Vụ gia đình liệt sĩ mất nhà, đất tại Gia Lai:

3 lần cán bộ mang bia mời dân uống để “dụ” kí giấy tờ

(Dân trí) - Để ông Bùi A kí vào giấy tờ đồng ý nhận bồi thường đất và tài sản một cách rẻ như cho không, một số cán bộ huyện Chư Pưh đã lợi dụng khi chỉ có mình ông lão này ở nhà rồi mang bia đến “nhử” cho ông uống và kí vào giấy.

Cán bộ mang bia đi “làm việc”

Chuyện tưởng chừng như chỉ có trên màn ảnh này lại là cách làm việc mà một số cán bộ huyện Chư Pưh đã sử dụng đối với một gia đình có công với cách mạng tại địa phương. Đó là gia đình ông Bùi A và vợ là bà Bùi Thị Kí (SN 1944, cùng trú thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh), vợ chồng ông bà vốn quê ở Quảng Ngãi, sau giải phóng họ lên Gia Lai lập nghiệp, đến năm 1990 thì vào thôn Hòa Bình hiện nay làm ăn sinh sống.

Lúc bấy giờ, vùng đất nơi ông bà đang an cư chỉ là khu rừng um tùm, khắp nơi bom đạn chiến tranh vẫn còn “ẩn náu” dưới lòng đất, không ngại khó khăn và nguy hiểm, gia đình ông A đã khai hoang được khoảng 7 sào đất (ngang khoảng 60mx dài 120m). Và sau đó, một số người dân cũng đến khai hoang nơi này để lập nghiệp và sống ổn định cho đến bây giờ. Riêng diện tích đất nhà ông A, gia đình ông từ trước đến nay sử dụng ổn định, luôn đóng thuế nhà, đất đầy đủ và không có bất kì ai tranh chấp.

Sau nhiều năm tích cóp, gia đình ông A đã trồng được 250 trụ hồ tiêu, thu hoạch bói hơn 100 trụ cũng được trên 600kg tiêu hạt (giá khoảng trên 100 nghìn đồng/kg). Với thu nhập này, vợ chồng ông bà nghĩ sẽ có đồng tiền dư lúc tuổi già. Tuy nhiên, tiêu của họ mới thu hoạch được khoảng 2 năm thì đến năm 2010 họ bị rơi vào “bẫy” của một số cán bộ huyện Chư Pưh.

Đơn kêu cứu của gia đình ông A
Đơn kêu cứu của gia đình ông A

Sau khi huyện Chư Pưh được tách từ huyện Chư Sê, chính quyền huyện cần có đất để xây dựng trụ sở. Và toàn bộ diện tích đất nhà ông A và đất một số hộ xung quanh đã nằm trong quy hoạch để xây dựng các cơ quan công sở. Tuy nhiên, việc đền bù, giải phóng mặt bằng lại được cán bộ nơi đây sử dụng thủ đoạn chẳng giống ai với nhiều cách đền bù khác nhau cho cùng 1 loại đất, khiến nhiều người dân trong vùng bức xúc.

Đáng nói nhất là cách lấy đất nhà ông A của chính quyền huyện. Khi gia đình ông thân cô, thế cô ở huyện Chư Pưh, bởi bố ông A là bộ đội và đã hy sinh trên chiến trường mà vẫn chưa tìm được hài cốt, mẹ ông A cũng từng là chiến sỹ cách mạng và sau đó được phong là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng- mẹ Trần Thị Đoàn; anh trai ông A là liệt sĩ Bùi Văn Á và em trai ông là liệt sĩ Bùi Ngọc Ánh cũng đã hy sinh trong chiến tranh. Bây giờ còn mình ông A là người thờ phụng, hương khói cho người thân của mình. Trước hoàn cảnh trên của ông A, đáng ra chính quyền nơi đây phải trân trọng, tôn kính và làm đúng cái tình cái lý, nhưng ngược lại…

Những người thân của ông A đã hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc
Những người thân của ông A đã hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc

Khoảng đầu năm 2010, gia đình ông A được thông báo nhà, đất của ông bà nằm trong quy hoạch để lấy đất xây dựng các công trình trụ sở của UBND huyện. Nhưng chính quyền huyện không hề họp toàn thể gia đình ông A (vợ và 3 người con trai cùng con dâu ông A) để thống nhất giá cả đền bù và phương án di dời, tái định cư, định canh. Mà một số cán bộ đã đến yêu cầu gia đình ông kí vào giấy tờ họ soạn thảo sẵn với phương án chỉ đền bù mình tài sản trên đất, còn đất thì không đền bù mà chỉ hỗ trợ “công khai hoang đất” với giá 6,073.5 triệu đồng, và hơn 250 trụ tiêu có giá trị kinh tế rất cao nhà ông A chỉ được đền bù 163 trụ (mỗi trụ 260 nghìn đồng)… cách đền bù này của chính quyền đã nhận được sự phản đối của gia đình ông A.

