Bạn đọc viết:

Trò chơi dân gian ngày tết

Cứ mỗi độ xuân về, những trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền lại được tổ chức rầm rộ và luôn thu hút đông đảo mọi người tham gia như; đánh đu, chọi gà, bơi chải, đua thuyền, tung còn, hát lượn...

Trò chơi dân gian ngày tết  - 1
Chơi cồng chiêng ngày Tết không thể thiếu của dân tộc Thái ở Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Một điểm mới mà những năm qua Nghệ An tập trung chỉ đạo các địa phương đó là tổ chức, khôi phục lại các trò chơi dân gian để phục vụ nhân dân trong dịp Tết nguyên đán.

Với Nghệ An vào dịp xuân về, những trò chơi dân gian đã được hình thành từ lâu đời ở các làng quê Việt Nam lại rộn ràng hẳn lên. Ở các huyện miền núi tổ chức vui Tết đón Xuân cho bà con bằng những hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống của địa phương như các Châu Lý, Châu Đình, Bắc Sơn... của huyện Quỳ Hợp, xã Nghĩa Thái, Tiên Kỳ của huyện Tân Kỳ... đã tổ chức các trò ném còn, chơi đu, bắn nỏ, kéo co... và thật sự thu hút đông đảo thanh niên nam nữ trong bản, trong làng tham gia rầm rộ.

Với đồng bào Thổ, Thái và một số miền quê ở Nghệ An, đánh đu là trò chơi dân gian không thể thiếu được trong những ngày tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng Chạp, những người trẻ tuổi lại được giao nhiệm vụ tìm nguyên vật liệu để dựng đu. Từ trong Tết bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo người ta chuẩn bị các cột đu.

Họ chọn cây tre to, dài, để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to, ép ngọn bởi một chiếc then ngang. Lại thêm một chốt nữa xỏ hai cây trẻ thả dọc xuống, buộc một bàn đặt chân. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, nhún đẩy cho đu bay bổng, càng vượt cao càng hay và giật giải treo trên ngọn đu.

Đu cọn, còn gọi là đu tiên, đu xe vì giống chiếc guồng nước của đồng bào thiểu số miền bắc. Hai cột gỗ trôn chắc dưới đất, giữa cột có trụ gỗ bắc ngang và một bánh xe xuyên qua trục, có các nan cách đều nhau xếp các bàn ngồi. Người chơi ngồi trong bàn, cứ xen kẽ một nam, một nữ dùng chân đạp xuống đất cho đu quay mỗi lúc một nhanh.

Các huyện miền núi còn có hội ném Còn; đi cà kheo… và cũng từ các lễ hội truyền thống này mà nhiều đôi nam nữ trong làng đã nên duyên chồng vợ.Quả còn được làm từ nguyên liệu vải với đủ màu sắc. Trò chơi được chia thành hai bên: nam và nữ. Nếu bên nam để quả còn rụng thì bên nữ sang lấy một món quà và ngược lại.

Trò chơi này đã trở thành truyền thống hàng năm, mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm - dương, mùa màng tươi tốt. Chị Nguyễn Thị Quế, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông cho biết: “hàng năm, vào dịp xuân về chị cùng với bạn bè trong bản làng tham gia trò chơi ném Còn. Từ đây họ còn tổ chức nhảy sạp, khắc luống suốt cả mùa lễ hội...”.
Trò chơi dân gian ngày tết  - 2
Trò chơi khắc luống ngày Tết của đồng bào Thái xứ Nghệ (Ảnh: Nguyễn Duy)

Không chỉ ở các huyện miền núi mà thời gian qua rất nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các phường xã của thành phố Vinh như Lê Mao, Hồng Sơn, Hưng Dũng, Trường Thi, Hà Huy Tập, Đông Vĩnh... vẫn duy trì, phát triển một số trò chơi truyền thống như tôm điếm, cờ tướng, cờ vua, kéo co, đu tiên... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Tiêu biểu như trò chơi tôm điếm của phường Lê Mao đã duy trì hơn 10 năm nay. Được biết, Tết năm nay do điều kiện không cho phép, thay vì trò chơi tổ tôm điếm, phường Lê Mao tổ chức đa dạng các trò chơi dân gian như cờ thẻ, cờ tướng kéo dài từ 30 đến mồng 5 tết âm lịch.

Còn ở vùng biển Cửa Lò có tới hơn nửa số phường, xã duy trì trò bơi thuyền. Tết năm nay, Nghi Hải không có điều kiện tổ chức đua thuyền truyền thống, mà vào đêm 30 Tết, tại đền Làng Hiếu (thờ bản cánh Thành Hoàng của Nghi Hải), CLB phục hồi di tích đền Làng Hiếu sẽ tổ chức hái thăm cầu may cho ngư dân.

Đây là hoạt động được phát huy khoảng vài năm nay và rất được bà con ủng hộ. Còn ở phường Nghi Tân, hàng năm, cứ vào rằm tháng Giêng, Tết Nguyên đán hay lễ hội đền Vạn Lộc, lại diễn ra hội cờ người, chọi gà... Ngoài đánh cờ người, thì thú chơi chọi gà cũng rất hấp dẫn đối với lớp trẻ. Hiện trong phường có trên dưới chục "đối thủ gà" đang được các gia đình chăm sóc cẩn thận chờ ngày khai hội.

Với các địa phương ở huyện Diễn Châu còn có trò chơi nấu cơm thi, trò chơi đu dây, cầu Kiều ở Diễn Phú, Diễn An, hát chèo ở Diễn Liên, Diễn Trường, hát cải lương ở Diễn Thịnh, Diễn Lợi, ca trù ở Diễn Mỹ, Diễn Hoa, Diễn Liên... Xuôi đường 46 về thị trấn Nam Đàn xem đu tiên, chọi gà, cờ thẻ... thu hút đông đảo người dân đến xem và tham gia.

Nghệ An là tỉnh có khá nhiều lễ hội với nhiều trò chơi mang đậm màu sắc vùng miền được tổ trong dịp tết đến, xuân về. Những hoạt động đó đang được các địa phương nỗ lực tạo sân bổ ích cho nhân dân trong dịp tết đồng thời không ngừng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê xứ Nghệ.

Thanh Hà - Tuệ Anh