Tranh luận quanh việc bỏ quyền dừng xe giữa đường của Thanh tra giao thông

PV

(Dân trí) - Nhiều độc giả ủng hộ dự thảo luật nhằm tránh việc tiêu cực, lạm quyền của thanh tra giao thông; cũng có ý kiến cho rằng nên giữ quyền dừng xe nhằm đảm bảo việc tuần tra trên các tuyến đường lớn.

Theo dự thảo Luật Đường bộ mới được Bộ Giao thông vận tải công bố, chức năng của Thanh tra đường bộ (Thanh tra giao thông) có phần được thay đổi.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 21 Dự thảo này, thanh tra đường bộ được thực hiện các biện pháp để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như kiểm tra, xử phạt hành chính, khi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phối hợp chính quyền địa phương cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ kết cấu hạ tầng hay yêu cầu người điều khiển phương tiện tại các điểm kiểm soát tải trọng xe để chấm dứt ngay hành vi vi phạm khi phát hiện hoạt động có nguy cơ gây hư hỏng, phá hoại kết cấu hạ tầng...

So với quy định tại khoản 2, Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong số các quyền hạn của Thanh tra đường bộ đã bị lược bỏ, đó là dừng phương tiện giao thông trong trường hợp cấp thiết và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình.

Theo đại diện Bộ GTVT, dự thảo luật mới được xây dựng trên tinh thần lực lượng thanh tra đường bộ sẽ chỉ giám sát "phần tĩnh" như kết cấu hạ tầng đường bộ, việc kinh doanh vận tải của doanh nghiệp... còn CSGT sẽ giám sát, xử lý phương tiện và người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.

Tranh luận quanh việc bỏ quyền dừng xe giữa đường của Thanh tra giao thông - 1

Có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp, người dân tham gia giao thông và không có lỗi nhưng lại bị Thanh tra đường bộ dừng xe để kiểm tra là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông (Ảnh minh họa: Thái Bá).

Theo dõi thông tin, độc giả Linh Thuong bày tỏ sự ủng hộ: "Cứ đúng chức năng và ý nghĩa theo tên gọi của ngành là dân mừng lắm rồi. Tránh được tham nhũng vặt do lấn sân của CSGT".

"Tôi ủng hộ quy định này. Nhiệm vụ của thanh tra nên trở về đúng với định nghĩa của từ ngữ đó, tức đi tuần kiểm tra hiện trạng đường xá, cơ sở hạ tầng để quản lý, báo cáo khắc phục và xử phạt các cá nhân, đơn vị vi phạm trong lĩnh vực này nếu có", anh Lê Hoàng nêu quan điểm.

Không chỉ bày tỏ sự ủng hộ, người dùng Nguyenvietsan còn "hiến kế" để ngăn chặn vấn đề tham nhũng vặt trong các cơ quan quản lý đường bộ: "Nên nghiêm cấm việc phạt nóng, tăng cường và áp dụng chính sách phạt nguội. Như vậy sẽ loại bỏ được tham nhũng vặt của ngành giao thông".

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều người lại bày tỏ sự không đồng tình đối với quy định này. Anh Trọng Nam viết: "Trên thực tế, lực lượng CSGT còn khá mỏng, không thể dàn trải lực lượng để thường xuyên tuần tra, kiểm tra và dừng xe các phương tiện vượt tải trọng. Cần sự tham gia của lực lượng Thanh tra đường bộ, thậm chí các cơ quan quản lý liên quan và trao họ nhiều quyền hạn hơn để mạnh tay, quyết liệt giải quyết vấn đề vi phạm về tải trọng".

Quyền hạn của thanh tra thay đổi ra sao?

Bình luận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo khoản 2, Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008, Thanh tra đường bộ có các quyền chính như sau:

Thứ nhất, thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.

Thứ hai, thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.

Tranh luận quanh việc bỏ quyền dừng xe giữa đường của Thanh tra giao thông - 2

Theo luật sư Hùng, việc bỏ quyền dừng xe của Thanh tra đường bộ nên được áp dụng để giải quyết không ít các bất cập hiện nay (Ảnh: TB).

Thứ ba, thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.

Còn theo Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra được phép dừng xe trong trường hợp buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm giao thông hoặc khi phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật công trình như vượt quá tải, vượt khổ giới hạn cho phép; xe bánh xích lưu thông mà không có biện pháp bảo vệ đường hay đổ đất, vật liệu xây dựng, phế liệu trái phép lên đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ.

So với quy định cũ, quyền hạn của Thanh tra đường bộ đã bị hạn chế một phần tại dự thảo Luật Đường bộ mới được Bộ GTVT công bố. Theo luật sư Hùng, việc bỏ quyền dừng xe của Thanh tra đường bộ nên được áp dụng để giải quyết không ít các bất cập hiện nay.

"Việc thanh tra có quyền dừng xe gây ra sự chồng chéo trong thẩm quyền tuần tra, xử lý vi phạm với Cảnh sát giao thông. Cần tách bạch phạm vi, quyền hạn của Thanh tra và CSGT trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thực tế chỉ ra trong một số trường hợp, người dân tham gia giao thông và không có lỗi nhưng lại bị Thanh tra đường bộ dừng xe để kiểm tra là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc dừng xe cũng gây ra không ít các hệ lụy như phát sinh hiện tượng tiêu cực, lộng quyền, lạm quyền.

Nên bỏ quyền dừng xe của thanh tra giao thông. Thay vào đó, lực lượng này sẽ phối hợp cùng CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát để xử lý các vi phạm cụ thể, giúp tách bạch nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị cũng như thống nhất, không để xảy ra hiện tượng chồng lấn quy định pháp luật", luật sư Hùng bình luận.

Còn luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, việc tách bạch chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng chức năng là cần thiết nhằm tránh sự chồng chéo, xung đột trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Song với trường hợp này, cần xem xét việc bỏ quyền dừng xe của thanh tra giao thông, dựa trên tình trạng thực tế, đặc biệt trên các tuyến đường nhiều phương tiện qua lại.

"Thực tế, nhiều tuyến đường có mật độ lưu thông của xe có tải trọng lớn ngày càng nhiều, nhiều tài xế cũng không thể tự kiểm soát tải trọng phương tiện của bản thân dẫn tới quá tải khi lưu thông trên đường. Điều này làm chất lượng mặt đường ngày càng xuống cấp, tạo ra nhiều "ổ voi, ổ gà", gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác. Ngoài ra, nhiều xe vận chuyển vật liệu xây dựng không đảm bảo các biện pháp an toàn trong việc che chắn, chằng chéo vật liệu, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới hạ tầng.

Việc cho phép thanh tra giao thông liên tục tuần tra, kiểm soát, dừng khẩn cấp các phương tiện vi phạm để ngăn chặn khẩn cấp, kịp thời các vi phạm là cần thiết để tránh tác động xấu đến đường bộ. Các cơ quan quản lý có thể xem xét ban hành thêm các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện, giám sát chặt chẽ hoạt động của lực lượng này nhằm tránh tiêu cực có thể phát sinh", luật sư Giáp bình luận.

Hoàng Linh