Hà Nội:

Huyện Hoài Đức thừa nhận sai sót, xã Cát Quế vẫn cưỡng chế đất

(Dân trí) - Sở hữu mảnh đất 65m2 tại khu ao gò Trung Quân, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức từ năm 1969. Đến năm 1992, huyện Hoài Đức cấp sổ đỏ cho ông Lê Văn Phát. Năm 2011, xã Cát Quế bất ngờ đưa ra quyết định cưỡng chế vì cho rằng đó là đất công.

Theo đơn khiếu nại gửi đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Oanh (vợ ông Lê Văn Phát) trú tại Khu vực 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội phản ánh, UBND xã Cát Quế ban hành quyết định cưỡng chế dự kiến áp dụng ngày 9/11/2012, là sai quy định của pháp luật, gây tổn hại về danh dự và vật chất với gia đình, trong khi gia đình sở hữu hợp pháp mảnh đất 65m2 tại khu ao gò Trung Quân kể từ năm 1969 đến nay.

Nội dung đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Oanh nêu: Ngày 30/4/1969, chồng bà là ông Lê Văn Phát mua lại một phần ao rộng 65m2 của bà Lê Thị Lễ. Việc mua bán giữa ông Phát và bà Lễ có xác nhận của Chủ nhiệm HTX Xuân Thắng khi đó xác nhận và đề nghị UBNX xã Vinh Quang khi đó cho phép.
 
Phần đất nhà bà Oanh bị coi là lấn chiếm dù có đủ giấy tờ (Ảnh: Ngọc Cương)
Phần đất nhà bà Oanh bị coi là lấn chiếm dù có đủ giấy tờ (Ảnh: Ngọc Cương)

Từ khi mua lại, gia đình ông Lê Văn Phát đã sử dụng ổn định, không xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai. Ngày 25/3/1992, mảnh đất này và các phần đất khác của nhà ông Phát được Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Cung ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 00736/QSDĐ. Giấy chứng nhận QSDĐ của nhà ông Lê Văn Phát ghi rõ: Diện tích đất ở là 125m2 (số thửa 137); diện tích đất làm kinh tế 120m2; đất ao là 65m2 (số thửa 138A).

Suốt từ năm 1992 đến năm 2011, gia đình ông Phát bà Oanh tiếp tục sử dụng ổn định, không nhận được quyết định của các cấp chính quyền về việc thu hồi diện tích đất ao của gia đình. Đến ngày 5/10/2012, gia đình bà Oanh bị UBND xã Cát Quế lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính số 15 với lý do nhà bà Oanh tự ý lấn chiếm đất công, đổ đất trồng cây, dựng hàng rào tre nứa, tập kết gạch đá ong trên phần đất 65m2 của gia đình đã được thừa nhận “chủ quyền” thông qua giấy chứng nhận QSDĐ.

Đến ngày 10/12/2010, UBND xã Cát Quế tiếp tục ban hành quyết định số 126/QĐ - CC về việc “Cường chế thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt về lĩnh vực đất đai”. Không hài lòng với quyết định của xã Cát Quế, bà Nguyễn Thị Oanh gửi đơn khởi kiện ra TAND huyện Hoài Đức nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời từ phía TAND huyện Hoài Đức.

Trong khi đó, UBND xã Cát Quế vẫn ra quyết định tổ chức cưỡng chế đối với phần diện tích 65m2. Theo kế hoạch, ngày 9/11/2012, UBND xã Cát Quế sẽ thực hiện việc cưỡng chế, dù cho UBND huyện và xã đều chưa đưa ra được văn bản trả lời thấu đáo cho công dân về chủ sở hữu mảnh đất và vị trí 65m đất ao đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nằm ở đâu trên địa bàn xã Cát Quế.
 
Giấy chứng nhận QSDĐ huyện Hoài Đức cấp năm 1992
Giấy chứng nhận QSDĐ huyện Hoài Đức cấp năm 1992

Làm việc việc với PV Dân trí ngày 8/11/2012, ông Nguyễn Trọng Lương, Phó phòng TNMT huyện Hoài Đức khẳng định việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lê Văn Phát ngày 25/3/1992 không sai, trong đó có phần nội dung ghi diện tích đất ao là 65m2. Tuy nhiên, việc xác định vị trí phần đất ao đã có sự nhầm lẫn, bởi ao nhà ông Phát không nằm ở khu ao gò Trung Quân.

