Tốt xấu tại phần trăm?

Vào dịp cuối năm, đây đó lại rộ lên chuyện tổng kết bình bầu. Nhiều nơi bàn tính tỷ lệ lao động tiên tiến, lao động xuất sắc 70% hay 80%, rồi mấy chiến sĩ thi đua... Đã nhiều năm vẫn làm như vậy. Cái tỉ số phần trăm định ra theo cảm tính để lấy “thành tích” ấy, đâu có dựa trên số liệu điều tra, hay có tiêu chí rõ ràng gì?!

Cái gương tầy liếp đã bộc lộ ở ngành giáo dục về cái tỷ lệ học sinh thi trúng tuyền hoặc lên lớp. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân không cần bắt mạch mà gọi đúng căn bệnh - Bệnh thành tích!

 

Còn chuyện bình bầu theo tỷ lệ phần trăm theo sự áp đặt của lãnh đạo cấp trên khiến một tập thể dù không có thành tích gì đáng kể cũng phải cố mà nặn ra “thành tích” và giơ tay bầu ra tới 70-80 % lao động tiên tiến, xuất sắc, rồi cả chiến sĩ thi đua… nhiều khi người xấu cũng trở thành người tốt do phần trăm đã ấn định rồi. Ngược lại, cũng có tập thể có thành tích thật sự nhưng bị cái tỷ lệ áp đặt khống chế, thành ra có những người bị thiệt thòi.       

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Cách bình bầu nói trên là hết sức hình thức chủ nghĩa, làm theo kiểu a dua, giơ tay theo nhau để bình bầu  tốt xấu. Đến những người xét duyệt thì theo danh sách cơ sở, rồi cũng cảm tính bút phê là xong. Đã ai dám chỉ rõ ở đấy có anh A, chị B có thành tích gì mà bầu, hay ở đơn vị đó có mấy lần không hoàn thành nhiệm vụ mà tỷ lệ xuất sắc cao thế...

 

Tỷ lệ phần trăm bình bầu danh hiệu này, danh hiệu kia là do những người lãnh đạo đặt ra mà họ thì nghiễm nhiên ở cái phần trăm tốt rồi (hoạ chăng chỉ loại trừ những người có khuyết điểm nghiêm trọng mà ai cũng biết). Thế là đương nhiên số quần chúng lao động chia nhau lãnh đủ - cái số phần trăm không tốt.

 

Chuyện đã có bộ phận ở cơ quan kia phản ứng bằng cách - vẫn thực hiện cái tỷ lệ phần trăm ấy nhưng chia lượt để được nêu danh. Năm nay anh (hay chị) được thì sang năm người khác, bất luận là anh tốt xấu thế nào... Trớ trêu là anh (hay chị) chỉ được cái danh thôi, còn  tiền thưởng lấy về lại được chia đều.

 

Vậy là tốt xấu lẫn lộn. Cuộc sống cứ làng nhàng người người nhìn nhau tỏ thái độ thờ ơ, xen lẫn vẻ coi thường mà chẳng ai dám nói ra.

 

Đã đến lúc phải nhìn nhận cách đánh giá theo kiểu  phần trăm từ cấp trên ấn xuống, nó tai hại đến vô chừng. Nó chính là nguyên nhân thủ tiêu phong trào thi đua, ngại phê bình, đấu tranh, sống giả tạo, biến con người trở thành vô cảm với cuộc sống xã hội.

 

Đoan Chính

 

LTS Dân trí - Phong trào thi đua lao động sản xuất vốn là phong trào lành mạnh cũng giống như phong trào thi đua “Hai tốt” trong ngành giáo dục, nhưng sau này do căn bệnh hình thức và thành tích đã làm méo mó đi.

 

Việc bình bầu lao động tiên tiến, lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua thường được tiến hành vào dịp tổng kết cuối năm là dựa trên những tiêu chí cụ thể của phong trào thi đua và thành tích lao động đạt được của mỗi người. Đấy cũng là sự phản ảnh trung thực kết quả lao động và thành tích hoạt động của mỗi đơn vị. Nhưng do căn bệnh thành tích không chỉ tồn tại trong ngành giáo dục mà đã trở thành căn bệnh có tính xã hội, cho nên đã có tình hình như bài viết trên đây phản ánh.

 

Cần phải loại trừ cách làm áp đặt thiếu khách quan đó, mà phải từ thực tế của phong trào thi đua để lựa chọn những người được bình bầu với danh hiệu xứng đáng với kết quả lao động và thành tích cống hiến của mỗi người.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm