Trói "con dâu" vứt ra đường là phạm tội làm nhục người khác
Đọc bài viết </>Cả gia đình trói "con dâu" vứt ra đường</i> đăng trên Dân trí ngày 8/1 vừa qua, ai cũng thấy động lòng và bất bình trước hành động nhẫn tâm đó.
Là một luật sư, theo quan điểm của chúng tôi, những người đã thực hiện hành vi đánh, trói tay chị Nguyễn Thị Tố Trinh rồi quẳng chị ra đường trước sự chứng kiến của cháu bé con chị Trinh và nhiều người dân địa phương đã đủ yếu tố cấu thành tôi làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại điều 121 Bộ luật hình sự thì tội làm nhục người khác là khi một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Dấu hiệu quan trọng của tội này là có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác và nhằm mục đích làm cho người bị hại bị nhục.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Các hành vi mà gia đình ông Tuấn thực hiện đối với chị Trinh đã thể hiện sự xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của chị Trinh: Theo lời nhân chứng kể lại thì cả gia đình ông Tuấn xúm vào xua đuổi chị Trinh rồi người ôm, giữ cho chị Trinh không chống cự được để cho người khác đánh, đấm vào mặt rồi cùng nhau trói quặt tay chị Trinh lại và quẳng ra đường. Không biết khi thực hiện những hành vi này gia đình ông Tuấn có lời lẽ chửi bới, lăng mạ nào đối với chị Trinh hay không nhưng chỉ với hành vi trói quặt tay rồi quẳng một người ra đường đã là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm của người đó. Thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền tự ý xâm phạm. Nếu chị Trinh có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến chỗ ở, tài sản, gây rối gia đình ông Tuấn, gây mất trật tự công cộng thì gia đình ông Tuấn có quyền tố cáo lên Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý chứ không thể tổ chức cả gia đình đánh đập, xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của chị Trinh như vậy. Chị Trinh là một con người nhưng những hành vi của gia đình ông Tuấn đối xử với chị Trinh không giống đối xử với một con người (xua đuổi, trói quặt tay, quẳng ra đường). Hành vi này rõ ràng đã thể hiện sự xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại.
Những hành vi này của gia đình ông Tuấn không chỉ để hành hạ chị Trinh về mặt thể xác mà đã thể hiện mong muốn của họ cho chị Trinh bị nhục nhã với những người xung quanh và với chính con trai mình. Dù cháu bé còn nhỏ nhưng người mẹ sẽ cảm thấy như thế nào khi mình bị người khác đối xử như một con vật, bị trói, bị ném ra đường trước mặt chính con trai mình và cho bao người chứng kiến?
Nếu chỉ là nhằm mục đích hành hạ chị Trinh về thể xác thì gia đình ông Tuấn đã có thể sử dụng hình thức khác hoặc các hành vi xâm phạm thân thể chị Trinh mức độ có thể sẽ mạnh hơn hoặc với bấy nhiêu người mà mỗi người chỉ cần cho chị một cái tát chắc cũng đủ để chị phải đau đớn hoảng sợ. Nhưng rõ ràng hành vi của họ không phải chỉ nhằm mục đích ấy. Họ cũng không nhằm mục đích đuổi chị đi mà mục đích của gia đình ông Tuấn là làm nhục chị Trinh thì mới thỏa mãn. Vì vậy gia đình ông Tuấn đã tìm mọi cách để trói người bị hại lại (người ôm, người giữ), sau khi đã trói được rồi họ quẳng chị Trinh ra đường, để chị nằm lăn lóc và nhất định không để ai cởi trói, họ muốn chị Trinh phải nằm trong tình trạng như vậy cho mọi người xem. Khi cháu bé con trai chị Trinh định cởi trói cho mẹ thì lập tức bị ngăn cản, bị đánh và một người còn ngồi đè lên cả người chị (Cậu con trai nhỏ của chị Trinh nước mắt giàn giụa chạy lại định mở trói cho mẹ nhưng bị một người cháu gái của ông Tuấn chạy đến ôm lại, đánh vào mặt. Cô gái trẻ này vừa ôm cháu vừa ngồi đè lên người chị Trinh…); những người chứng kiến muốn can thiệp cũng bị ngăn cản.
Với hành vi mà những người tham gia hành hạ chị Trinh rõ ràng thể hiện mục đích làm nhục người bị hại.
Theo quan sát thì các thành viên trong gia đình ông Tuấn đều là những người có năng lực trách nhiệm hình sự, không có khiếm khuyết về mặt trí tuệ nên họ phải nhận thức được hành vi sai trái của mình và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Vì vậy chị Trinh hoàn toàn có căn cứ để làm đơn tố cáo và đề nghị khởi tố những người đã làm nhục mình về tội làm nhục người khác.
Đồng thời cũng cần làm rõ việc trói người vào ngày 07/12 để xem xét có đủ dấu hiệu phạm tội nhiều lần theo khoản 2 điều 121 hay không hay có đủ dấu hiệu phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự hay không?
Ngoài ra, trong trường hợp này tùy vào tỷ lệ thương tật mà những người tham gia gây cho chị Trinh mà họ có thể truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích.
Tuy nhiên khi giải quyết cũng cần xem xét đến mức độ lỗi của người bị hại. Có đúng là chị Trinh có hành vi liên tục gây rối, khủng bố tinh thần mọi thành viên trong gia đình ông Tuấn hay không? Chị Trinh có những hành vi như mượn tiền nhưng không trả, tống tiền 30 triệu đồng, đến nhà trộm cắp nhưng bị phát hiện nên chuyển sang đập phá, ăn vạ vào ngày 07/12/2009, đập vỡ cửa kính được quy ra thành tiền trị giá hơn 1 triệu đồng hay không? Hành vi gây rối của chị Trinh đã đủ để gây kích động mạnh về tinh thần cho gia đình ông Tuấn chưa?
Ai có hành vi vi phạm đến đâu thì tùy mức độ sẽ bị xử lý đến đó và cần được các Cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm minh đảm bảo công bằng và trật tự xã hội.
Luật sư Trần Thị Thúy Hằng
Công ty luật Đại Việt, 335 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội
LTS Dân trí - Trong xã hội văn minh ngày nay, thật khó tưởng tượng có một gia đình cùng xúm nhau lại đánh "con dâu" rồi đè ra trói quặt cánh tay để vứt ra đường; lại đang tâm ngăn cản đứa con trai nhỏ khóc lóc chạy ra cởi trói cho mẹ. Đấy thật sự là hành động mất tính người, rất tàn nhẫn và cố tình làm nhục người khác.
Dù người "con dâu" này đã từng gây ra nhiều chuyện để dẫn tới hậu quả cả nhà ghét, nhưng không vì thế có thể thanh minh cho hành động phạm pháp đánh người và trói người vất ra đường.
Mong rằng các cơ quan chức năng địa phương sớm điều tra và đưa vụ này ra xét xử đúng người đúng tội, lập lại kỷ cương và trật tự xã hội, không để xảy ra những vụ tương tự.