TPHCM: Khách hàng lâm nạn vì nhà hàng chối bỏ trách nhiệm

(Dân trí) – Một bạn đọc gửi đơn đến Dân trí phản ánh, khi đi ăn ở nhà hàng Soho thì bị mất xe SH. Tuy nhiên, chủ Soho đã từ chối trách nhiệm đền bù bằng cách “đá” sự việc cho Công ty bảo vệ Hùng Bá – đơn vị mà Soho thuê trông giữ xe.

Đơn thư gửi đến Dân trí, anh Huỳnh Đăng Khoa cho biết, khoảng 19h30 ngày 19/5, anh chạy chiếc xe SH150 mới mua vào nhà hàng Soho - 185 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TPHCM. Có lấy vé xe nhưng đến 21h30 anh Khoa ra lấy xe, thì nhân viên giữ xe báo mất.

Nhà hàng Soho đã đẩy trách nhiệm đền bù xe cho anh Khoa qua Công ty bảo vệ Hùng Bá. Soho cho rằng đã ký hợp đồng với bên công ty bảo vệ thì khi xảy ra mất xe, Công ty Hùng Bá chịu trách nhiệm thương lượng, đền bù.

Ngày 21/5, Công ty Hùng Bá ký thỏa thuận đền bù 100% giá trị của xe nhưng mãi đến ngày 1/6 thì “phủi” lời hứa.  

Do trong phiếu giữ xe có ghi tên, địa chỉ của Công ty bảo vệ Hùng Bá nên ông Hùng Kim Hỷ - Trưởng phòng tổng hợp Công ty Phú Nam An – đơn vị chủ quản chuỗi nhà hàng SoHo cho rằng việc gửi xe là giao dịch giữa anh Khoa và Công ty Hùng Bá. “SoHo bỏ khoảng tiền 40 triệu/tháng để thuê bảo vệ giữ xe, giữ xe không lấy tiền. Trên phiếu giữ xe ghi rõ là Công ty Hùng Bá, nhân viên của Công ty Hùng Bá nên khi mất Công ty Hùng Bá phải có trách nhiệm bồi thường. SoHo chỉ đồng hành cùng anh Khoa với tư cách người làm chứng”, ông Hỷ cho biết.
TPHCM: Khách hàng lâm nạn vì nhà hàng chối bỏ trách nhiệm - 1
Dù phiếu xe là của Công ty Hùng Bá nhưng Soho không thể chối bỏ trách nhiệm
với khách hàng (Ảnh: Công Quang).

Cũng như anh Khoa, nhiều bạn đọc thắc mắc trong tình huống này thì đơn vị nào có trách nhiệm bồi thường. Nếu khởi kiện, thì đối tượng để khởi kiện là Công ty Hùng Bá hay Soho?... Để rộng đường dư luận, chúng tôi trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM, giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Luật):

Tại nhà hàng Soho có nhận giữ xe cho khách. Ông Khoa đến và gửi xe tại nhà hàng Soho và có vé gửi xe (có phí hay không phí đều có giá trị pháp lý tương đương). Chiếc vé là căn cứ chứng minh một “hợp đồng gửi giữ tài sản” giữa nhà hàng Soho (bên giữ) và khách (bên gửi). Vì đây là một hợp đồng không trái pháp luật nên khi chiếc xe bị mất, Soho phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng với giá trị chiếc xe của ông Khoa theo hóa đơn là 117 triệu đồng. 

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì ông Khoa có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường (theo khoản 3 Điều 605 BLDS)

Việc Soho viện dẫn hợp đồng đã kí kết giữa Soho và công ty Hùng Bá, không thể làm mất đi trách nhiệm của Soho trong việc bồi thường giá trị của chiếc xe cho ông Khoa. Vì Soho là bên cung cấp dịch vụ bán giải khát cùng với nhiệm vụ giữ xe cho khách hàng của mình còn công ty Hùng Bá chỉ là bên được thuê để thực hiện công việc đó. Do đó, Soho có trách nhiệm bồi thường cho ông Khoa và chỉ sau khi bồi thường, Soho và Hùng Bá thỏa thuận giải quyết với nhau theo hợp đồng giữa 2 bên.

Căn cứ pháp lý

- Điều 559 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005:“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”. 

- Khoản 4 điều 562 BLDS năm 2005 quy định:“Bên giữ tài sản có nghĩa vụ phải bồi thường thiêt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng

- Khoản 2 điều 561 BLDS nêu rõ:“Bên gửi giữ tài sản có các quyền sau đây: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”

- Khoản 3 Điều 605 BLDS:“Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

Người đại diện pháp lý của Công ty Hùng Bá cho rằng giấy tờ xe mang tên của bà Đỗ Thị Hồng Loan (chị bà con của ông Khoa) nên các thỏa thuận đã ký trước đây giữa ông Khoa và Công ty Hùng Bá là không có cơ sở để bồi thường. Về vấn đề này, luật sư Công khẳng định: “Mặc dù ông Khoa không phải là người đứng tên chủ sở hữu nhưng do ông Khoa đang sử dụng, bảo quản, chiếm hữu tài sản (chiếc xe SH) một cách công khai, minh bạch nên ông Khoa được xem là người chiếm hữu công khai và được quyền nắm giữ và quản lý tài sản (theo Điều 182 và Điều 191 BLDS). Do đó, ông Khoa có đủ tư cách để đứng ra đòi bồi thường và giải quyết các tranh chấp có liên quan. Nếu cần thiết bà Loan (chị họ ông Khoa) có thể ủy quyền toàn bộ cho ông Khoa”.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 191 BLDS : “Việc chiếm hữu tài sản được coi là công khai khi thực hiện một cách minh bạch, không giấu diếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình”

- Điều 182 BLDS : “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ và quản lý tài sản”

Thiết nghĩ, đây là việc giữa anh Khoa và Soho vì anh Khoa vào quán Soho sử dụng dịch vụ của Soho. Còn Soho thuê Hùng Bá bảo vệ là chuyện của Hùng Bá và Soho. Trước mắt Soho phải giải quyết đền bù cho khách hàng chứ không phải “đá” trách nhiệm cho Hùng Bá.

Công Quang