Để “đối phó” lại sự phản đối của vợ con ông A, một số cán bộ đã lợi dụng lúc trong nhà chỉ có mình ông A ở nhà, họ mang bia và mồi nhậu đến nhà ông A ngồi nhậu. Tuy nhiên, do được các con dặn kĩ nên sau 2 lần được các cán bộ cho dùng “mồi nhử” nhưng ông A vẫn không kí. Đến lần thứ 3, vợ con ông A đi vắng quên không dặn ông nên khi các cán bộ lại mang bia và mồi nhậu đến, họ chúc cho ông uống với lời hứa “cứ kí vào sẽ đền bù cho gia đình ông 5 sào đất ngon, 1 lô đất ngon mặt tiền và tiền xây 1 cái nhà ngon để ông bà bán tạp hóa… dưỡng già”, sau khi uống 2 lon bia cùng với những lời “mật ngọt” ông A đã đặt bút kí vào giấy tờ đồng ý giá đền bù của chính quyền huyện với số tiền 137,227 triệu đồng cho toàn bộ tài sản nhà mình gồm: nhà cửa, hơn 5 sào đất, hàng trăm trụ tiêu, hàng chục tài sản khác cùng tiền hỗ trợ đời sống…

“Họ mang bia cái gì gơ gơ màu xanh rồi cho tôi uống, họ nói ngọt quá, hứa cho tôi cái này cái kia rồi bảo tôi kí vào. Tôi không biết gì hết cứ tin họ nên kí vào, lúc đó có mấy anh đến nhưng tôi chỉ nhớ mặt, chứ không biết tên mà cũng không biết họ làm chức gì”, ông A kể lại.

Lên cơn đau tim vì cãi nhau với cán bộ

Mặc dù nhà, đất và tài sản trên đất là tài sản chung của vợ chồng ông A và các con nên tất cả các quyết định liên quan đến tổng số tài sản này phải đều có sự đồng thuận của cả gia đình thì mới có hiệu lực pháp luật; không chỉ vậy, trong biên bản chỉ có 2 cán bộ kí tên trong tổng số 6 cán bộ cần phải kí tên vào biên bản. Vì vậy, tờ giấy mà chính quyền huyện đưa cho ông A kí đã không đủ tính pháp lý, tuy nhiên chẳng hiểu vì lý do gì mà chính quyền nơi đây lại lấy tờ giấy này làm căn cứ (?!)

Sau khi nắm được tờ giấy này trong tay, ngay lập tức chính quyền huyện Chư Pưh không cần giải phóng mặt bằng mà đã cho người chở vật liệu xây dựng đổ lên đất nhà ông A, rồi tiến hành xây trụ sở Ngân hàng Chính sách huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, và một phần UBND huyện Chư Pưh. Mặc cho gia đình ông A phản đối và cứ để ngôi nhà tọa lạc bên cạnh các trụ sở: “Khi chúng thấy họ chở đất đá đổ lên đất nhà tôi nên tôi hỏi thì họ nói chồng tôi đã kí giấy rồi nên họ làm”, bà Kí nhớ lại.

Ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng ông A tọa lạc bên trụ sở khang trang của Ngân hàng chính sách huyện
Ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng ông A tọa lạc bên trụ sở khang trang của Ngân hàng chính sách huyện

Không chỉ lấy đất nhà ông A một cách trái luật, để đuổi vợ chồng ông A đi chỗ khác, một số cán bộ huyện đã đến dùng những lời thoái mạ gia đình bà Kí khiến bà bị lên cơn đau tim phải nhập viện. “Từ ngày họ lấy đất nhà tôi, họ xem chúng tôi không ra gì còn cải nhau, xúc phạm gia đình tôi khiến mẹ tôi tức quá lên cơn đau tim. Số tiền họ đưa gia đình tôi đã dùng vào việc đưa mẹ tôi vào TPHCM chữa bệnh hết rồi. Ba tôi trong giấy tờ là SN 1944 nhưng thật chất ông đã 75 tuổi, sức khỏe đã yếu và không còn minh mẫn”, anh Bùi Văn Tuấn kể.

“Chúng tôi là nông dân không biết gì, ở xung quanh nhà tôi nhiều người không đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chúng tôi cũng không biết để đi. Nhiều người không có sổ đỏ, thậm chí không đóng thuế nhưng lại được chính quyền đền bù mấy tỉ tiền đất với diện tích ít hơn nhà tôi, còn nhà tôi luôn đóng thuế đầy đủ nên lúc đó gia đình tôi mới biết bị lừa. Đất nhà tôi có khoảng hơn 7 sào, nhưng khi cán bộ đến đo chỉ có 5 sào và không trả đồng nào hết”, bà Kí buồn nói.
 

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm