Vụ gia đình liệt sĩ mất nhà, đất tại Gia Lai:

Trụ sở xây trên sự vi phạm pháp luật

(Dân trí)- Chính quyền huyện Chư Pưh là một trong những cơ quan thực thi luật pháp, nhưng trụ sở lại được xây dựng trên sự vi phạm pháp luật, đẩy một gia đình có công với các mạng vào chỗ không còn nhà, đất, cuộc sống bấp bênh.

Cuộc sống tù túng của đôi vợ chồng già

Sau khi biết ông A đã kí vào giấy tờ, bà Kí và các con mình rất giận ông nhưng họ không dám nói bất kì điều gì, bởi họ sợ ông buồn, nghĩ quẩn rồi tìm đến cái chết. Còn bà Kí sau khi vào TPHCM điều trị bệnh tim về, bà cũng không dám nhắc đến chuyện đất đai nhà mình nhiều vì sợ bệnh tim tái phát. Tuy nhiên, là nông dân từ chỗ sở hữu khoảng 7 sào đất rất có giá trị kinh tế khi trồng được cây hồ tiêu, bỗng dưng bây giờ gia đình ông A rơi vào cảnh không mảnh đất cắm dùi khiến họ luôn sống trong bất an, đau khổ và chẳng biết tương lai sẽ sống bằng cái gì.

Bị chính quyền lấy hết đất, gia đình ông A không có chỗ để đi nên vẫn sống trong ngôi nhà cũ, sát với Ngân hàng Chính sách của huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường và nhà tập thể của cán bộ nơi đây. Do nhà ông A nằm sát vách với Ngân hàng, chung đường đi với Ngân hàng Chính sách huyện, nên có lần gia đình ông bà đã bị người của ngân hàng khóa cửa cổng “nhốt” bên trong, khiến cho gia đình ông không biết ra vào bằng cách nào. “Sau khi hết giờ làm, họ khóa cửa cổng không cho chúng tôi ra ngoài, cũng không ai vào được. Nếu hôm đó vợ chồng già tôi có vấn đề gì chắc chúng tôi chỉ biết chết trong nhà. Các con tôi tức quá chúng nó phản đối nên họ mới không khóa cửa cổng nữa. Không chỉ vậy, họ còn dùng nước giếng nhà tôi mấy năm nay mà không trả cho chúng tôi đồng nào, khi chúng tôi nói họ còn nạt nộ lại”, bà Kí bức xúc kể.

Trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây trên đất nhà ông A có giá 900 nghìn đồng/m2
Trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xây trên đất nhà ông A có giá 900 nghìn đồng/m2

Không chỉ vậy, nhiều tháng nay, cứ 2 hoặc 3 ngày lại có vài cán bộ đến nhà ông A “vận động” ông bà chuyển đi nơi khác ở: “Có hôm họ qua nhà tôi đến 4 người, họ nói “bây giờ bà với ông nghĩ sao? Ông bà ở đây tù túng khổ quá. Bây giờ đưa ông bà 70 triệu rồi ông bà bỏ 30 triệu đi chỗ khác rồi ở”. Có lúc họ nói sẽ bán cho chúng tô 2 lô đất, mỗi lô 180m2 giá là 216 triệu đồng/lô, và bắt chúng tôi đóng tiền trước 1 lô, còn 1 lô cho nợ 5 năm. Nhưng chúng tôi bây giờ một triệu cũng không có thì lấy đâu tiền để đưa cho họ”, bà Kí nói.

Nhà ông A có lối đi chung với Ngân hàng và từng bị nhốt không cho ra ngoài
Nhà ông A có lối đi chung với Ngân hàng và từng bị "nhốt" không cho ra ngoài

Bức xúc nhất là cách đây khoảng 5 tháng, Chủ tịch thị trấn Nhơn Hòa bỗng dưng đến nhà ông A dùng những lời lẽ hết sức thô tục, vô văn hóa để xúc phạm gia đình ông bà: “Ông Chủ tịch thị trấn đến chửi tục, đe dọa gia đình tôi, còn dằn mặt gia đình tôi. Ông ấy còn nói xúc phạm đến những người đã khuất của gia đình tôi, là ông, bà và các bác, chú tôi vì bảo nhà tôi cạy thế là người có công với cách mạng. Nhưng chúng tôi đâu có bao giờ nói với ai là gia đình tôi như thế nào đâu, thậm chí chúng tôi còn không nhận được bất kì đồng tiền trợ cấp hương khói cho các liệt sĩ theo quy định của nhà nước, nhưng chúng tôi đâu có nói gì. Người thân chúng tôi mất thì chúng tôi thờ, chứ chúng tôi đâu có đòi hỏi gì đâu”, anh Bùi Văn Tuấn, con trai út ông A bức xúc.

