Trách nhiệm thuộc về ai khi các tòa nhà cao tầng xảy liên tiếp ra cháy nổ tại thủ đô?

(Dân trí) - Nhiều câu hỏi về công tác phòng cháy và chữa cháy hiện nay tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô. Luật sư nói về trách nhiệm cụ thể của cá nhân khi để xảy ra cháy nổ.

Tình trạng cháy nổ diễn ra thường xuyên tại các khu chung cư cao tầng khiến người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng rất lo lắng. Như mới đây, trường mầm non tại tầng 3 của tòa chung cư cao 25 tầng ở đường Nguyễn Chánh (phường Trung Hòa, Cầu Giấy – Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy hiện nay tại các tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô, Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú – Trưởng VPLS Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) xung quanh vấn đề này:

Thưa ông, thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy nổ, hỏa hoạn tại các khu chung cư cao tầng. Lực lượng PCCC cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận và dập tắt các đám cháy. Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi các quy định về phòng cháy chữa cháy và công tác phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn tại các khu chung cư cao tầng hiện nay?

Về quy định pháp luật, chúng ta đã có Luật phòng cháy, chữa cháy được sửa đổi 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bộ khung pháp lý đã hoàn thiện nhưng việc thực thi trên thực tiễn còn rất nhiều bất cập.

Ví dụ, trong xây dựng các tòa nhà cao tầng, các vi phạm về điều kiện thoát nạn, thiếu phương tiện PCCC, các vi phạm về quản lý, sử dụng điện (nguyên nhân dễ dẫn đến cháy, nổ) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ngay cả các tòa nhà cao tầng, chung cư hiện đại khi tiến hành kiểm tra thì vẫn phát hiện các lỗi sai phạm này.

Lực lượng PCCC tại chỗ khi được thành lập thì theo quy định phải được bồi dưỡng, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC theo định kỳ, thế nhưng một số khu chung cư chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Đội PCCC cơ sở được thành lập nhưng chưa được huấn luyện, bồi dưỡng bổ sung, dẫn đến nghiệp vụ yếu, lúng túng khi có hỏa hoạn xảy ra. Cán bộ công nhân viên làm việc tại tòa nhà cũng như người dân sống tại đây chưa được chủ đầu tư quan tâm để tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền những kiến thức cơ bản về PCCC nên không thể chủ động khi có hỏa hoạn xảy ra, còn tỏ ra thụ động.

Về phương tiện phòng cháy chữa cháy tại cơ sở. Một số chung cư khi trang bị, lắp đặt phương tiện PCCC đã không thực hiện đúng theo thiết kế đã được thẩm duyệt trước đó, cắt bớt hạng mục, hoặc trang thiết bị không đảm bảo số lượng, chủng loại theo quy định cho nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PCCC. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng PCCC đến thì nhiều khi đã muộn, do đó, cần xem trọng hoạt động PCCC tại chỗ.

Tôi cho rằng xuất phát từ tâm lý chủ quan nên các tòa nhà, khu chung cư cao tầng chưa coi trọng hoạt động này, trong thời gian tới cần thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ PCCC tại chỗ để đảm bảo công tác phòng và chữa cháy. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCC tại các chung cư cao tầng, đặc biệt cần thực hiện việc không lấn chiếm, cơi nới các hành lang, lối đi thoát nạn để hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.


Đám cháy diễn ra sáng 29/11 xảy ra tại bể bơi nằm trên nóc của một tòa nhà 4 tầng, sát tòa nhà CT1 Khu đô thị Xa La. (Ảnh: CTV)

Đám cháy diễn ra sáng 29/11 xảy ra tại bể bơi nằm trên nóc của một tòa nhà 4 tầng, sát tòa nhà CT1 Khu đô thị Xa La. (Ảnh: CTV)

Khi xảy ra liên tiếp hai vụ cháy tại Bán đảo Linh Đàm vào trung tuần tháng 09/2016, chúng ta phát hiện rằng một số chung cư khi chưa được nghiệm thu theo quy định của pháp luật về phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã đưa vào hoạt động, tổ chức bán cho các hộ dân, cho các hộ dân vào ở gần như kín dẫn đến những hiểm họa khó lường khi có hỏa hoạn xảy ra. Chủ đầu tư đưa ra lý do là người dân cần nhà để ở ngay để giảm chi phí và ổn định cuộc sống nên buộc phải cho người dân vào ở khi chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì chúng ta cần có cơ chế kiểm soát việc bàn giao nhà chung cư cho người mua vào ở; chỉ khi đảm bảo các điều kiện về môi trường sống, an toàn cho sức khỏe tính mạng cư dân, đảm bảo an toàn PCCC và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường thì cơ quan quản lý mới cho phép chủ đầu tư thực hiện việc bàn giao nhà chung cư cho người mua.

Mật độ xây dựng khu chung cư cũng là vấn đề đáng bàn, các tòa nhà chung cư cao tầng nằm sát nhau dẫn đến gia tăng mật độ dân số cơ học quá cao tập trung vào một địa bàn gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, khi xẩy ra sự cố gây tâm lý hoang mang dễ dẫn tới thảm họa khó kiểm soát; đồng thời nếu xảy ra hỏa hoạn vào giờ cao điểm thì lực lượng PCCC khó có thể tiếp cận khu vực cháy, chưa kể các tòa nhà chung cư cao tầng ở sát nhau dẫn đến hoạt động chữa cháy khó thể thực hiện được nếu cháy ở các tầng cao. Do đó, quan điểm của tôi là cần xem lại công tác quy hoạch đô thị của chúng ta hiện nay để đảm bảo hài hòa cảnh quan, an toàn môi trường sống, lợi ích người dân và lợi ích chung của xã hội.


Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Theo Luật sư, việc xây dựng trường mầm non tại tầng 3 khu chung cư liệu có đúng quy định của pháp luật và đảm bảo việc nuôi dạy và an toàn cho trẻ không, thưa ông?

Theo Quyết định 14/2008/QĐ-BGDĐT về Điều lệ trường mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và Thông tư số 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư thì việc xây dựng trường mầm non trong khu chung cư cao tầng là không bị cấm. Tuy nhiên, phải đáp ứng các điều kiện về diện tích tối thiểu cho mỗi trẻ, đảm bảo không gian xanh, không gian giao dục, khu vui chơi cho trẻ; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cháy nổ.

Đối chiếu với vụ việc cháy nhà trẻ tại tầng 3 tòa nhà 25 tầng vừa rồi, cơ quan chức năng cần kiểm tra nguyên nhân gây ra vụ cháy, công tác phòng cháy, chữa cháy trước đó của nhà trẻ này và đồng thời kiểm tra không gian xây dựng nhà trẻ tại tầng 3 tòa nhà này có đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT để là địa điểm mở trường mầm non hay không, từ đó có biện pháp xử lý nếu phát hiện ra sai phạm.

Cảm ơn luật sư!

Phạm Thanh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm