Đồng Tháp:

Trưng dụng nhà đất gia đình liệt sĩ để kinh doanh nước mắm

(Dân trí) UBND TX. Sa Đéc ra quyết định trưng dụng 916m2 nhà đất của ông Thạch để lập xí nghiệp quốc doanh nước nắm nhưng giá bồi hoàn được ủy ban tính theo mục đích công ích, không hỗ trợ nơi ở cho gia đình ông Thạch sau khi cưỡng chế thi hành quyết định.

Vừa qua, VPĐD báo Dân trí tại TP. Cần Thơ nhận được đơn kêu cứu của ông Trần Trọng Thạch (1954) hiện ngụ tại số 38 khóm Hòa An (số cũ 26/7 Khóm 3), Phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp về việc UBND TX. Sa Đéc ra quyêt định trưng dụng miếng đất 916m2 của gia đình để lập xí nghiệp quốc doanh nước mắm, từ đó gia đình ông Thạch rơi vào cảnh không nơi ở, không nơi làm ăn trong suốt 23 năm qua.

916m2 đất chỉ có giá 1, 8 triệu đồng

Theo đơn trình bày của Ông Trần Trọng Thạch, thửa đất bị trưng dụng hiện nay có địa chỉ số 24/7 quốc lộ 80, khóm Hòa an, Phường 2, TX. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Thửa đất này có nguồn gốc từ chùa Phước Lâm nhưng ông Nguyễn Văn Ba (tự Đệ) đã sử dụng mảnh đất từ năm 1950. (Thời đó đất nhà chùa bỏ hoang, người dân đến cắm mốc, cất nhà sinh sống - PV)

Năm 1981, ngay sau khi sang nhượng miếng đất từ ông Ba Đệ, gia đình ông Thạch tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng lò đường (240m2), nhà ở (60m2) và lát gạch làm sân phơi (hơn 900m2) trên thửa đất này và liên tục sản xuất đến năm 1984 thì tạm ngưng vì thị trường không tốt. Tuy nhiên kiến trúc căn nhà, lò đường ông Thạch vẫn giữ nguyên.

Trưng dụng nhà đất gia đình liệt sĩ để kinh doanh nước mắm

23 năm nay vợ chồng ông Thạch phải sống cất nhà tạm ở nhờ trên đất người khác

Đến năm 1986 mẹ ông Thạch là bà Trịnh Thị Ba (nay đã chết) làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất 916m2 cho ông Trần Trọng Thạch. Ngay sau đó ủy ban Phường 2 cho phép ông Thạch chuyển gia đình về đây sinh sống.

Hai năm sau, gia đình ông Thạch được mời đến trụ sở ủy ban Phường 2 nghe đọc quyết định của UBND TX. Sa Đéc về việc trưng dụng thửa đất 916m2 của ông để lập xí nghiệp quốc doanh nước mắm, kèm đề nghị bồi hoàn số tiền 1.802.344 đồng. Theo ông Thạch, trong quyết định không nêu thời gian trưng dụng, chỉ nêu lí do trưng dụng là gia đình bỏ hoang thửa đất. Lạ nhất là quyết định trưng dụng của UBND TX. Sa Đéc không được trao cho gia đình ông Thạch, sau khi đọc xong?

Sau đó, gia đình ông Thạch không đồng ý việc trưng dụng đột xuất với giá bồi hoàn quá thấp nên gia đình ông đã gửi đơn khiếu nại đến UBND TX. Sa Đéc xem xét. Tuy nhiên đến 11/02/1989 UBND TX. Sa Đéc tiến hành cưỡng chế trưng dụng miếng đất, đốn cây ăn trái, tháo dỡ toàn bộ nhà cửa mà không lập vào biên bản kiểm kê tai sản. Mặc dù vậy gia đình ông Thạch vẫn nghiêm chỉnh chấp hành, không chống lại tổ công tác, ông Thạch tiếp tục viết đơn đòi lại đất cho đến nay.

Hàng loạt những khuất tất

Theo ông Thạch cho biết: Trong khâu ra quyết định trưng dụng, UBND TX. Sa Đéc viện dẫn “do nhu cầu phát triển khu công nghiệp” trưng dụng miếng đất gia đình ông là không thực tế. Vì đối chiếu với bản Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 1986 – 1990 được công bố thì thửa đất của gia đình và những thửa đất liền kề không nằm trong qui hoạch khu công nghiệp, thậm chí cả 20 năm sau.

