Nghệ An:

Tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ TNMT xem xét việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

(Dân trí) - Để nạp tiền cấp quyền theo trữ lượng đá vôi trắng, đá hoa trắng làm đá xẻ, đá ốp lát trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đa số các doanh nghiệp phải nạp số tiền lớn hơn nhiều so với giá trị tài sản của doanh nghiệp….

UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường về việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Từ lâu, ngành đá Nghệ An đang khó khăn, vướng mắc trong việc tính tiền cấp tiền khai thác và những phiến đá như thế này khi xẻ ra chỉ chưa được một nửa là thành phẩm dùng được, có những phiến thì dường như không dùng được nhưng Nhà nước vẫn tính tiền bao gồm cả phiến đá.
Đó là những kiến nghị cơ bản của UBND tỉnh Nghệ An gửi tới Bộ Tài Nguyên và môi trường về việc thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trong thời gian qua. Trước đó, báo điện tử Dân trí đăng bài viết “Khó khăn khi thực hiện tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” UBND tỉnh Nghệ An đã văn bản trả lời kiến nghị của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp về kiến nghị tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các mỏ đá vôi trắng, đá hoa trắng.

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai thực hiện công tác tính tiền cấp quyền khoáng sản theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ. Đặc biệt là xây dựng giá tính thuế tài nguyên để thay thế quyết định số 23/2013 ngày 22/4/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Bảng giá tối thiểu tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường về việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An gửi Bộ TN&MT về việc tính tiền cấp quyền khai thác đá mà rất nhiều doanh nghiệp tại địa bàn huyện Quỳ Hợp đang gặp rất khó khăn hiện nay.

Theo đó Bảng giá tính thuế tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ được xây dựng phù hợp với các sản phẩm khai thác thực tế và Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều về Luật thuế Tài nguyên và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ.

Qua công tác kiểm tra, giám sát của các ngành, chính quyền địa phương của tỉnh Nghệ An về hoạt động khai thác, chế biến của các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác đá vôi trắng, đá hoa trắng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cho thấy chất lượng, trữ lượng khoáng sản thực tế có nhiều biến đổi so với kết quả thăm dò đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt là tính tô điểm bề mặt của khoáng sản làm đá ốp lát, đá xẻ và các khe nứt nội sinh ảnh hưởng đến độ nguyên khối.

Ngoài các nguyên nhân khách quan và chủ quan thì còn nguyên nhân thời điểm phê duyệt trữ lượng khoáng sản mới chỉ có các tiêu chí đánh giá về độ nguyên khối, tính chất cơ, lý hóa mà chưa có tiêu chí để đánh giá về mức độ ổn định, đồng nhất của bề mặt thân khoáng. Dẫn đến sản phẩm khai thác được từ các mỏ đá vôi trắng, đá hoa trắng sau khi chế biển có nhiều phẩm cấp phân bố màu sắc khác nhau và giá trị thương phẩm giảm nhiều so với hồ sơ Dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Mặt khác Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ có quy định hệ số thu hồi khoáng sản đối với mỏ khai thác lộ thiên (kl =0,9) là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, đối với các mỏ được phân định một phần thân khoáng, có địa hình đồi núi chênh cao, quá trình khai thác bắt buộc phải để lại các bờ mỏ để đảm bảo an toàn nên khoáng sản khai thác được chỉ chiếm từ 50-80% trữ lượng địa chất đã được phê duyệt. Nếu quy định hệ số thu hồi như trên và trữ lượng tính tiền cấp quyền là trữ lượng địa chất, các doanh nghiệp một phần không nhỏ tiền cấp quyền đối với phần khoáng sản không khai thác được.

UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường về việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Cũng vì tính tiền quá cao, nên đời sống người lao động, công nhân làm đá rất rẻ mạt và nguy cơ tai nạn lại quá cao.

Ngoài ra, theo Nghị định 203, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo giá tính thuế tài nguyên, tuy nhiên cho đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện.

Hiện nay, để nộp tiền cấp quyền theo trữ lượng đá vôi trắng, đá hoa trắng làm đá xẻ, đá ốp lát trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đa số các doanh nghiệp phải nộp với số tiền lớn hơn nhiều lần giá trị tài sản của doanh nghiệp, dẫn đến các doanh nghiệp không thể thực hiện được nghĩa vụ nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Nghệ An được giao thu tiền cấp quyền không hoàn thành được nhiệm vụ.

Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ TN&MT xem xét, báo cáo với Chính phủ điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp của Nghị định số 203/2013/NĐ-CP. Đồng thời xem xét bổ sung các chỉ tiêu đánh giá trữ lượng khoáng sản phù hợp với chủng loại khoáng sản là đá vôi trắng, đá hoa trắng làm đá xẻ, đá ốp lát của các mỏ đã được Bộ TN&MT, Bộ Công thương cấp phép khi phê duyệt trữ lượng nâng cấp; đảm bảo trữ lượng được phê duyệt phù hợp với thực tế khai thác, chế biến của các doanh nghiệp; sớm có văn bản hướng dẫn về giá tính tiền cấp quyền. Quá trình các doanh nghiệp tổ chức thăm dò nâng cấp, đề nghị Bộ TN&MT chưa xem xét, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Nguyễn Phê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm