Trò chơi “ảo” mà tác hại thật!
Cách đây khoảng dăm năm, trẻ em nước ta hầu như chưa biết trò chơi điện tử là gì. Thế nhưng bây giờ cơn “bão game” đang hoành hành, cuốn giới trẻ vào vòng xoáy của sự đam mê.
Nghịch lý cơ bản của game là thế giới ảo nhưng những tác động, hậu quả của nó thì không ảo chút nào.
Game ảo, mất tiền thật
Một HS phổ thông ngoan, học giỏi thi đỗ vào một trường đại học lớn ở Hà Nội. Học được một năm thì cậu sa đà vào game, lúc đầu chỉ là theo bạn bè chơi cho biết, sau đó thành nghiện. Bao nhiêu tiền nhà gửi ra đều bị nướng hết vào quán net để trả tiền thuê máy và cả tiền mua “đồ chơi” trên mạng. Cậu ta nợ đến hơn 50 triệu đồng. Gia đình tá hỏa, đành tìm cách vay mượn để trả nợ cho con, và người mẹ phải ra Hà Nội ở cùng để kèm cặp, trị bệnh “nghiện game” cho cậu quý tử.
Ở nông thôn, để có tiền chơi game, mua “đồ”, nhiều HS tìm cách bớt lúa của mẹ, hay lấy đồ trong gia đình, ăn cắp, trấn lột, tống tiền…Có những HS đã phạm tội ác xuất phát từ động cơ này. Nhiều cô gái vì thiếu tiền trả nợ cho chủ quán đã liều mình xin “cứu nét”, thực chất “bán thân nuôi nét”.
Có lẽ nên xếp mục “nghiện nét” hay “nghiện game” vào hệ thống thuật ngữ y học hiện đại. Không ít bạn trẻ đã “nướng” hầu hết thời gian trong ngày cho game trên máy vi tính, đặc biệt là trò chơi trực tuyến (online game). Có những HS-SV đã chơi game liên tục mấy ngày đêm liền, ăn ngủ ngay tại quán nét. Ma lực của nó khủng khiếp đến mức biến nhiều HS trở nên ngây dại, hoàn toàn lạc lõng với thế giới thực. Thời gian, thứ quý giá nhất của một đời người vì một đi không trở lại đã bị phung phí một cách không tưởng tượng nổi vào trò chơi ảo!
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Một số người cho rằng chơi game dù sao cũng có tác dụng giải trí. Nhưng đó chỉ là ngộ nhận. “Giải trí”, theo Từ điển tiếng Việt là “Làm cho trí óc thảnh thơi bằng cách nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động vui chơi”. Thế nhưng hầu hết các game thủ chơi game chỉ vì đam mê, nghiện ngập, và càng chơi thì trí óc càng thêm mệt mỏi, mụ mẫm.
Lại có người cho rằng chơi game làm tăng trí thông minh?
Tôi hỏi một đồng nghiệp là GV Toán: “Theo cậu thì HS chơi game có tác dụng gì không?”; anh nói “Cũng có tác dụng làm tăng trí thông minh”. Thế nhưng thông minh đâu chẳng thấy, chỉ thấy những “game thủ” nhí học hành ngày càng sa sút, mắt cận, tóc tai bù xù như người đến từ sao Hỏa. Đành rằng người chơi game phải vận dụng trí tuệ, suy nghĩ hay mẹo mực để chơi, thế nhưng nói như danh tướng Trần Quốc Tuấn “Mẹo cờ bạc sao có thể dùng làm mưu lược nhà binh?” (Hịch tướng sĩ). Những tư duy của người chơi trong game không có tác dụng gì đối với việc tiếp thu, vận dụng các kiến thức khoa học.
Game ảo - hậu quả thật
Là người thường xuyên làm việc trên máy tính, tôi thấy thời điểm mạng ì ạch nhất là vào buổi trưa, sau khi tan trường và vào buổi chiều, là những lúc mà HS ngồi chật cứng ở các quán net. Tất cả đều chơi game. Ngoài sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, game còn gây nên nhiều hậu quả dây chuyền khác. Những HS suốt ngày dán mắt vào màn hình sẽ bị ảnh hưởng về thị lực và sức khỏe do lối sống ít vận động, thiếu ánh sáng. Trong khi những HS khác có điều kiện lao động, chơi thể thao…sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Nguy hại nhất là những lệch lạc về tâm lý, nhân cách do thói “nghiện game” gây nên. Đắm chìm vào thế giới ảo, HS sẽ thui chột về khả năng giao tiếp, ứng xử. Không ít em bị nhiễm lối ứng xử mang màu sắc bạo lực, xã hội đen từ các trò chơi bắn giết, tâm hồn bị “bôi đen” trở nên bệnh hoạn để rồi phạm tội ác lúc nào không hay. Nhiều cô cậu HS đã từ quán nét bước vào…trại giam.
Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh
LTS Dân trí - Chuyện mê Game đối với thanh thiếu niên thời nay không còn là chuyện hiếm. Điều đáng tiếc là trong số mê Game đó, có cả những sinh viên đại học vốn là những học sinh giỏi của các tỉnh lẻ, nhiều em học trường chuyên hẳn hoi, nhưng khi đỗ đại học phải đi trọ học xa nhà, không có bố mẹ quản lý, đã sa vào trò chơi này, rồi nợ nần và sao nhãng việc học như cậu sinh viên được nêu trong bài viết trên đây. Từ đó nhiều em đã bị đuổi học sau năm học đầu tiên.
Đối với trẻ em, càng dễ bị các trò chơi điện tử cuốn hút, quên cả thời gian và nhiệm vụ học hành.
Đúng là “trò chơi ảo” nhưng tác hại của nó thì không “ảo” một chút nào.
Rất tiếc là chúng ta chưa có nhiều trò chơi lành mạnh cho trẻ em, kể cả trò chơi điện tử có nội dung tốt, khuyến khích sự sáng tạo của các em.
Tình trạng nói trên đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của người lớn, của các bậc cha mẹ, nhất là những người có vai trò quản lý trong ngành thông tin-truyền thông. Hy vọng rằng Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông thực hiện lời hứa trong buổi chất vấn của Quốc hội vừa qua là sẽ có Quy chế quản lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn những Game trực tuyến có nội dung xấu, những trò chơi điện tử bạo lực được lan truyền dưới nhiều hình thức đã gây nên nhiều tác hại đối với lứa tuổi học sinh.