Trong trường hợp này, Hiệu trưởng có chuyên quyền không?

Đọc bài “Thuốc” nào trị bệnh chuyên quyền của hiệu trưởng?" làm tôi nhớ lại vụ việc xảy ra cách đây đúng một năm tại ĐH Cần Thơ, TP Cần Thơ.

 
Đó là chuyện hiệu trưởng ký một quyết định Số:1120/QÐ-ÐHCT:  V/v ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và công tác quản lý trong đào tạo cán bộ của Trường Đại học Cần Thơ, trong đó có một điều khoản tạo nên sự đối xử không công bằng và phi lý:

Điều 4. Quản lý nguồn lực tài chính trong đào tạo cán bộ:

2. Các nguồn tài trợ khác do Nhà trường, đơn vị và cán bộ tìm kiếm được (học bổng, tài trợ từ các hợp tác song phương, của các tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, của các doanh nghiệp, cá nhân trong hoặc ngoài nước,...) để đào tạo cán bộ cho Trườngđều được xem là nguồn tài chính của Trường và phải được quản lý theo quy định của Nhà nước”.

(chi tiết có thể tham khảo theo link: http://www.ctu.edu.vn/departments/personnel/)

Mới đọc qua thì chúng ta có thể thấy nó rất bình thường nếu như không ở vào vị trí của cán bộ trẻ, những người có năng lực tốt tự tìm được nguồn tiền đi học thêm ở nước ngoài, không phải lấy từ ngân sách nhà nước, kể cả việc họ làm thuê cho các dự án của các Giáo sư nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan...) để trang trải tiền ăn học thì tại sao xem tiền đó là nguồn tiền của trường? Có khác nào xem công sức của người khác bỏ ra là tiền của đại học Cần Thơ đâu?

Từ qui định ngặt nghèo này, nhà trường bắt các cán bộ đi học phải làm các giấy tờ cam kết quay về phục vụ nhà trường và buộc gia đình của họ phải ký vào giấy bảo lãnh bồi thường nếu con mình không trở về phục vụ nhà trường (phải có chứng nhận của chính quyền địa phương) không khác gì những người đi học bằng nguồn tiền của ngân sách nhà nước. Điều này gây ra sự bất bình trong giới cán bộ trẻ vì năng lực và công sức của họ bỏ ra tìm được tài trợ bên ngoài để đi học nâng cao trình độ bị coi ngang bằng và ràng buộc giống hệt như cán bộ lấy ngân sách nhà nước đi học. Nhiều người trong số họ viết thư trực tiếp cho hiệu trưởng để mong thay đổi qui định kì cục kia, thế mà nó vẫn cứ tồn tại và chỉ có một số ít người dám kiên quyết phản đối đến cùng để tự nhà trường đuổi việc (2 trường hợp ở khoa Công nghệ).

Thiết nghĩ nhà nước phân quyền chủ động cho hiệu trưởng quản lý mọi mặt hoạt động của nhà trường là cần thiết, nhưng có bao nhiêu hiệu trưởng có đủ tâm đức, đủ tầm và biết xây dựng nền nếp quản lý dân chủ? Như sự việc ở ĐH này, một ngôi trường đại học lâu năm và có truyền thống, vậy mà hiệu trưởng còn ban hành những qui định phi lý như thế thì tôi không quá bất ngờ trước sự việc xảy ra ở Phong Điền như báo Dân trí đã đưa. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong bối cảnh đất nước còn thiếu nhân lực trình độ cao giảng dạy ở các trường đại học, việc thu hút và “giữ chân” nhân tài là điều hết sức quan trọng. Nhưng cách “giữ chân” kiểu như vậy làm cho nhiều cán bộ trẻ có năng lực phải bất bình. Chúng ta chưa có thể lo cho cán bộ có điều kiện tốt về mặt vật chất thì điều quan trọng là phải tạo ra môi trường lành mạnh, có sự đối xử công bằng và không áp đặt những quy định ngặt nghèo. Thiết nghĩ đấy chính là yếu tố thu hút và “giữ chân” những người yêu nghề. Hy vọng chúng ta cùng nhau lên tiếng và hành động để tạo ra môi trường giáo dục tốt hơn nhằm bảo vệ lẽ công bằng cho các thầy cô giáo.

Một cán bộ ĐHCT
lamthaitu@gmail.com

 

LTS Dân trí - Việc ban hành quyết định nói trên của Trường Đại học Cần Thơ không phải là biểu hiện chuyên quyền của hiệu trưởng nhằm vun vén lợi ích cá nhân, mà vì lợi ích của nhà trường, muốn “giữ chân” những cán bộ trẻ có năng lực sau khi đi tu nghiệp lại trở về trường phục vụ. Có điều cách “giữ chân” như vậy là áp đặt, thiếu sức thuyết phục, thiếu cả tính dân chủ và công bằng.

Trong lúc chúng ta đang rất thiếu cán bộ có trình độ cao, lại thiếu cả nguồn kinh phí đào tạo nâng cao ở nước ngoài thì rất nên khuyến khích những cán bộ trẻ có năng lực tìm mọi nguồn tài trợ để đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và không cần ràng buộc họ bằng những quy định có tính áp đặt mà chủ yếu bằng chính sách đối xử thỏa đáng.

Người trí thức chân chính bao giờ cũng có tấm lòng yêu nước. Cái mà họ coi trọng không chỉ là điều kiện vật chất mà cái quan trọng hơn là tình nghĩa và cách đối xử.