Tránh bị động trong trong phòng chống bão lũ

Những ngày gần đây, người dân cả nước hướng về Miền Trung ruột thịt đang bị thiên tai tàn phá nặng nề. Biết bao cảnh đời cơ cực đang cần được giúp đỡ và để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, cần có tầm nhìn xa hơn.

Ngời sáng tinh thần trách nhiệm và tình nhân ái

Dân ca Nghệ - Tĩnh có câu: “Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu rõ lòng nhau”. Trong tang thương mùa lũ, sáng ngời lên tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến địa phương và những tấm lòng nhân ái của người Việt xa gần, trong mọi miền Tổ quốc và kiều bào nước ngoài.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Khi cơn lũ vừa mới bắt đầu, các vị lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã đi đến với người dân vùng lũ, chỉ đạo các cơ quan chức năng, huy động lực lượng để chống lũ, cứu người và tài sản, hỗ trợ người dân.

Các chiến sĩ công an, quân đội, các đoàn viên thanh niên không quản ngại gian khó, xông pha trong lũ cứu dân.

Chiến sĩ Đoàn Trọng Giáp, Bộ CHQS Hà Tĩnh đã hi sinh trong khi giúp dân tránh lũ. Các phóng viên báo chí cũng nhanh chóng tiếp cận địa bàn, kịp thời thông tin diễn biến thiên tai.

Biết bao câu chuyện cảm động quên mình cứu người của người dân vùng lũ. Có người bơi trong mưa lạnh, nước lũ nhiều giờ liền để cứu người, mặc cho tài sản của mình bị lũ cuốn. Có người trắng đêm chèo thuyền vớt người bị nạn.    

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến những vùng khó khăn nhất của hai tỉnh để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lụt bão, trực tiếp trao hàng cứu trợ người dân.

Trước mắt, Chính phủ đã hỗ trợ Hà Tĩnh và Quảng Bình  mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng. Kiều bào về dự đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã quyên góp 400 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung.

Khúc ruột miền Trung nhói đau, tấm lòng cả nước hướng về lo toan, giúp đỡ. Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gom góp tiền, lương thực, hàng hoá, quần áo, thuốc men…gửi về giúp người dân gặp nạn, hoặc trực tiếp về trao tận tay bà con.

TPHCM hỗ trợ đồng bào Quảng Bình 2 tỷ đồng. Thừa Thiên-Huế, mặc dù cũng bị lũ lụt tàn phá nhưng đã ủng hộ đồng bào Quảng Bình 300 triệu đồng. Ông Phan Văn Tý, Việt kiều ở Australia đã ủng hộ nhân dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh hơn 300 trăm suất quà với tổng trị giá 100 triệu đồng.

Sự ủng hộ của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dù sao cũng chỉ bù đắp được một phần nhỏ so với thiệt hại do thiên tai gây ra. Khó khăn của đồng bào vùng bị lũ hiện vẫn còn vô cùng lớn, rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa, kể cả từ các tổ chức quốc tế.  

Cần có kế hoạch dài hơi, chủ động đối phó với thiên tai

Trong chuyến công tác tại Quảng Bình chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt ngày 9/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Quảng Bình cũng như các địa phương trong cả nước ứng phó trước biến đổi khí hậu cần xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đợt lũ này là bài học xương máu cần rút kinh nghiệm.

Một điều dễ nhận thấy là lũ lụt tuy bất ngờ, song cũng đến đúng mùa, lại tấn công vào những vùng đã quen thuộc. Do đó, nếu các địa phương chủ động hơn, sẽ giảm được đáng kể thiệt hại, nhất là về người.

Ở những vùng thường xuyên bị thiên tai, thiết nghĩ nên có những dự án xây nhà kiên cố, hoặc các công trình tránh thiên tai kiên cố cho người trú ẩn. Các công trình đường sá, công trình công cộng ở các vùng này phải được xây dựng rất vững chắc.

Tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh hiện đang triển khai dự án sống chung với lũ cho người dân với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Có thể tính đến phương án di dời dân ra khỏi những vùng thường xuyên bị thiên tai, có nguy cơ thiệt hại về người cao. 

Một vấn đề đã được nhiều người đề cập, là cần chặn từ gốc các nguyên nhân gây lũ: trồng cây gây rừng, ngăn chặn phá rừng, quy hoạch, quản lí tốt các nhà máy thuỷ điện, các công trình thuỷ lợi.

Nước lũ đến rất nhanh, cuốn theo hàng ngàn m3 gỗ cho thấy rừng Hà Tĩnh, Quảng Bình đã bị tàn phá nặng nề. Lại thêm việc các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi xả lũ đúng lúc nước đang dâng cao càng làm thiệt hại thêm nặng nề.

Phòng chống thiên tai, nếu bị động thì dù có cố gắng đến mấy cũng không tránh khỏi những thiệt hại lớn.      

Trần Quang Đại

                                     Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Những năm gần đây, thiên tai diễn ra  ngày càng khốc liệt và cảnh tượng tàn phá nặng nề mới đây đã ập đến hai tỉnh miền trung là Quảng Bình và Hà Tĩnh vốn còn nhiều khó khăn.

Với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, nhân dân cả nước đã và đang hướng về “khúc ruột”  miền trung  để sẻ chia với ý thức “lá lành đùm lá rách” , đóng góp bằng nhiều hình thức mong làm giảm bớt nỗi đau và sự mất mát cả người và tài sản qua trận lũ lụt vừa mới đây.

Nhưng dù sao đấy mới chỉ là những biện pháp cần thiết trước mắt mà còn phải nghĩ tới những biện pháp phòng ngừa một cách cơ bản, lâu dài nhằm làm giảm nhẹ thiên tai, đồng thời có biện pháp “sống chung” với lũ lụt và thiên tai đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là đối với những nơi thường phải gánh chịu những hại nặng nề.

Điều đó không chỉ cần thiết đối với Quảng Bình và Hà Tĩnh mà còn là yêu cầu thiết thân của nhiều vùng thường phải gánh chịu thiên tai nặng nề.