Tránh gây sốc

(Dân trí) - Nội dung điều chỉnh tăng học phí trong "Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục đào tạo giai đoạn 2009 -2012" được xã hội quan tâm. Bởi một điều rất đơn giản, gia đình nào cũng có con đi học.

Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, chế độ học phí xây dựng từ năm 1998 đến nay chưa thay đổi nên không còn phù hợp với thực tiễn. Từ năm 2000 đến nay, mức tiêu dùng bình quân tăng 1,62 lần, nên giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 còn 62%.          

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất tăng học phí trong lúc này là không phù hợp. Trong giai đoạn kinh tế suy giảm, người dân đang gặp nhiều khó khăn thì Nhà nước cần có các biện pháp để "khoan sức dân". Chính phủ đề ra hàng loạt biện pháp kích cầu, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho nông dân vay tiêu dùng, chi ngân sách để đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn; vậy thì không nhất thiết thu thêm tiền học phí của người dân vào thời điểm hiện nay. Không chỉ bác Đề án tăng học phí, nhiều ý kiến còn đề nghị Nhà nước miễn học phí  đối với bậc THCS, đặc biệt ở khu vực nông thôn, người dân còn rất nghèo, cần miễn hoàn toàn  học phí để khuyến khích con em đi học.

Tất cả các ý kiến đều rất thuyết phục, nhưng có một điều cần phải tính đến, đó là ngân sách nhà nước quá hạn hẹp. Chỉ tính riêng việc miễn học phí bậc THCS thì mỗi năm nhà nước phải tăng chi khoảng 3.000 tỉ đồng cho ngành GD&ĐT. Nhà nước không đủ tiền để chi thường xuyên thì sẽ không đảm bảo cho ngành hoạt động, cụ thể là cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho việc dạy và học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đau đầu trước bài toán này. Tăng học phí thì sẽ khó có sự đồng thuận, nhưng nếu giữ ở mức cũ thì không thể tăng chất lượng. Nâng cao chất lượng giáo dục là điều mà cả xã hội đang quan tâm, Quốc gia đang mong chờ. Thực tế cho thấy chất lượng giáo dục VN rất thấp, đặc biệt là đào tạo đại học, chất lượng đại học VN có một khoảng cách xa đối với các nước trong khu vực. Chất lượng đào tạo đại học thấp thì nguồn nhân lực trình độ cao sẽ bị hạn chế, năng lực cạnh tranh của VN ngày càng kém so với các nước.

Một gia đình nghèo bao giờ cũng khổ trong tính toán để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Một quốc gia nghèo cũng phải tính toán tương tự. Giải pháp cho vấn đề này là lùi thời gian thực hiện Đề án đổi mới cơ chế tài chính đến niên học 2010 - 2011. Việc tăng học phí là cần thiết, nhưng vì phần lớn người dân còn nghèo nên chỉ tăng từ từ, từng giai đoạn thật phù hợp để tránh gây sốc.

Lê Chân Nhân