Trường hợp nào được từ chối tiếp công dân?
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư về quy định quy trình tiếp công dân, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2021, trong đó có quy định rõ về việc từ chối tiếp công dân trong một số trường hợp.
Cụ thể, tại Điều 4 Thông tư này nêu rõ, từ chối tiếp công dân trong các trường hợp: Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân. Người tiếp công dân phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.
Trường hợp từ chối tiếp công dân về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn, nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân.
Sẵn sàng tiếp dân
"Thông tư 04 cũng có một vài điểm mới như việc xử lý đơn thư của người dân trong trường hợp người dân đến gửi đơn mà không có đủ thời gian hoặc nơi tiếp công dân quá đông thì vẫn có thể nhận đơn và xử lý đơn thư qua đường bưu điện… Thông tư mới cũng có quy định về việc khi cơ quan nhà nước đã giải quyết hết thẩm quyền và đã tiếp công dân nhiều lần thì cũng phải từ chối để tiếp các công dân khác" - Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương nói.
Những ngày này, tại Phòng tiếp dân của UBND tỉnh Thái Nguyên ít khách. Do mưa gió, do dịch bệnh nên người đến ít hơn nhiều so với trước đây. Ông Lưu Quang Tuấn - Phó Chánh văn phòng UBND, Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, Ban tiếp công dân của tỉnh đã tiếp nhận hơn 2.000 lượt công dân. Tuy nhiên, trong tổng số lượt tiếp có người đến trụ sở trùng lặp hàng ngày, có người thường xuyên đến, dù vụ việc đã giải quyết. Trụ sở tiếp công dân của tỉnh Thái Nguyên đã có nội quy đối với những trường hợp công dân đến trụ sở không khai báo danh tính, có những biểu hiện không bình thường, có hồ sơ bệnh án liên quan đến bệnh tâm thần, thần kinh, những trường hợp gây rối thì Ban tiếp công dân sẽ từ chối tiếp.
Trên thực tế, tại Ban tiếp công dân của tỉnh đã xảy ra những trường hợp công dân đến trong tình trạng "bất bình thường" như trong tình trạng say rượu, đến trụ sở với những động tác và thái độ "không vuông vắn". Bên cạnh đó, còn có một số đối tượng có biểu hiện, bệnh án tâm thần. Ban tiếp công dân của tỉnh đã phải phối hợp với chính quyền địa phương hay Bệnh viện tâm thần đưa họ về địa phương hoặc Trung tâm điều dưỡng.
Ghi nhận tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương (Số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vào sáng 2/11 rất vắng vẻ, chỉ có một số người dân đến tố cáo, kiến nghị, phản ánh... Theo quy định, người dân phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được vào trụ sở, ngoài ra cần thực hiện đầy đủ các quy định về 5K. Trong trường hợp chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, công dân có thể để lại đơn và nhận trả lời qua đường bưu điện.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết: Trước đây, trong quá trình tiếp công dân đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân có hành vi quấy rối, say xỉn tại trụ sở. Đặc biệt là vài năm trước, từng có người đến chửi bới, lăng mạ, thậm chí hành hung cả cán bộ tiếp dân và nhân viên bảo vệ. Những trường hợp này đều đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó một số trường hợp đã bị xử lý hình sự…
Tuy nhiên, tại Ban tiếp công dân Trung ương rất hạn chế từ chối tiếp công dân, trừ những trường hợp quá khích và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhiều lần quấy rối tại trụ sở. Trường hợp người dân do uống rượu bia có những lời nói, hành động không được bình tĩnh thì cán bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể như mời họ ra ngoài để bình tâm trở lại hoặc tiếp họ vào lần sau. "Không chỉ vì một lần người dân chưa hiểu rõ các quy định mà đã từ chối. Ban tiếp công dân luôn đảm bảo tiếp dân đầy đủ" - ông Điệp nói.
Thêm quy định, thuận lợi cho công việc
Nói về thông tư mới, ông Lưu Quang Tuấn, Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Luật tiếp công dân đã thể hiện được rõ về việc xử lý tình huống và chế tài đối với những trường hợp công dân có biểu hiện gây rối, say xỉn, bệnh lý về thần kinh. Tuy nhiên, với Thông tư 04/2021/TT-TTCP ra đời sẽ giúp cụ thể hóa về quy trình, trình tự thủ tục, các bước trong tiếp công dân trong toàn hệ thống, sẽ thuận lợi hơn cho cán bộ thực thi.
"Đó chính là những căn cứ pháp lý để cán bộ tiếp công dân chấp hành, thực thi công vụ được rõ ràng, không xảy ra những trường hợp tùy tiện. Trước đây, đối với việc tiếp công dân thì cũng có những trường hợp cán bộ có nghiệp vụ khéo, cũng có trường hợp cán bộ không được khéo. Giờ có thông tư hướng dẫn cụ thể, quy trình các bước rõ ràng thì cứ bám vào để thực hiện theo" - ông Tuấn khẳng định.