Đáng nói là việc trưng dụng của ủy ban thị xã chỉ lấy duy nhất miếng đất của ông Thạch nhưng mục đích trưng dụng lại không phục cho quốc phòng, an ninh hay xây dựng một công trình phục vụ cho lợi ích công cộng mà chỉ thành lập xí nghiệp quốc doanh nước mắm. Theo ông Thạch có phải đây là vấn đề thật cần thiết, cấp bách trong việc trưng dụng đất của dân mà nhà nước đã ban hành?

Đến khâu thực hiện quyết định trưng dụng, ông Thạch cho biết cán bộ ra lệnh trưng dụng chỉ bằng miệng mà không trao quyết định trưng dụng cho gia đình. Tại thời điểm trưng dụng gia đình ông Thạch có 6 nhân khẩu ( 2 sổ hộ khẩu thuộc phần đất trưng dụng - PV) thế nhưng ủy ban phớt lờ việc bố trí chỗ ở cho gia đình mặc dù ủy ban thị xã Sa Đéc biết gia đình ông Thạch đang thờ cúng 2 liệt sỹ.

Trưng dụng nhà đất gia đình liệt sĩ để kinh doanh nước mắm

Theo người dân địa phương gia đình nghèo thì cũng được nhà nước hỗ trợ cất nhà, huống chi gia đình ông Thạch có công với cách mạng

Bà Nguyễn Ngọc Anh – vợ ông Thạch bức xúc: “Nếu đất của gia đình tôi được trưng dụng để xây trường học, bệnh viện, …hay công trình gì khác thì gia đình tôi hoàn toàn hiến tặng cho nhà nước. Thế nhưng ủy ban thị xã Sa Đéc trưng dụng mảnh đất của gia đình chỉ phục vụ kinh doanh. Nếu vì mục đích kinh doanh thì đất của tôi phải được bồi hoàn theo giá thỏa thuận, đằng nay giá bồi hoàn được tính theo mục đích công ích là quá ép gia đình tôi rồi”.

Đến ngày 4/4/1989, tại văn phòng Thanh tra tỉnh Đồng Tháp, ông Thạch bất ngờ khi cán bộ thanh tra đưa cho gia đình xem bản hợp đồng thuê đất trong thời hạn 10 năm giữa bà Trình Thị Ba (mẹ ông Thạch) với ông Trần Bạch Mai (một trong những người con của bà Nguyễn Thị Hoa – chủ đất Chùa Phước Lâm - PV) ký vào ngày 01/01/1983.

Về điểm này ông Thạch chỉ rõ: “Năm 1981 mẹ tôi đã có hơp đồng sang nhượng hợp pháp mảnh đất này từ ông Nguyễn Văn Ba (người sử dụng mảnh đất từ năm 1950) với giá 10.000 đồng thì lí do gì 2 năm sau gia đình tôi lại làm hợp đồng thuê lại mảnh đất? Hơn nữa khi còn sống mẹ tôi quả quyết chữ ký trong hợp đồng là không phải của bà. Chính lời trăn chối này mà tôi tự tin yêu cầu thanh tra tỉnh xác minh, đối chứng làm rõ nguồn gốc bản hợp đồng. Thế nhưng đến bây giờ thanh tra tỉnh vẫn chưa có câu trả lời!”

Căn cứ vào bản hợp đồng này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã hai lần bác đơn khiếu nại đòi lại đất của gia đình ông Trần Trọng Thạch. Trong văn bản trả lời lần 2, UBND tỉnh giữ nguyên quyết định trưng dụng mảnh đất 916m2 nhưng đồng ý bồi hoàn số tiền 10.000.000 đồng/1000m2 cho ông Thạch.

Hiện tại mảnh đất 916m2 của ông Thạch do ủy ban TX. Sa Đéc quản lí và đang cho công ty Hà Sơn Bình thuê làm kho chứa gạo. Theo gia đình và người dân cho biết công ty này đang có kế hoạch xin ủy ban tỉnh mua lại miếng đất này. Do đó gia đình ông Thạch rất lo vì nếu ủy ban đồng ý thì việc khiếu nại càng trở nên rối rắm.

Được biết gia đình ông Thạch là gia đình có truyền thống yêu nước, trong chiến tranh gia đình hết lòng phục vụ cán bộ cách mạng và gia đình đã có 2 người cậu hy sinh vì đất nước. Do đó vợ chồng ông Thạch mong muốn chính quyền địa phương xem xét giải quyết thỏa đáng để gia đình ông có nơi thờ cũng tổ tiên cũng như 2 người cậu liệt sỹ là tâm nguyện cuối đời của vợ chồng ông Thạch.

Tất cả những khuất tất trên xin gửi đến UBND tỉnh Đồng Tháp để có câu trả lời sớm nhất với gia đình ông Trần Trọng Thạch cũng như độc giả báo Dân trí.

 Ngô Nguyễn