Chủ tịch UBND Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành:

Tôi từ chức không phải vì bị kỷ luật

(Dân trí) - Tiếp nối chủ đề "Văn hoá từ chức", Dân trí xin giới thiệu bài phỏng vấn của Báo Pháp luật TP. HCM với ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xung quanh việc ông Thành xin từ chức.

Cả chủ tịch và ba phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đều có ý định xin không tiếp tục ứng cử, phải vận động để hai phó chủ tịch tiếp tục ứng cử nhằm có tính kế thừa.

Ngày 1-12, phát biểu sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa 8, ông Huỳnh Tấn Thành, (ảnh) Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lên diễn đàn cho biết đã tự nguyện nộp đơn xin thôi giữ chức chủ tịch UBND tỉnh.

Nhiều thông tin, đồn đoán

Sau khi ông Thành nộp đơn xin từ chức trước nhiệm kỳ năm tháng (tháng 4-2011) và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, có khá nhiều dư luận về nguyên nhân từ chức. Theo đó, có thông tin cho rằng ông Thành đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng với bốn nội dung sai phạm từ đầu năm 2010 nên việc từ chức là động thái khôn ngoan. Cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng việc ông Thành từ chức là hành động dũng cảm của văn hóa từ chức bởi chiếc ghế chủ tịch, ông Thành có thể ngồi đến tháng 4-2011. Từ trước đến nay, nhiều người có quyền cao chức trọng cũng bị khuyết điểm, cũng bị thi hành kỷ luật cảnh cáo nhưng không thấy ai từ chức.

Ngày 8-12, trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, ông Thành cho biết:

Việc có nhiều thông tin cho rằng do bị kỷ luật nên tôi mới nộp đơn xin từ chức là quy kết, chưa đúng sự thật.

Tôi từ chức không phải vì bị kỷ luật - 1

Bình Thuận là tỉnh có nhiều ưu thế để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch. Trong ảnh: Một góc TP Phan Thiết. Ảnh: TL

Đã xin thôi chức từ năm 2008

Nhưng thưa ông, đầu năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố hình thức kỷ luật về mặt đảng đối với ông?

Việc kỷ luật là có thật và việc này vẫn đang được tiến hành xem xét theo quy trình. Ngay từ giữa năm 2008, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII (tháng 9-2010), tôi thấy mình tuổi đã lớn nên đã có ý kiến với tập thể Thường vụ Tỉnh ủy xin rút tên, không ra ứng cử. Ngoài ra, tôi cũng vận động những người đã lớn tuổi nên rút tên để có cơ hội cho lớp trẻ kế thừa. Thời điểm trên chưa có đoàn kiểm tra, thanh tra nào đối với trách nhiệm lãnh đạo của tôi. Nêu những điều này ra cho thấy việc tôi xin thôi chức trước nhiệm kỳ đã được chuẩn bị từ trước với tinh thần trách nhiệm của mình.

Thưa ông, một câu hỏi tế nhị: Tại sao ông không để hết nhiệm kỳ rồi về mà lại xin từ chức sớm sẽ ít bị “đoán già, đoán non” hơn.

Đây là câu hỏi thú vị. Thực tế hiện nay ở UBND tỉnh Bình Thuận là cả chủ tịch và ba phó chủ tịch đều rút tên không ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo. Theo luật, nếu cả bốn người để hết nhiệm kỳ rồi ra về, bàn giao lại một lúc cho bốn người mới cũng chẳng ai có ý kiến gì. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khăn cho công tác điều hành. Do đó, tôi đã có hai cuộc họp với ba phó chủ tịch tỉnh và đưa ra hai phương án: Để hết nhiệm kỳ, hay xin thôi chức, bàn giao nhiệm vụ có tính chất kế thừa. Cuối cùng tôi và anh Hồ Dũng Nhật (phó chủ tịch UBND tỉnh) thống nhất làm đơn từ chức gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê chuẩn nhân sự mới, chúng tôi sẽ bàn giao nhiệm vụ và bên cạnh những người mới vẫn còn có sự giúp sức, điều hành của hai phó chủ tịch cũ đến hết nhiệm kỳ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

Sau cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Thành, chiều 8-12, ông Huỳnh Văn Tí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, xác nhận việc ngay vào giữa năm 2008, trong cuộc họp giữa nhiệm kỳ, ông Thành đã có ý kiến xin rút tên, không tham gia nhiệm kỳ mới từ thời điểm trên.

Theo PLTPHCM