Tư vấn pháp luật:
Tôi có nên xin nghỉ hưu sớm không?
(Dân trí) - Tôi sinh năm 1958, 30 năm đóng BHXH. Tôi làm việc tại công ty từ tháng 7/2009 đến nay, do công ty khó khăn muốn cắt giảm lao động, tôi nên bảo lưu thời gian đóng BHXH đợi 55 tuổi xin về hưu, hay xin nghỉ hưu sớm? Cách nào có lợi hơn?
Ngoài ra tôi tham gia quân đội từ tháng 11/1978, sau đó chuyển ngành về đi học, đi làm; trong quá trình công tác có 9 năm tôi không được đóng BHXH theo bậc lương cơ bản của Nhà nước (cao hơn). Xin hỏi: cách tính lương hưu thế nào ? (Trần Duy Dũng, Email: osgserver@gmail.com).
Ảnh minh họa
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 17 BLLĐ quy định như sau: “Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương”.
Theo trình bày của bạn đọc thì trường hợp của bạn chưa đủ điều kiện để về hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, do đó có 02 cách giải quyết như câu hỏi của bạn.
Tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau: “Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”. (Điều 50 – điều kiện hưởng chế độ hưu trí, Điều 51-hưởng hưu trí khi chưa đủ tuổi khi suy giảm khả năng lao động). Điều đó có nghĩa là nếu đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà bạn chưa đủ tuổi về hưu (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi với nữ) thì có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ tuổi về hưu, trường hợp này mức hưởng tối đa là 75%.
Nếu bạn lựa chọn về hưu khi suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 51 cứ mỗi năm về hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.
Bạn đọc có thể lựa chọn một trong hai hình thức này, ở đây không đặt ra vấn đề hình thức nào có lợi hơn mà tùy điều kiện của mỗi người sẽ lựa chọn hình thức cho phù hợp.
Tại Điều 58 Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995
“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu....
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Trường hợp của bạn, nếu có cả thời gian làm ở liên doanh thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Email: Info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc