của giáo dục là trung thực và sáng tạo. Nhưng sáng tạo thế nào khi mà mọi thứ đều phải theo một lề lối, khuôn phép đã quy định sẵn, gần như bất di bất dịch từ mấy chục năm - giữa một thế giới thường xuyên biến động. Rồi trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả.
Ngay khi mới nhận cương vị đứng đầu ngành Giáo dục, ông Nhân đã đặt ra hai vấn đề mấu chốt này và điều đó khiến chúng tôi rất mừng. Rồi đến hôm nay, ông lại phải nhắc lại điều đó một cách buồn bã. Muốn chống tiêu cực, muốn người ta trung thực làm việc hết lòng thì điều mấu chốt là tiền lương phải đủ để người ta sống. Sinh thời, có lần Tổng bí thư Lê Duẩn hỏi về việc chống tiêu cực, tôi cũng đã trả lời thẳng thắn như vậy.
Trong môi trường giáo dục, khi tiền lương không đủ sống thì người ta sẽ tìm cách xoay xở để bù đắp lại. Còn xoay xở như thế nào đó chính là nguyên nhân các căn bệnh chủ yếu của giáo dục hiện nay.
Theo Bùi Hoàng Tám - Nguyễn Kim Khánh
Nhà báo và Công luận