“Kỳ án” oan khuất của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão

Tòa án Hà Nội tuyên án không thể thi hành được trong thực tế

(Dân trí) - “Kỳ án” oan khuất của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão kéo dài gần 13 năm nhưng chưa thể kết thúc vì bản án số 206/2013/DSPT vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến việc có thể coi đây là “bản án hài hước”, bởi bản án không thể thi hành trong thực tế.

 
Như báo Dân trí đã đưa tin ở những bài báo trước, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã trải qua hơn 9 phiên xét xử kéo dài gần 13 năm nay nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án vẫn không được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, thửa đất số 142 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Nguyễn Văn Kế và bà Triệu Thị Mão, do được thừa kế hợp pháp của bố mẹ là cụ Sụn, cụ Nghĩa.

Sự việc tranh chấp bắt đầu từ năm 1994 khi anh Nguyễn Văn Tạo - con trai ông Kế bà Mão tự ý đi kê khai tách thửa đất 142 thành 2 thửa và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên anh Tạo và anh Nguyễn Văn Chung – con trai ông Bốn (bị tâm từ nhỏ). Sau hơn một thập kỷ mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão đấu tranh đòi lại quyền, lợi ích hợp pháp của mình với nhiều cấp xét xử thì 8 bản án đã tuyên đều không thừa nhận tính hợp pháp của 2 GCNQSDĐ trái pháp luật, thế nhưng đi ngược lại với kết quả nghiên cứu, lao động trong suốt gần 13 năm trời của nhiều vị thẩm phán công tâm, tài giỏi, ngày 26/8/2013 bà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân đã cho ra đời một bản án hết sức “sáng tạo” khi ngang nghiên thừa nhận tính hợp pháp của 2 GCNQSDĐ nói trên.

Bản án 206 có rất nhiều điểm đặc biệt khi không chỉ vi phạm cả về nội dung, thủ tục tố tụng mà còn có cả những sai số về diện tích thửa đất 142 so với số liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như số liệu thực, khiến bản án này không thể thi hành trên thực tế.

Tòa án Hà Nội tuyên án hài hước, không thể thi hành được trong thực tế
Gia đình mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão cho rằng HĐXX ngày 26/8/2013 có nhiều điểm "bất thường" cần làm rõ
 
Theo trích lục sơ đồ thửa đất hiện được lưu trữ tại xã Đông Mỹ thì thửa đất 142 có diện tích là 1.020m2, ngoài ra trong lời khai của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như toàn bộ các bút lục, các bản án trong 8 năm qua đều công nhận thửa đất 142 có diện tích 1.020m2. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản án 206 lại tuyên và có sơ đồ đính kèm thì thửa đất trên lại có tổng diện tích là 1.022,7m2, sai số lớn hơn so với số liệu thống nhất từ trước đến nay là 2,7m2, điều này đã khiến cho đông đảo những người quan tâm đến vụ án đều hết sức kinh ngạc trước sự chênh lệch số liệu trên.

Bức xúc trước bản án tuyên trái pháp luật, ngày 12/9/2013, chị Nguyễn Thị Nhung (con gái bà Triệu Thị Mão) đã mời Công ty địa chính Hà Nội đo đạc lại toàn bộ diện tích thửa đất 142 thì kết quả vô cùng bất ngờ khi diện tích thực của thửa đất này lại là 983.7m2. Như vậy, diện tích thửa đất trong bản án là không đúng với diện tích thực tế, điều này khẳng định rằng vào năm 1994, khi làm GCNQSDĐ, cơ quan địa chính UBND xã Đông Mỹ và UBND huyện Thanh Trì đã không tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế mà chỉ xem xét qua loa và quyết định cấp 2 GCNQSDĐ cho anh Tạo và anh Chung trên lý thuyết, giấy tờ mà thôi.

Gần 20 năm sau, bà thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân lại sáng tạo hơn khi đưa ra một số liệu hoàn toàn mới là 1022,7 m2 khiến cho kết quả làm việc gần 13 tháng trời của các cán bộ Tòa án TP Hà Nội trong phiên tòa có một kết cục vô nghĩa, bởi sự ra đời của một bản án trái pháp luật và không thể thi hành được trên thực tế, khi mà sự chênh lệch giữa số liệu thực tế với số liệu mà bản án 206 đưa ra.

Để làm sáng rõ vấn đề mà rất nhiều người hiện đang quan tâm, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng - thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Thưa luật sư Phan Thị Lam Hồng, đây có phải là trường hợp có thể yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án được không?

Theo khoản 1 Điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về các trường hợp được sửa chữa, bổ sung bản án như sau:

“Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung phải được thông báo ngay cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa chữa, bổ sung; đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp”.

Việc sửa chữa, bổ sung bản án chỉ được thực hiện trong trường hợp khi phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Ngoài các trường hợp nêu trên thì không được sửa chữa, bổ sung bản án.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị quyết số 05/2012/ NQ – HĐTP về sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại Điều 240 của BLTTDS:

“Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:

a) Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự…
 

b) Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai… mà phải sửa lại cho đúng”

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, thì việc số liệu diện tích thửa đất trong bản án không đúng với diện tích thực tế không nằm trong các trường hợp được sữa chữa, bổ sung bản án. Vì thế, theo quy định của pháp luật thì bản án 206 không được phép sửa chữa, bổ sung.

Thưa luật sư, nếu không được sửa chữa, bổ sung bản án thì bản án 206 có đủ điều kiện để thi hành trong thực tế không?

Căn cứ vào số liệu trong hồ sơ vụ án cũng như trong nội dung bản án đã tuyên, cùng với số liệu thực tế mới đo được thì có thể khẳng định bản án 206 không đủ điều kiện để thi hành trong thực tế.

Luật sư Lam Hồng cho biết, theo khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án: Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”.

Như vậy, khi ban hành một bản án thì nội dung bản án đó phải chính xác về đối tượng, số liệu rõ ràng, chính xác, cụ thể và phù hợp với thực tế. Trong khi đó, bản án 206 xác định diện tích thửa đất là 1.022,7m2 nhưng khi chị Nhung mời Công ty địa chính Hà Nội đo đạc thì diện tích thực tế là 983.7 m2, còn số liệu theo hồ sơ vụ án suốt hơn mười năm qua thì lại là 1.022,7m2, như vậy không đủ điều kiện thi hành bản án đã tuyên.

Cũng theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC: “Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự”.

Tuy nhiên, do đây không thuộc trường hợp được sửa đổi, bổ sung bản án nên Tòa án cũng không thể nào sửa chữa được bản án. Chính vì vậy, cơ quan thi hành án sẽ lập ra Hội đồng tiến hành đo đạc để xác định lại diện tích thửa đất 142 thực tế là bao nhiêu m2. Trường hợp con số đo đạc lại không trùng với con số mà Tòa án đưa ra thì cơ quan thi hành án (Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự) sẽ “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật” (theo điểm d, khoản 1 Điều 23 Luật thi hành án dân sự năm 2008)

Như vậy, sau hơn một năm làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án đã tuyên một bản án không chỉ vi phạm thủ tục tố tụng mà còn sai phạm cả về nội dung, khiến cho bản án không thể được thực thi trên thực tế được. Vậy trách nhiệm của ngành Tòa án ở đâu trong khi để diễn ra một phiên tòa phải cần đến rất nhiều tiền của, thời gian, công sức của các đương sự, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Và ai sẽ là người bồi thường cho những mất mát về mặt kinh tế cho các đương sự, ai sẽ là người “bồi thường” cho danh dự, uy tín của Đảng và Nhà nước trong khi những người thay mặt Đảng, nhà Nước thực thi nhiệm vụ công lý lại gây ra những hậu quả nặng nề như vậy. Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ riêng đối với thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân mà còn cả đối với Hội đồng xét xử ngày hôm đó.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trên.

Ngọc Cương