TP.HCM:

Tranh chấp đất thừa kế, người mua “lãnh đủ”!

(Dân trí) - Dù đã lập biên bản chia đất theo thỏa thuận nhưng sau đó bà Thu cho rằng mảnh đất rộng gần 2.000m2 chỉ thuộc thừa kế của chồng bà. Vụ việc càng rối hơn khi người mua phải mảnh đất thừa kế ấy “lãnh đủ” vì tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu.

Ký biên bản thỏa thuận chia đất, vẫn tranh chấp kiện tụng

Khu đất đang xảy ra tranh chấp.
Khu đất đang xảy ra tranh chấp.

Theo hồ sơ vụ việc, phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của vợ chồng ông Trương Văn Hai và bà Đặng Thị Sắn có diện tích hơn 1.900m2 tại số 614/53A tổ 2 (KP 1, phường Phước Long B, quận 9). Lúc sinh thời, ông Hai, và Sắn có 9 người con (3 người đã mất). 6 người con gồm Liếng, Lắm, Lem, Rồi, Út, Quý.

Sau khi vợ chồng ông Hai qua đời nhưng không để lại di chúc, vì vợ chồng ông Rồi, bà Thu ở cùng cụ Sắng trước đó nên anh chị em ông Rồi đã họp bàn, thống nhất giao nhà đất cho vợ chồng ông Rồi tạm thời quản lí. Năm 2000, ông Rồi mất cũng không có di chúc, bà Thu đứng ra thay chồng tiếp quản nhà đất.

Ngày 18/12/2002, tất cả con của vợ chồng ông Hai tổ chức họp gia đình và có thỏa thuận phân chia tài sản. Theo đó phần diện tích đất 1.907m2 mà bà Thu tạm quản lý trên được chia đều cho 6 người con thừa kế. Ngày 21/12/2002, những người đồng thừa kế cùng với cán bộ UBND phường Phước Long B đã tiến hành đo đạc và lập biên bản theo giấy thỏa thuận phân chia tài sản.

Ngày 18/12/2002, tất cả con của vợ chồng ông Hai tổ chức họp gia đình và có thỏa thuận phân chia tài sản.
Ngày 18/12/2002, tất cả con của vợ chồng ông Hai tổ chức họp gia đình và có thỏa thuận phân chia tài sản.

Sau đó, căn cứ vào giấy thỏa thuận phân chia tài sản và biên bản đo đạc đất, anh Quốc (con bà Liếng), bà Lem và bà Út đã chuyển nhượng phần đất thừa kế được chia cho ông Nguyễn Văn Mười. Còn ông Quý, bà Phiến, anh Định (con ông Lắm) chuyển nhượng phần đất thừa kế được chia cho ông Trần Linh Ngọc.

Mọi việc tưởng chừng đã rõ thì bất ngờ bà Thu (vợ ông Rồi) không đồng ý với bản thỏa thuận phân chia đất mà chính tay bà đã kí trước đó. Bà Thu một mực cho rằng phần đất mà vợ chồng ông bà Hai để lại là tài sản thuộc sở hữu riêng của chồng bà chứ không phải tài sản chung của các đồng thừa kế.

Hai bản án “đá nhau”, người mua đất “lãnh đủ”!

Hai bản án sơ thâm và phúc thẩm đá nhau khiến người mua đất lãnh đủ.
Hai bản án sơ thâm và phúc thẩm "đá nhau" khiến người mua đất "lãnh đủ".

Sau nhiều lần họp gia đình vẫn không thể giải quyết được bất đồng, bà Thu khởi kiện vụ án tranh chấp tài sản thừa kế của vợ chồng ông Hai để lại ra toà. Ngày 19/1/2017, TAND quận 9 đã có bản án sơ thẩm số 20/2017/DS-ST về việc tranh chấp quyền sử đất tại phần đất nêu trên. Theo đó tòa công nhận hợp đồng mua bán của ông Mười và ông Ngọc đối với các đồng thừa kế là ngay tình hợp pháp. Qua đó công nhận thỏa thuận của phân chia tài sản ngày 18/12/2002 của các đồng thừa kế.

Không đồng tình với quyết định của TAND quận 9, bà Thu kháng nghị. Ngày 11/12/2017, TAND TP.HCM có bản án phúc thẩm số 1117/2017/DSPT tuyên mảnh đất tranh chấp trên là của bà Thu và hủy hợp đồng sang nhượng đất của những đồng thừa kế đã bán cho ông Mười và ông Ngọc.

Theo ông Mười, ông Ngọc và các đồng thừa kế (bị đơn), bản án này có quá nhiều điều mâu thuẫn và thiếu căn cứ. Cụ thể, các đồng thừa kế đều khẳng định khi hai cụ mất đều không để lại di chúc và vợ chồng bà Thu chỉ là tạm đứng ra quản lý tài sản chứ không phải được cho vì ở đó có nhà thờ.

Ông Mười cho rằng, từ khi vợ chồng ông Hai, đến ông Rồi qua đời, các anh chị em ông Rồi không ai khiếu nại hay tranh chấp nhà đất. Điều đó không có nghĩa là vợ chồng ông Rồi và các con của hai ông bà có quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Hai, bà Sắng. Đó cũng không phải là căn cứ để xác định anh chị em ông Rồi từ bỏ quyền thừa kế.

“Thực tế chúng tôi đã nhận chuyển nhượng đất của các ông bà trên từ ngày 27/12/2002, trả tiền đầy đủ và nhận nhà đất, cho đến nay không hề có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng. Thế nhưng TAND TP.HCM lại cho rằng các hợp đồng này là vô hiệu. Tòa không giải quyết hết về hậu quả hợp đồng vô hiệu và tách để giải quyết bằng vụ án khác là thiếu trách nhiệm, bỏ qua quyền lợi chính đáng của chúng tôi”, ông Mười bức xúc nói.

Những người con của vợ chồng ông Hai cho biết: “Mảnh đất hương hỏa là mồ hôi, xương máu của bố mẹ chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh, theo vụ án tới cùng, đưa sự thật ra ánh sáng để bố mẹ dưới suối vàng được yên lòng”.

Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã tiếp nhận vụ việc.
Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã tiếp nhận vụ việc.

Đáng chú ý, trong quá trình giải quyết vụ án, những đồng thừa kế đã có đề nghị công nhận các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ông Mười và ông Ngọc. Thế nhưng việc này đã không được tòa cấp phúc thẩm xem xét. Ông Mười cho rằng tòa có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của đương sự trong vụ án.

Đại diện Viện KSND TP.HCM nhận định, căn cứ giấy thỏa thuận ngày 18/12/2002 và biên bản đo đạc ngày 21/12/2002 nên bên bán đã lập hợp đồng sang nhượng đất cho ông Mười, ông Ngọc. Do đó để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên thứ 3 ngay tình và tính ổn định, cần bác yêu cầu kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm là công nhận những hợp đồng chuyển nhượng trên.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm