Bạn đọc viết:

Tôi ân hận vì mua ô tô khi tổng thu nhập gia đình mỗi tháng 35 triệu đồng

PV

(Dân trí) - Tính ra sau 4 năm rưỡi mua ô tô, giá trị chiếc xe 1,1 tỷ đã mất khoảng 530 triệu đồng. Chưa kể số tiền "nuôi" xe từng ấy thời gian cũng khoảng 500 triệu đồng.

Tôi đã từng hào hứng mua ô tô khi chuẩn bị sẵn được một khoản tiền trị giá gần nửa chiếc xe, trong khi tổng thu nhập cả nhà không dưới 30 triệu đồng. Đến khi đọc câu chuyện của bạn Hoàng Văn Nam (Hà Nội) Còn nợ tiền nhà nhưng chồng tôi vẫn nhất quyết đòi mua ô tô nói về ý định mua ô tô khi tổng thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng là 30 triệu đồng, tôi lại thấy hình ảnh của mình cách đây 5 năm.

Thời điểm đó là vào giữa năm 2019, tôi giống bạn Nam ở chỗ háo hức tìm mua chiếc ô tô đầu tiên khi đã chuẩn bị trong tay 500 triệu đồng, và thu nhập hai vợ chồng vào khoảng 35 triệu đồng. Tuy nhiên, lựa chọn khác ở chỗ là tôi quyết định mua xe mới sau khi không kiếm được chiếc xe cũ ưng ý.

Tôi ân hận vì mua ô tô khi tổng thu nhập gia đình mỗi tháng 35 triệu đồng - 1

Giờ tôi mới thấm câu "mua xe là tiêu sản", và tôi khuyên các bạn khi thu nhập dưới hoặc ở ngưỡng 30 triệu đồng thì đừng vội nghĩ đến chuyện sắm bốn bánh (Ảnh minh họa).

Tôi mua chiếc Ford Everest 2019 bản Trend 2.0L với giá 1,112 tỷ đồng và lăn bánh hết tổng khoảng 1,29 tỷ đồng, trong đó phải vay thêm ngân hàng số tiền 500 triệu đồng với thời gian trả trong 7 năm. Tiền gốc mỗi tháng trả ngân hàng là 6 triệu đồng, cộng với lãi suất năm đầu 9%, năm sau thả nổi, mỗi tháng trả cả gốc và lãi gần 10 triệu đồng.

Con số này ngay khi nhân viên ngân hàng vạch ra, tôi cảm thấy hài lòng vì cả nhà mỗi tháng sẽ vẫn còn 20 triệu đồng để sinh hoạt. Tuy nhiên tự mình tính không bằng thực tế.

Sau năm đầu sử dụng xe, tôi bắt đầu thấy lo lắng. Đầu tiên là chỗ để xe, do nhà tôi trong ngõ và nằm ở khu vực quận Ba Đình của thành phố Hà Nội nên chi phí gửi bãi gần nhà khá cao, lên đến 2,5 triệu đồng/xe. Chưa hết, phí bãi đỗ trên đường khi di chuyển trong tháng, dù trả số lẻ cộng lại, tiết kiệm lắm cũng lên đến 1 triệu đồng.

Và tốn nhất vẫn là chi phí dầu diesel, tháng tôi đi tiết kiệm cũng phải 3 triệu đồng, còn không sẽ là trên dưới 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, dù muốn hay không, khi mua xe, ngay cả ít dùng thì bạn sẽ vẫn tốn các chi phí cố định, gồm bảo hiểm bắt buộc (873.400 đồng/năm), phí bảo trì đường bộ (1.560.000 đồng/năm), bảo hiểm thân vỏ (1,5% giá trị xe, khoảng 15 triệu đồng ), phí đăng kiểm…

Năm đầu tiên tôi đã tiêu tốn cho chiếc xe khoảng 110 triệu đồng, tương đương hơn 9 triệu đồng/tháng. Chưa kể từ lúc có xe, nhu cầu cuối tuần đi chơi trung tâm thương mại, về quê, đi chơi xa cũng tăng lên, và chi phí này tiếp tục "ăn" vào tổng thu nhập của gia đình.

Vậy là cả gia đình 4 người gồm vợ chồng, 1 đứa con đang học tiểu học, chỉ còn sinh hoạt với vỏn vẹn khoảng 15 triệu đồng, nhưng thực tế là thấp hơn. Điều này dẫn đến việc vợ tôi phải lập một bảng kê thu chi để cả hai cùng nhìn vào, đắn đo trước khi định mua thứ gì đó.

Đôi lúc còn phải nhờ viện trợ từ bố mẹ hai bên. Quả thật sau một năm dùng xe, tôi thấy không khác gì nuôi thêm 2 đứa trẻ.

Đến năm 2023, khi lãi suất ngân hàng thả nổi vọt lên tới 15-16% thì gánh nặng trả nợ chiếc xe càng khiến không khí gia đình thêm căng thẳng. Tôi đã buộc phải ra quyết định bán xe với giá 760 triệu đồng.

Tính ra sau 4 năm rưỡi mua ô tô, giá trị xe đã mất khoảng 530 triệu đồng. Chưa kể số tiền "nuôi" xe từng ấy thời gian cũng khoảng 500 triệu đồng. Với những gì liệt kê ở trên, tự bản thân tôi đã thấy mình "lỗ" nặng khi xe giờ chẳng còn mà chất lượng cuộc sống suốt những năm tháng "nuôi" xe đã đi xuống do căng thẳng tiền bạc.

Thoát được nó, tôi như trút được gánh nặng. Giờ tôi mới thấm câu "mua xe là tiêu sản", và tôi khuyên các bạn khi thu nhập dưới hoặc ở ngưỡng 30 triệu đồng thì đừng vội nghĩ đến chuyện sắm bốn bánh.

Độc giả Lê Đức Quang

(Ba Đình, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm