Tranh luận nảy lửa quanh việc cấm hay không phát ấn đền Trần

(Dân trí) - Không chỉ các lãnh đạo, các nhà quản lý chưa tìm ra câu trả lời cấm hay không cấm phát ấn đền Trần, mà bạn đọc cũng giằng co tranh luận, ai cũng đưa ra cái lí của mình.

Cái lý của phía không ủng hộ...

 

Nhiều độc giả cho rằng không thể lấy lí do tâm linh, truyền thống... để duy trì lễ hội này, bởi việc phát ấn trong cảnh chen lấn, xô đẩy sẽ làm mất đi sự tôn nghiêm của nơi đền chùa.

 

Bạn Nguyễn Hồng Hải - Nam - 49 tuổi - Từ Bắc Ninh nhận định:

 

Nói rằng cấm thì sẽ mất đi một phong tục là hoàn toàn không hiểu biết gì về lịch sử. Nhà Trần xưa không hề "phát ấn" cho ai cả. Ấn của Triều đình chỉ dùng để đóng vào những văn bản quan trọng, có đâu lại đóng bừa, phát bừa cho dân? Dấu của Chính phủ ta có đóng vào giấy phát cho mọi người cầm về ngắm được không? Bao nhiêu năm tôi sống ở Nam Định, Đền Trần hoàn toàn không có tục phát ấn. Chỉ từ ngày mở cửa, cùng với bao nhiêu thói xấu như mua quan bán tước, chạy chức chạy ghế...thì mới nảy ra "tục" này.

Nên coi đây là hủ tục và dẹp bỏ - chứ không phải là cấm - để trả lại sự tôn nghiêm cho Đền Trần. Ngày xưa, Linh từ quốc mẫu chỉ xin cho người quen một chân xã trưởng mà Đức ông Trần Thủ Độ còn yêu cầu chặt một ngón chân để phân biệt với những xã trưởng đàng hoàng khác, đâu có chuyện "ban phát" chức tước như ngày nay mà mơ tưởng
”.
 
Tranh luận nảy lửa quanh việc cấm hay không phát ấn đền Trần - 1

Cảnh hỗn loạn trong lễ xin ấn đền Trần năm 2011

 

P.P.Hà - Nam - 37 tuổi - Từ Hà Nội ủng hộ việc chấm dứt phát ấn:

 

Nên cấm vì lễ hội bị biến tướng quá mức, trở thành hủ tục mê tín dị đoan, không đi thì áy náy. Nên bài trừ những thứ đã bị biến tướng thành hủ tục nói trên, không phải cứ cái gì ngày xưa thì cũng nên giữ”.

 

Tôi thấy vấn đề ở đây đúng như tác giả nói, là do chữ LỢI. Ai được LỢI. Tại sao cái Lợi lại thuộc một số người... Không phải do ghen ăn ghét ở, nhưng theo tôi là nên cấm” - Trần Minh Hòa - Nam - 49 tuổi - Từ Bắc Ninh

 

Người ta bán ấn chứ có ai thấy phát ấn không.T ất cả là tiền hết” - Le Minh Tung - Nam - 25 tuổi - Từ Hà Nội

 

Càng ngày mê tín dị đoan của con người càng trở nên trầm trọng trong xã hội, không chỉ ở những người thiếu học hay người dân lao động, mà ở đủ mọi thành phần. Ở cả những người quyền cao chức trọng, những người làm công tác văn hóa, hô hào bài trừ mê tín dị đoan...Đi lễ hội không còn là nét đẹp văn hóa của người dân nữa rồi.

Vì vậy chẳng có phương án nào cải tiến được chuyện phát ấn tại Đền Trần nữa cả. Vì việc quản lý văn hóa, xã hội kém nên có lẽ mọi việc sẽ vẫn như vậy. Đến một lúc nào đó nó sẽ tự vỡ tung và tự thân mọi thứ xếp sắp lại...

 Tôi đã nhìn thấy dòng người xô đẩy ở đó như những lớp sóng trào khủng khiếp, không gì ngăn cản nổi. Không biết có những ai trở nên giàu sang phú quí sau những lần đi xin ấn Đền Trần không, còn tôi vẫn nhìn thấy thành phố Nam Định quê tôi trong khó khăn và kém phát triển
- Trần Hiền - Nam - 49 tuổi - Từ Bắc Ninh day dứt về những điều thật sự diễn ra.

 

... và lý lẽ của phía ủng hộ

 

Đó là những viện dẫn được phía ủng hộ đưa ra như:  lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống, đã để lại dấu ấn trong xã hội và người dân bao lâu nay rồi thì không thể cấm được. Và cũng không thể mang lí do người dân chen lấn, hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau để cấm đoán những nét đẹp văn hóa, phong tục lâu đời cha ông ta để lại.

 

Còn về vấn đề an ninh trật tự không được đảm bảo, đa phần đều cùng chung ý kiến. Đó là do ban tổ chức không làm triệt để, quản lý kém. Trước khi tổ chức bất kỳ một sự kiện nào, các ngành, các cán bộ chức năng...  cũng phải lên kế hoạch, chuẩn bị, tập dượt trước kỹ càng, phòng tránh cả những bất trắc xảy ra. Vấn đề lộn xộn như đã xảy ra, theo họ không quá khó để  khắc phục, vấn đề là ai cũng cần thực sự đặt cái tâm lên hàng đầu.  
 

Bày tỏ suy nghĩ của một người con đất Nam Định, anND - Nam - 35 tuổi - Từ Hà Nội viết:

 

...Bạn thử tham gia đến hết buổi phát ấn đi bạn sẽ thấy nét đẹp của hội Đền Trần!! Mình là con dân của Nam Định mình thấy đó là phong tục đẹp của dân ta từ xưa đến nay rồi. Vấn đề là ở chỗ phải quản lý thế nào cho khỏi hỗn loạn và ý thức của người dân thôi. Còn việc "chặt chém" trong lễ hội thì nơi đâu chẳng có, chẳng lẽ lại cấm hết tất cả lễ hội ở Việt Nam à??? Vậy thì còn đâu là nét đẹp của người Việt nữa bạn ơi!”.
 
Tranh luận nảy lửa quanh việc cấm hay không phát ấn đền Trần - 2

Công tác quản lý kém chính là nguyên nhân dẫn đế cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau trong lễ xin ấn đền Trầnđầu năm 2011? (nguồn ảnh: vov.vn)
 

Một bài viết rất hay, nói lên được tiếng nói khách quan của đại đa số người dân. Đây là 1 nét đẹp văn hóa, có từ nhiều đời nay... Không phải vì nó mà gây nên sự hỗn loạn, chen lấn ... mà do khâu tổ chức quá kém, cũng như do ý thức của từng người dân .... Đây là bài toán khó, rất khó nhưng mình nghĩ không có bài toán nào không có lời giải" ... Hy vọng BTC sẽ tìm ra được lời giải cho bài toán khó này” -  Trần Tiến Trung - Nam - 24 tuổi - Từ Nam Định

 

Nếu cấm thì VN sẽ mất một phong tục đẹp, như vậy không hay lắm. Cách giải quyết là tổ chức thật chu đáo, sao cho đảm bảo an toàn và đáp ứng cho tất cả người dân xin ấn. Được như vậy, việc chen lấn sẽ giảm đáng kể. Có thể phân theo nhóm phát ấn, xếp hàng đợi lượt, tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết quy trình phát ấn nề nếp...” - phung - Nam - 24 tuổi - Từ Nam Định

 

Tôi thấy lễ phát ấn Đền Trần là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, nhưng nhiều năm nay nét đẹp này nó đã bị biến tướng nên xảy ra tình trạng đó không có gì phải bàn cãi. Tôi nghĩ, cấm thì không được vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam rồi. Nên kéo dài thời gian phát ấn, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể đến xin phát ấn vào bất kỳ lúc nào. Còn đối với tôi, tôi cũng đồng tình với người viết” - Lê Văn Duy - Nam - 29 tuổi - Từ Hải Dương

