TP.HCM: Không chịu thi hành án, Quận 2 đi ngược bản án phúc thẩm

(Dân trí) - Mặc dù tòa phúc thẩm tuyên thắng kiện, được quyền liên hệ với Ban Bồi thường quận 2, TPHCM để nhận tiền hoặc hưởng tiêu chuẩn về tái định cư, tuy nhiên, đã 2 năm qua, bà Nguyễn Thị Mai vẫn bị Ban Bồi thường từ chối vì… người ở nhờ không chịu bàn giao mặt bằng.

Ở nhờ rồi… chiếm đoạt nhà

Ngày 17/6/2013, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM có bản án số 200/2013/DS-PT tuyên: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mai; xác định bà Mai được quyền sở hữu tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đối với nhà và đất tại địa chỉ số 422/32 bis tổ 25, ấp 3, phường An Lợi Đông, quận 2 với số tiền là 3,6 tỷ đồng và tiền lãi hoặc bà Mai được hưởng tiêu chuẩn về tái định cư theo quy định pháp luật nếu không nhận tiền theo chính sách tái định cư và hỗ trợ tái định cư. Tòa phúc thẩm cũng chấp thuận cho bà Mai được liên hệ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 2 để nhận tiền hoặc hưởng các chính sách nói trên”.

Bà Nguyễn Thị Mai mỏi mòn chờ nhận bồi thường nhưng vẫn bị từ chối vì vướng bàn giao mặt bằng.

Bà Nguyễn Thị Mai mỏi mòn chờ nhận bồi thường nhưng vẫn bị từ chối vì vướng bàn giao mặt bằng.

Sau khi nhận được bản án, bà Mai liên hệ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 2 (gọi tắt: Ban Bồi thường) để nhận tiền theo nội dung bản án đã tuyên nhưng Ban Bồi thường không chi trả với lý do, bà Mai chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, bà Mai không có quản lý, sử dụng căn nhà này. Hiện căn nhà này do bị đơn là bà Lê Thị Yến chiếm giữ bất hợp pháp. Trước đó, bà Mai cho gia đình bà Yến ở nhờ nhưng bà Yến không chịu bàn giao lại.

Không còn cách nào khác, bà Mai làm đơn đề nghị Cục Thi hành án Dân sự TPHCM thi hành bản án nói trên.

Ngày 10/12/2013, Cục THADS TPHCM ban hành Quyết định thi hành án số 858/QĐ-CTHA với nội dung như bản án phúc thẩm, yêu cầu bà Mai liên hệ với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 để nhận tiền bồi thường.

Cầm tờ Quyết định này, bà Mai tiếp tục liên hệ với Ban Bồi thường để yêu cầu chi trả tiền bồi thường nhưng vẫn nhận được câu trả lời là phải bàn giao nhà hoặc chờ cưỡng chế, đồng thời cho bà Mai biết là UBND quận 2 không có quyền cưỡng chế bàn giao mặt bằng này.

Bà Mai liên hệ với cơ quan thi hành án, thì cơ quan này cho biết trong bản án không tuyên nội dung này nên cũng không có thẩm quyền để cưỡng chế căn nhà nói trên để bàn giao mặt bằng.

Căn nhà bà Mai đã bị chiếm đoạt sau khi cho người khác ở nhờ.

Căn nhà bà Mai đã bị chiếm đoạt sau khi cho người khác ở nhờ.

Ban Bồi thường quận 2 đổ lỗi cho TAND Tối cao?

Ngày 24/11/2014, bà Mai đến Ban Bồi thường để tiếp tục đề nghị chi trả tiền bồi thường. Tại Biên bản làm việc lập cùng ngày, Ban Bồi thường có ý kiến: “Do Bản án số 200/2013/DS-PT chưa đề cập đến đối tượng phải bàn giao mặt bằng… Mặc dù Cục THADS TPHCM đã có Công văn số 5263/CTHA ngày 7/3/2014 về yêu cầu thi hành Bản án số 200/2013/DS-PT nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để UBND quận 2 thu hồi mặt bằng và chi trả tiền cho bà Mai. Do đó, UBND quận 2 đã có Công văn 1651/UBND ngày 22/5/2014 và Công văn số 4334/UBND-BTT ngày 3/11/2014 về đề nghị Toà Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM giải thích rõ đối tượng phải thực hiện bàn giao mặt bằng …”.