Còn ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương chia sẻ: "Thông tư 04 có bổ sung điểm mới về việc từ chối tiếp công dân trong một số trường hợp. Điều này tạo nên nhiều thuận lợi hơn trong quá trình tiếp công dân. Việc từ chối những công dân có hành vi gây rối, quá khích, không đảm bảo các nội quy của trụ sở nhằm đảm bảo cho nơi tiếp công dân được trang trọng, nghiêm túc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân khác khi đến trụ sở được tiếp đón theo đúng quy định của pháp luật".
Lãnh đạo Ban tiếp công dân Trung ương cũng khẳng định, điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ tiếp dân: phải tận tình với người dân. Nếu có thái độ tốt thì không lo đến việc người dân quá khích hay bức xúc. Còn một số người cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Đỗ Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội khóa XIV: Tạo điều kiện cho công dân nhận thức rõ trách nhiệm
Thông tư 04 đã cụ thể hóa Luật Tiếp công dân, những điểm mới trong Thông tư này là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật. Nếu công dân có oan sai thì đều có quyền khiếu nại hay tố cáo, nhưng phải bình tĩnh, trình bày ý kiến với cán bộ tiếp dân theo đúng quy trình, không thể lợi dụng dân chủ để quấy rối, hành hung cán bộ.
Ngoài ra, Thông tư cũng góp phần vào việc răn đe những đối tượng có ý định xâm phạm người thi hành công vụ, tạo điều kiện cho công dân nhận thức được trách nhiệm, thái độ của mình khi đến trụ sở cũng như bảo vệ người cán bộ tiếp dân.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Xử lí nghiêm người vi phạm
Theo quy định hiện hành (Điều 4 Thông tư 06/2014), người tiếp công dân chỉ phải giải thích lí do từ chối với công dân. Tuy nhiên, Thông tư 04 quy định thêm người tiếp công dân cần phải báo cáo các trường hợp trên cho người phụ trách tiếp công dân.
Đối với cơ quan tiếp dân, quy định mới giúp đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng hơn trong công tác tiếp công dân; giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân trong giải quyết công việc. Ngược lại, đối với những trường hợp công dân không tuân thủ quy định của pháp luật, không tôn trọng đơn vị tiếp dân, quy định trên góp phần tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quyền hạn, nghĩa vụ của mình, có thể xử lý nghiêm, mạnh tay với các trường hợp vi phạm, tạo sự răn đe, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho người dân.
Đối với trường hợp công dân say xỉn rượu bia và có hành vi quấy rối tại trụ sở tiếp công dân có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả mà hành vi gây ra. Cụ thể, đối với xử lý hành chính, căn cứ vào Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi say rượu, bia gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; nếu gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi quấy rối, gây mất trật tự công cộng nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Đảm bảo sự an toàn và nghiêm minh
Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo nguyên tắc Nhà nước của dân, do dân, vì dân, lấy "dân là gốc", để nhân dân thực hiện quyền công dân và lợi ích hợp pháp, được làm chủ của mình. Từ đó, việc thực hiện tốt công tác tiếp công dân sẽ giúp hạn chế được cơ bản những bức xúc, phức tạp, lắng nghe được nguyện vọng, khó khăn của người dân, góp phần ổn định được tình hình an ninh chính trị, củng cố và làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước
Thông tư 04/2021/TT-TTCP qui định quy trình tiếp công dân nêu rõ những trường hợp được từ chối tiếp công dân hết sức hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp công dân của Nhà nước. Bởi những trường hợp thông tư nêu đều trong tình trạng không đủ tỉnh táo, minh mẫn, mất năng lực hành vi dân sự hoặc quá khích dẫn đến việc truyền đạt nguyện vọng không chính xác, hiệu quả, thậm chí đe dọa đến sức khỏe, danh dự của người thi hành công vụ.
Đôi khi, những đối tượng trên chỉ đến các cơ quan công quyền để gây rối khi không nhận thức được hành vi của mình, gây mất thời gian cho việc tiếp nhận ý kiến, phản ánh thực sự cần thiết của những công dân khác, đồng thời, làm mất đi tính nghiêm minh của nơi công quyền. Vì vậy, việc pháp luật quy định về các trường hợp trên, người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách để mở lối cho công tác tiếp công dân được linh hoạt, hiệu quả hơn, đảm bảo được sự an toàn và nghiêm minh của các cơ quan có thẩm quyền tiếp công dân.
Đối với các trường hợp say rượu bia, gây rối trật tự tại các cơ quan công quyền, người vi phạm có thể phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có).