Trách nhiệm của nhà trường ra sao khi cây phượng đổ đè vào 4 học sinh

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây đổ thuộc về đơn vị nào và việc chăm sóc đã đúng quy trình, tiêu chuẩn an toàn hay chưa.

Sáng 10/1, học sinh lớp 5G trường Tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tập thể dục gần gốc cây phượng thì cây bất ngờ gãy đổ khiến 4 học sinh bị thương. Chiều cùng ngày, lãnh đạo Phòng Giáo dục TP Tuy Hòa cho biết sau khi được đưa đi cấp cứu, 2 em thương tích nhẹ được bệnh viện cho về còn 2 em thương tích nặng được nhập viện để điều trị.

Trường hợp này, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, nhà trường có thể phải chịu trách nhiệm ra sao với các học sinh dưới góc độ pháp lý?

Trách nhiệm của nhà trường ra sao khi cây phượng đổ đè vào 4 học sinh - 1

Gốc cây phượng bị mục, rỗng (Ảnh: Minh Hằng).

Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), đây là sự việc đáng tiếc, gây thiệt hại về sức khỏe đối với các em học sinh. Dưới góc nhìn pháp lý, theo Bộ luật Dân sự 2015, đây được coi là thiệt hại ngoài hợp đồng, việc xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ tuân theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật này.

Cụ thể, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu tài sản phải bồi thường.

Việc miễn trừ trách nhiệm bồi thường chỉ được áp dụng trong 2 trường hợp, đó là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Ngoài ra, nếu các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác thì sẽ tuân theo những thỏa thuận, quy định này.

Đối với vụ việc trên, vấn đề quan trọng là cần xác định cây có thuộc sở hữu của nhà trường hay không. Nếu có và tình huống cây đổ không được coi là sự kiện bất khả kháng, trường Tiểu học Lạc Long Quân có trách nhiệm bồi thường cho các em học sinh theo quy định của pháp luật.

Còn theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM), ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà trường, cần đề cập thêm tới tình huống nhà trường thuê đơn vị bên ngoài, có chuyên môn về cây xanh để chăm sóc, quản lý. Nếu giả thiết này xảy ra, cần làm rõ nội dung hợp đồng giữa các bên quy định ra sao về nghĩa vụ kiểm tra, giám sát của đơn vị này cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên đối với những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.

Nếu đơn vị quản lý đã làm đúng và việc cây đổ không phải lỗi của họ thì cần xem xét có thỏa thuận về trách nhiệm liên đới bồi thường của đơn vị với nhà trường nếu xảy ra sự kiện pháp lý làm phát sinh thiệt hại hay không. Nếu đơn vị không hoàn thành trách nhiệm, yếu tố lỗi thuộc về công ty này, họ sẽ phải bồi thường đối với phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

"Cần làm rõ quá trình trồng và chăm sóc cây đã đảm bảo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn hay chưa để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc này. Từ căn cứ này, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định yếu tố lỗi, mức độ thiệt hại do yếu tố lỗi đó gây ra.

Trường hợp sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc phải bồi thường dân sự, người có trách nhiệm liên quan còn có thể bị xem xét trách nhiệm về mặt hình sự", luật sư Hùng bình luận.

Hoàng Diệu