Theo lời ông Lương, phần diện tích 65m2 này được UBND xã Cát Quế xác định nằm trong phần diện tích đất ở của nhà bà Oanh. Nhưng phần ao này nằm ở đâu thì đến nay Phòng TNMT và xã Cát Quế vẫn chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, hiện phần đất ở mà bà Nguyễn Thị Oanh đang sử dụng hiện tại lại có phần diện tích hụt 65m2, trái ngược hẳn với câu trả lời của lãnh đạo Phòng TNMT.

Cụ thể, phần đất ở thể hiện trong giấy chứng nhận QSDĐ cấp năm 1992 cho nhà ông Phát bà Oanh là 125m2 (thửa 137); Phần diện tích đất ao là 65m2 (thửa 138 A). Nếu phần đất ao nằm trong phần diện tích đất ở, tổng số diện tích đất ở nhà bà Oanh sử dụng là 190m2. Tuy nhiên, trên thực tế phần đất ở nhà bà Oanh đang sử dụng chỉ là 125m2 đất ở thuộc thửa 137, nếu cộng cả 65m2 thửa 138A mới có con số 190m2. Vậy phần diện tích đất ao 65m2 mà Phòng TNMT và xã Cát Quế khẳng định nằm trong khuôn viên diện tích đất ở của nhà bà Oanh nằm vị trí nào?

Cũng theo lời ông Lương, khi Phòng TNMT chưa thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, chưa tiến hành điều chỉnh thì giấy chứng nhận QSDĐ số 00736 cấp cho ông Lê Văn Phát vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Điều đó có nghĩa, bà Oanh vẫn sở hữu hợp pháp của 125m2 thuộc thửa 137 và 65m2 thuộc thửa 138A như thể hiện trên chứng nhận QSDĐ số 00736. Đồng nghĩa, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế của UBND xã Cát Quế với lý do đất lấn chiếm là thiếu cơ sở.

Ông Lương khẳng định, UBND xã Cát Quế là đơn vị trực tiếp ban hành quyết định cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế nên sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nếu việc cưỡng chế sai quy định và xảy ra sự cố (nếu có).
 
Ông Nguyễn Danh Ngọ (bên phải) khẳng định quyết định cưỡng chế
Ông Nguyễn Danh Ngọ (bên phải) khẳng định quyết định cưỡng chế
không vi phạm quy định pháp luật (Ảnh: Ngọc Cương)

Trao đổi với PV Dân trí tại trụ sở UBND xã Cát Quế, Chủ tịch Nguyễn Danh Ngọ vẫn khẳng định việc áp dụng kế hoạch cưỡng chế với phần diện tích 65m2 là đúng thẩm quyền địa phương và tuân thủ theo đúng trình tự pháp luật. Theo lời ông Ngọ, trước khi ban hành kế hoạch cưỡng chế UBND xã Cát Quế đã xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của UBND huyện Hoài Đức, nhưng chính quyền xã vẫn là người chịu trách nhiệm chính nếu cưỡng chế sai.

Chủ tịch UBND xã Cát Quế thừa nhận có chuyện nhầm lẫn trong việc xác định vị trí thửa đất ao nhà bà Oanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Ngọ lại không chỉ ra được phần 65m2 bị “hao hụt” nằm ở đâu. Ông Ngọ cho rằng, phần diện tích đất ao này vẫn nằm trong khuôn phiên diện tích đất ở nhà bà Oanh, mặc dù trên thực tế phần diện tích sử dụng vẫn bị hao hụt 65m2.

Để bảo vệ danh dự và quyền lợi của gia đình, bà Nguyễn Thị Oanh đề nghị UBND xã Cát Quế, UBND huyện Hoài Đức tạm dừng việc cưỡng chế ngày 9/11/2012, trong khi đợi TAND huyện Hoài Đức ra văn bản chính thức về vụ việc theo đơn kiện của bà Oanh.

Trao đổi cùng PV Dân trí, luật sư Lê Văn Thiệp, Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Việc UBND xã Cát Quế ra quyết định cưỡng chế khi còn chưa làm rõ sai sót trong việc xác định vị trí mảnh đất 65m2 là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Theo quy định Điều 136 Luật Đất đai thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về TAND, không phải thẩm quyền thu hồi của UBND xã Cát Quế. Việc ra các quyết định liên quan đến thửa đất trên là trái các quy định của pháp luật về đất đai”.
 
Báo Dân trí đề nghị UBND TP. Hà Nội. Thanh tra TP. Hà Nội khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương