Vụ cưỡng chế trái luật tại xã Cát Quế, Hoài Đức:

Tòa án huyện Hoài Đức bị “tố” làm sai quy định pháp luật

(Dân trí) - Ông Lê Văn Lâm gửi đơn khởi kiện UBND xã Cát Quế từ ngày 8/11/2011, nhưng phải đến 23/1/2013, TAND huyện Hoài Đức mới có thông báo thụ lý vụ việc gửi gia đình và thu 5 triệu đồng phí thẩm định thửa đất 138, 138A trong khi ông Lâm không hề yêu cầu.

 
 
Theo đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm (con trai ông Lê Văn Phát và bà Nguyễn Thị Oanh, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) gửi đến báo Dân trí phản án, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Thẩm phán TAND huyện Hoài Đức có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình thụ lý vụ cưỡng chế trái quy định pháp luật của xã Cát Quế.

Tại bản án sơ thẩm số 02/2013/HC - ST ngày 27/8/2013, TAND huyện Hoài Đức cho rằng Quyết định 118/QĐ - KPHQ đúng với quy đinh của pháp luật và quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Oanh đề nghị hủy Quyết định số 118/QĐ - KPHQ ngày 17/11/2010 của Chủ tịch UBND xã Cát Quế.

Ở phiên xử sơ thẩm, lãnh đạo UBND xã Cát Quế đưa ra trước tòa 2 văn bản do UBND tỉnh Hà Sơn Bình trước đây ban hành, làm cơ sở chứng minh việc cưỡng chế đối với nhà bà Oanh là không sai. Theo trình bày của UBND xã Cát Quế, xã này được UBND tỉnh Hà Sơn Bình giao quản lý ao đầm nhằm mục đích cải tạo lòng sông bằng Quyết định 414/QĐ ngày 19/9/1978.

Nhưng trên thực tế, Quyết định 414 lại có nội dung trái ngược đó là UBND xã được sử dụng 27.240m2 đất canh tác ven làng để di chuyển 135 hộ dân vùng ngoài đê sông Đáy, chứ không phải đất ao ở giữa làng, do người dân quản lý sử dụng nhiều đời nay.
 
Sổ đỏ hợp pháp được cấp cho ông Lê Văn Phát từ năm 1992
Sổ đỏ hợp pháp được cấp cho ông Lê Văn Phát từ năm 1992

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Lâm bức xúc vì cách làm việc tắc trách của cán bộ huyện và xã: “Trong buổi đối chất và phiên xét xử sơ thẩm tại tòa, anh Phạm Thừa Ninh - Cán bộ Địa chính xã đổ lỗi do ngày xưa trong sổ mục kê, thống kê, UBND huyện không kẻ cột mục nên ghi nhầm cột từ đất vườn sang đất ao. Trong khi đó, phòng Tài nguyên Môi trường huyện lại đổ tội cho UBND xã, do UBND xã thống kê ghi sai. Theo Luật đất đai năm 2003, UBND xã và phòng TNMT huyện là đơn vị quản lý hồ sơ địa chính, khi phát hiện ra sai sót hoặc cố tình để sai sót mà không có một văn bản nào thông báo cho người dân để xử lý và cũng chưa hề xử lý sai đúng như thế nào đã tham mưu cho UBND xã và huyện ra những quyết định sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.

Giải thích về khu đất ao 65m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình bà Oanh không nằm ở ao gò Trung Quân mà nằm trong thửa 138, 138A mà ông Lê Văn Sinh (con trai ông Phát) đang là chủ sở hữu, nhưng UBND xã Cát Quế lại không chỉ rõ được 65m2 đất đó nằm ở vị trí nào thuộc thửa đất trên.

Ông Lâm cho biết lý do mà Tòa án đưa ra hoàn toàn vô lý: “Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức tuyên ông Sinh và ông Phát là hai bố con nên không chia mốc giới. Nhưng trên thực tế ông Phát và ông Sinh không hề cắt cho nhau trên thửa 138, mà bức tường thửa đất này có từ năm 1932 và không phải đất ao. Theo tôi biết, kể cả bố con khi chia đất cho nhau cũng đều phải hoạch định mốc giới”.

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, UBND xã Cát Quế ban hành quyết định cưỡng chế sai quy định pháp luật gây tổn hại về danh dự và vật chất với gia đình, trong khi gia đình sở hữu hợp pháp mảnh đất 65m2 tại khu ao gò Trung Quân kể từ năm 1969 đến nay.
 