Ngày 2/12/2014, Toà phúc thẩm - TAND tối cao có Công ăn 1120/2014/TPT-NV phúc đáp các công văn của UBND quận 2. Theo đó, Toà Phúc thẩm nhận định: “Đến thời điểm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này thì diện tích đất và nhà trên đã bị thu hồi, giải toả theo quy hoạch của Thành phố…nên cấp phúc thẩm không buộc bà Lê Thị Yến trả lại nhà và đất mà xác định bà Mai được quyền sở hữu số tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư là phù hợp pháp luật và thực tế khách quan của vụ án”.

Căn nhà bà Mai đã bị chiếm đoạt sau khi cho người khác ở nhờ.

Quyết định thi hành án của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TPHCM công nhận quyền, lợi ích hợp pháp của bà Mai.

Công văn của Toà Phúc thẩm cũng cho biết, Chánh án TAND tối cao đã có công văn xác định Toà Phúc thẩm xét xử đúng pháp luật, không có cơ sở để kháng nghị trước khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm của bị đơn, bà Yến. Việc bà Lê Thị Yến cùng chồng chiếm giữ nhà và đất số 422/32 bis ấp 3, phường An Lợi Đông là bất hợp pháp. Cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế theo luật định.

Cầm công văn của tòa phúc thẩm, bà Mai lại gõ cửa Ban Bồi thường thì nhận được câu trả lời là vẫn chưa thể giải quyết được vì: “Công văn 1120/2014/TPT-NV của Toà phúc thẩm - TAND tối cao cũng chưa đủ cơ sở để thực hiện và Ban Bồi thường sẽ tiếp tục làm Công văn xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của UBND TPHCM để có cơ sở giải quyết”.

“Tôi nghĩ đến nước này thì có vẻ như vụ việc sắp đi vào bế tắc, vì UBND quận 2 sẽ tiếp tục tìm hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn việc thi hành án”, bà Mai rầu rĩ nói.

Có dấu hiệu trì hoãn thi hành án

Trao đổi với Dân trí, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, gần 1 năm sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, UBND quận 2 mới có Công văn gửi toà án xin giải thích bản án là thể hiện sự tắc trách. Khi đã có Công văn giải thích rõ ràng của toà án mà vẫn tìm lý do khác để trì hoãn việc thi hành án là hành vi vi phạm pháp luật.

Nhà và đất số 422/32 bis ấp 3, phường An Lợi Đông mà bà Lê Thị Yến cùng chồng chiếm giữ được toà phúc thẩm xác định là bất hợp pháp. Nên có đủ căn cứ để các cơ quan chức năng cưỡng chế và xử lý theo quy định đối với hành vi chiếm giữ nhà đất bất hợp pháp.

Công văn giải thích bản án của TAND tối cao cũng chưa làm UBND quận 2 thỏa mãn.

Công văn giải thích bản án của TAND tối cao cũng chưa làm UBND quận 2 thỏa mãn.

Có cơ sở để xác định hành vi chiếm giữ nhà bất hợp pháp của bà Lê Thị Yến có dấu hiệu của Tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” quy định tại điều 270 Bộ luật Hình sự hoặc Tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại điều 141 Bộ luật này.

Do đó, cơ quan đầu tiên có trách nhiệm là UBND quận 2 cần yêu cầu bà Lê Thị Yến di dời khỏi căn nhà và giao trả mặt bằng cho nhà nước. Nếu bà Yến không giao thì tuỳ theo tính chất, mức độ để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kèm theo biện pháp cưỡng chế hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an giải quyết.

Đối với số tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư mà bà Nguyễn Thị Mai thuộc quyền sở hữu, theo phán quyết của Bản án phúc thẩm và Quyết định thi hành án có hiệu lực thi hành đề nghị UBND chi trả cho bà Mai vô điều kiện. Vì việc bàn giao mặt bằng không còn là trách nhiệm của bà Mai và do người khác đang chiếm giữ bất hợp pháp.

“Xem lại tổng quan quá trình giải quyết vụ việc này, chúng tôi nhận thấy việc UBND quận 2- Ban bồi thường cố tình trì hoãn việc thi hành án– chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho bà Nguyễn Thị Mai là thiếu căn cứ. Nếu có cơ sở xác định người có thẩm quyền cố ý không thi hành quyết định thi hành án thì đề nghị xem xét xử lý theo điều 305 Bộ luật Hình sự về Tội Không thi hành án”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.

Công Quang