Trước sự việc trên, gia đình anh Tuấn đã ghi âm, quay phim lại những hành vi thiếu chuẩn mực của ông Chủ tịch thị trấn và gửi lên Công an huyện nhờ can thiệp, nhưng mọi việc đều rơi vào im lặng!

Đất khai hoang đóng thuế trở thành… đất lấn chiếm

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh cho biết, các trụ sở cơ quan của huyện đều vướng đất của dân. Theo quy định thì đầu tiên phải lập phương án đền bù, áp giá cả, tái định canh, định cư, rồi giải phóng mặt bằng xong thì mới được xây dựng các công trình. Và giá 1m2 đất tại trụ sở cơ quan ông (xây trên đất nhà ông A-PV) tính đến thời điểm hiện tại là 900 nghìn đồng.

Việc nhà ông A không được nhận tiền đền bù theo quy định của luật pháp, còn một số hộ khác lại được đền bù đến vài tỉ đồng dù đất không có sổ đỏ, ông Cường giải thích do đây là đất ông A lấn chiếm của nhà nước nên không bao giờ đền bù được. Vì khu đất này trước đây là “quận cũ đất quân sự”, sau giải phóng khu đất này được huyện đội Chư Sê quản lý và không sử dụng vào việc gì: “Trước đây một số hộ người ta lấn chiếm để ở. Có mình nhà ông A lấn chiếm đất của nhà nước”, câu trả lời đầy mâu thuẫn của ông Cường.

Còn việc bằng chứng gia đình ông A lấn chiếm đất của nhà nước thì ông Cường cho rằng “Cấp xã, phường đã tổ chức họp và đưa ra kết luận gia đình ông A lấn chiếm. Người ta đã kết luận vậy thì không thể đền bù được”, ông Cường trả lời. Và hiện, chính quyền vẫn đang “vận động” gia đình ông A di dời và tạo điều kiện cho gia đình ông A mua nợ đất để làm nhà.

Biên lai thuế nhà, đất nhà ông A
Biên lai thuế nhà, đất nhà ông A

Khác với câu trả lời của ông Cường, ông Phạm Khắc Tiệp, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết, trước đây toàn bộ khu vực xây dựng trụ sở huyện và một số khu vực xung quanh là khu đất quân sự của ngụy. Sau giải phóng, huyện đội Chư Sê quản lý, một thời gian dài không ai quản lý gì, vì nó là bãi mìn.

Nếu quả thật khu đất trên của nhà ông A là đất lấn chiếm của nhà nước, thì nhiều người đặt câu hỏi vậy chính quyền địa phương đang ở đâu khi để gia đình ông liều mình vào vùng đất hoang đầy bom mìn để “lấn chiếm” và sử dụng suốt hơn 20 năm nay? Và việc hơn 20 năm qua, cơ quan thuế liên tục thu thế khu đất “lấn chiếm” này liệu có phải họ đã bao che cho sự “sai phạm” của gia đình ông A?

“Hàng xóm của tôi đến sống sau nhà tôi, không có giấy tờ đất cũng như giấy tờ thuế mà được đền bù đến mấy tỉ cho vài sào đất. Còn gia đình tôi thì không được gì, chúng tôi bây giờ không biết sống như thế nào nên chỉ yêu cầu họ đền bù công bằng cho chúng tôi, nếu được như vậy thì chúng tôi cũng về lại quê Quảng Ngãi để sống chứ không dám sống ở đây nữa”, bà Kí nói.

Việc làm trên của chính quyền huyện Chư Pưh không chỉ khiến người dân bức xúc, mà còn đẩy một gia đình có công với cách mạng rơi vào cảnh túng quẫn, tủi nhục vì bị xúc phạm. Vì vậy nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu những trụ sở của chính quyền huyện Chư Pưh xây trên nền đất vi phạm, một Ngân hàng Chính sách huyện tọa lạc ngay bên cạnh một ngôi nhà lụp xụp của người nông dân thì họ sẽ giải quyết công việc giúp dân như thế nào?”.

Thiên Thư