 

Đây là 1 nét văn hóa tâm linh, cấm được sao? Tôi thấy rất có ý nghĩa. Chỉ là chính quyền chưa có biện pháp quản lý sao cho tốt thôi” - Lê Nga- Nữ - 25 tuổi - Từ Hà Nội

 

Theo tôi thì không có gì phải cấm cả. Phát ấn Đền Trần, và lễ hội đêm ngày 14 tháng Giêng là một nét đẹp của văn góa, là hình thức sinh hoạt cộng đồng...Còn ai nói nó là mê tín thì tùy vào người đó thôi. Đi lấy ấn chỉ là làm cho tâm thanh thản và tin tưởng vào công việc của mình định làm trong năm thôi. Nói chung là chúng ta cần phải tổ chức ra sao cho đúng ý nghĩa, mọi người đi tham gia lễ hội thấy thoải mái, vui vẻ, tránh lãng phí. "Tiền bán Ấn", theo tôi, thành phố Nam Định nên sử dụng vào mục đích từ thiện giúp dân nghèo trong tỉnh thì tốt nhất. Làm như vậy chắc các Vua Trần cũng thấy vui vì con cháu biết thương yêu và giúp đỡ nhau” - VinhQuang - Nam - 23 tuổi - Từ Hải Phòng

 

Chắc hẳn ai quan tâm đến nghi lễ phát ấn đền Trần, thì mới hiểu rõ được tính chất của nó và mới hiểu hết được sự cực nhọc của các nhà chức trách tỉnh Nam Định trong vấn đề quản lý và tổ chức.

Theo bản thân tôi, đây là một nét văn hóa đẹp, được coi như một truyền thống quý báu của dòng tộc họ Trần tỉnh Nam Định. Vậy tại sao phải bỏ? "Có thờ có thiêng. Có kiêng có lành" đó là những quan niệm sống từ xa xưa đến nay của người dân ta. Xin ấn cũng không ngoại trừ, nó là một tín ngưỡng văn hóa quý báu tại sao lại phải bàn đến việc bỏ hay không bỏ. Từ xưa đến nay trong cuộc sống, từ công cuộc giữ nước và dựng nước của ông cha ta cũng có biết bao khó khăn, vậy mà vẫn tháo gỡ được. Ví như đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi có được sự đồng lòng, có cách tổ chức và quản lý tốt, chúng ta vẫn tổ chức được. Vậy nên theo tôi, lễ hội khai ấn Đền Trần không nên bỏ. Chúng ta hãy tìm cách giải quyết cho thấu đáo, nếu không có lẽ chẳng mấy mà khắp đất nước sẽ mất hết những lễ hội truyền thống được nhân dân trong và ngoài nước biết đến” - Nguyễn Đức Dương - Nam - 39 tuổi - Từ Hà Nội chia sẻ quan điểm cùng lời kết:

 

Đúng như câu nói "Dễ vạn lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chúng ta hãy cùng nhau đóng góp và xây dựng cho đất nước ngày thêm tốt đẹp các bạn nhé”.

 

Chúng tôi xin mượn lời nickname Trai ý thành nam - Nam - 28 tuổi - Từ Nam Định để thay cho lời kết:

 

Tôi thấy câu: “Dễ vạn lần không Dân cũng chịu - Khó vạn lần Dân liệu vẫn xong” - (Thanh Tịnh) thật hay. Tại sao lãnh đạo tỉnh nhà vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán: Phát ấn Đền Trần, mà vẫn để mọi người đặt ra câu hỏi: phát ấn hay không phát ấn, thật là buồn. Mong rằng lãnh đạo tỉnh nhà sớm có hướng giải quyết để những người con quê hương Nam Định luôn tự hào về những giá trị truyền thống của quê nhà”.

 

Linh Nhã