Phần diện tích 65m2 gia đình ông Lâm bị cưỡng chế tháng 11/2012
Phần diện tích 65m2 gia đình ông Lâm bị cưỡng chế tháng 11/2012

Bà Nguyễn Thị Oanh (khu 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) cung cấp: “Từ năm 1956, đất này của bà Lê Thị Lễ. Đến năm 1969, bà Lễ nhượng lại cho gia đình tôi. Chồng tôi đứng tên là ông Lê Văn Phát, tôi là bà Nguyễn Thị Oanh. Từ năm 1969 - 1992, tôi được khai vào sổ đỏ nhà nước cấp. Năm 2000, tôi đổ đất, làm vườn trồng cây. Từ năm 1992 - 2000, thì không có tranh chấp với ai cả, nhà tôi vẫn sử dụng để thả bèo, nuôi lợn”.

Cụ thể, ngày 25/3/1992, mảnh đất 65m2 và các phần đất khác của nhà ông Phát được Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Cung ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số 00736/QSDĐ. Giấy chứng nhận QSDĐ của nhà ông Lê Văn Phát ghi rõ: Diện tích đất ở là 125m2 (số thửa 137); diện tích đất làm kinh tế 120m2; đất ao là 65m2 (số thửa 138A).

Nhưng đến tháng 10/2011, gia đình bà Oanh bị UBND xã Cát Quế lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính với lý do nhà bà Oanh tự ý lấn chiếm đất công, đổ đất trồng cây, dựng hàng rào tre nứa, tập kết gạch đá ong trên phần đất 65m2 mà gia đình đã được xác lập “chủ quyền” bằng Giấy chứng nhận QSDĐ.

Trong lúc gia đình bà Nguyễn Thị Oanh đang làm đơn khiếu nại theo trình tự, UBND xã Cát Quế vẫn ban hành quyết định cưỡng chế, đồng thời tiến hành cưỡng chế vào ngày 19/11/2012 với lý do nhà bà Oanh tự ý lấn chiếm.

Về việc này, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh cho rằng, việc cưỡng chế của UBND xã Cát Quế vi phạm pháp luật.

Ông Lê Văn Lâm cho biết: “Từ năm 2009, gia đình tôi đã ra làm việc với Ủy ban và tôi đã yêu cầu phải làm rõ khu đất ao mà gia đình tôi được cấp trong Giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng cho đến bây giờ UBND xã, UBND huyện vẫn chưa có một văn bản nào để trả lời. Khi chưa có một văn bản nào để nói gia đình tôi được cấp đúng hay sai như thế nào đã ra quyết định sử phạt khiến gia đình tôi bỗng dưng mất 65m2 đất ao. Như vậy, quyết định sử phạt và cưỡng chế của UBND xã Cát Quế hoàn toàn sai pháp luật”.

Trong quá trình tòa thụ lý vụ án, ông Lê Văn Lâm cho rằng bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Thẩm phán TAND huyện Hoài Đức có những dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng.

Ông Lâm phát biểu: “Thời gian thụ lý vụ việc kéo dài quá lâu, từ ngày 8/11/2011, tôi đã gửi đơn khởi kiện mà cho đến tháng 1/2013, tòa án mới ra thông báo thụ lý, như vậy là gần 2 năm. Trong suốt thời gian đó, tòa không ra bất cứ thông báo nào cho gia đình tôi.
 
Gia đình ông Lâm bị yêu cầu nộp 5 triệu để thẩm định thửa đất không đề nghị
Gia đình ông Lâm bị yêu cầu nộp 5 triệu để thẩm định thửa đất không đề nghị

Khi phiên tòa tháng 4 phải hoãn giữa chừng, thời gian hoãn cũng vượt quá thời gian quy định nhưng tòa cũng không có văn bản để thông báo với gia đình tại sao phải kéo dài. Trong quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ, gia đình tôi không hề yêu cầu xem xét thẩm định thửa 138 và 138A nhưng trong quyết định bà Thủy lại ghi gia đình tôi yêu cầu và bắt gia đình tôi nộp tạm ứng 5.000.000đ tiền thẩm định.

Tiếp theo, khi lập biên bản thẩm định ngày mùng 8/8/2013, bà Thủy và đoàn thẩm định không hề báo cho tôi và em tôi là Lê Văn Hiển là lập biên bản tại đâu, nhưng trong biên bản lại ghi ông Lâm và ông Hiển có mặt nhưng không ký”.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình, ông Lê Văn Lâm đề nghị: “UBND huyện phải đứng ra giải quyết và phải giải quyết rành mạch về phần đất ao trong Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình tôi năm 1992 đúng sai như thế nào? Gia đình tôi có được cấp hay không? Nếu sai là sai số thửa, hay sai loại đất”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy