Trường hợp nào "nữ quái" mang mìn giả cướp ngân hàng thoát án tù?
(Dân trí) - Nếu Phùng Thị Thắng không bị bệnh dẫn đến việc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Như Dân Trí đưa tin, ngày 11/10, Công an TP.HCM đang tạm giữ Phùng Thị Thắng để điều tra về hành vi cướp khoảng 2,1 tỷ đồng tại chi nhánh ngân hàng Techcombank trên đường Trương Vĩnh Ký, quận Tân Phú, TPHCM.
Trước đó vào 10/10, đối tượng đội mũ kín đầu, mặc áo dài tay, đeo khẩu trang mang theo túi xách chứa có 5 bình gas mini quấn băng keo giả làm mìn, dây đèn nháy, chai xăng, dụng cụ khò lửa đến ngân hàng trên.
Tại đây, đối tượng bị lực lượng an ninh ngăn chặn vì ngân hàng chuẩn bị đóng cửa nên lập tức rút thiết bị gây nổ tự chế trong túi ra đe doạ là bom và đổ xăng ra sàn.
Đồng thời, đối tượng Phùng Thị Thắng đã rút khò lửa với tư thế sẵn sàng phóng hỏa và yêu cầu các nhân viên bỏ tiền vào túi xách. Cướp được khoảng 2,1 tỷ đồng và lên xe taxi chờ sẵn bên ngoài để tẩu thoát.
Sau 3 giờ gây án, đối tượng đã bị Công an TPHCM phối hợp Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an) bắt giữ tại một siêu thị ở quận Tân Bình.
Trên đường tẩu thoát, Thắng vào một trung tâm thương mại ở quận Tân Phú, thay trang phục để tránh sự truy bắt của công an.
Tại cơ quan công an, đối tượng Phùng Thị Thắng khai nhận, do đang nợ nần mà không có tiền trả, nên đối tượng đã lên kế hoạch đến ngân hàng trên để cướp.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đào Thị Liên - Giám đốc công ty Luật TNHH Tiền Phong thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: “Hành vi của đối tượng đã cấu thành tội cướp tài sản quy định tại điều 168 Luật Hình sự 2015, theo đó về mặt chủ thể nếu đối tượng Thắng không bị bệnh dẫn đến việc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Với hành vi mang theo 5 bình gas mini quấn băng keo giả làm mìn, dây đèn nháy, chai xăng, dụng cụ khò lửa đến ngân hàng đã đủ cấu thành tội phạm, bởi lẽ với những “dụng cụ” trên, đối tượng đã đe doạ ngay tức khắc nhân viên và hệ thống bảo vệ ngân hàng khiến cho họ không thể chống cự. Từ đó đối tượng chiếm đoạt được tài sản (tiền) của ngân hàng.
Bên cạnh đó, về mặt khách quan hành vi của Phùng Thị Thắng đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp (quyền được nhà nước bảo đảm được sở hữu tài sản) của tổ chức ngân hàng. Với số tiền chiếm được là 2,1 tỷ đồng, đối tượng Thắng đối mặt với hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Nhiều người cho rằng, hành vi của đối tượng Thắng là sử dụng thủ đoạn nguy hiểm quy định tại Khoản 2 Điều 168 nên bị coi là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, theo luật sư Đào Thị Liên thủ đoạn phạm tội trong trường hợp này là tình tiết định khoản, khi giá trị tài sản cướp nhà làm luật chưa cần xác định (như áp dụng cho khoản 1 của điều luật). Do số tiền cướp được giá trị cực lớn (trên 500 triệu đồng) nên đã áp dụng khoản 4 thì không tính thêm tình tiết tăng nặng cho đối tượng.
Cũng theo luật sư Đào Thị Liên ngoài hình phạt chính ra, đối tượng Phùng Thị Thắng còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Căn cứ pháp lý:
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.