"Tỉnh Hà Tây còn sáp nhập được về Thủ đô nữa là cấp quận, huyện"

PV

(Dân trí) - Bên cạnh những ý kiến cho rằng quận Hoàn Kiếm là trường hợp đặc biệt không nên sáp nhập, cũng có những ý kiến đồng thuận.

Thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập trong hai năm tới đang là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm. Nguồn cơn của việc này bắt đầu từ việc theo quy định của  Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000 trong khi đó diện tích của quận Hoàn Kiếm chỉ rộng 5,29 km2 với dân số là 156.000.

Hiện tại, vụ việc làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng.

Tỉnh Hà Tây còn sáp nhập được về Thủ đô nữa là cấp quận, huyện - 1

Quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới, theo quy định trong Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Hữu Nghị).

Độc giả Việt Anh: "Quận Hoàn Kiếm cũng như Hồ Hoàn Kiếm là cái tên gắn liền với lịch sử hình thành phát triển Thủ Đô Hà Nội, là địa danh gắn với 36 Phố phường. Người dân cả nước đến Thủ đô không thể không đến Hoàn Kiếm.

Nơi đây đã đang là trung tâm văn hóa, kinh tế đời sống của người Thủ đô cả thế kỷ nay. Vì thế không nên máy móc theo cách tính số học để xóa bỏ đi một địa danh lịch sử như quận Hoàn Kiếm".

Bạn đọc với nickname CTHM: "Theo tôi quận Hoàn Kiếm mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, không nên nhất nhất quy định mà cứng nhắc sáp nhập. Làm vậy cái được không bù cho cái mất".

Bạn đọc Thị Hoa Bưởi Nguyễn: "Trong 2 tiêu chí về dân số và diện tích thì tiêu chí dân số của Hoàn Kiếm đạt 100%, chỉ có tiêu chí diện tích là không đạt. Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm lại gắn liền với di tích lịch sử hồ Hoàn Kiếm, rồi các con phố sầm uất: Hàng Ngang, Hàng Đào... Vậy nếu sáp nhập thì sau này khi đề cập lại thông tin sẽ có nhiều người bỡ ngỡ".

Bạn đọc Trần Hưng: "Không sáp nhập thì lấy đâu kinh phí để trả lương cho bộ máy khổng lồ, tên thì có nhiều hướng giải quyết, muốn làm thì nhiều cách còn không làm còn nhiều lý do hơn. Ông nào muốn không sáp nhập thì tự bỏ tiền nuôi bộ máy dôi dư nhé".

Bạn đọc VTU: "Quận Hoàn Kiếm bé về diện tích nhưng nguồn thu thuế bằng cả 1 tỉnh đấy không phải ít đâu. Chỉ vì cái diện tích tính cho toàn quốc mà đòi thay đổi cả một nơi đã ăn vào tiềm thức bao thế hệ và dấu ấn lịch sử được không?".

Bạn đọc Hung: "Chả có gì là không phù hợp cả. Quá trình đi lên là sự kế thừa và phát triển, cái gì phù hợp thì để lại, chưa thì cần loại bỏ".

Bạn đọc Tú Đỗ: "Sáp nhập cả tỉnh Hà Tây mang nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và tâm linh vào Hà Nội cũng có vấn đề gì đâu".

Độc giả hiến kiến cho việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Cùng với những ý kiến đa chiều của độc giả, cư dân mạng, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng về. Trao đổi với phóng viên Dân trí, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính đưa ra quan điểm sáp nhập Hoàn Kiếm vào bất cứ quận nào khác, đều không phù hợp bởi các yếu tố địa lý hay sự xáo trộn lớn và yếu tố bản sắc của các quận.

Rất nhiều ý kiến khác cũng cho rằng câu chuyện sáp nhập của quận Hoàn Kiếm cần cân nhắc, tính toán kỹ. 

Tỉnh Hà Tây còn sáp nhập được về Thủ đô nữa là cấp quận, huyện - 2

Nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch phát triển Hà Nội lấy sông Hồng làm trục thì nên mở rộng quận Hoàn Kiếm đối xứng 2 bên bờ sông Hồng (Ảnh: Tố Linh).

Bạn đọc Ngoctho Ngo: "Việc tinh giản bộ máy cồng kềnh là đúng, nhưng việc sáp nhập 1/4 quận (Hoàn kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là việc cần cân nhắc. Vì có quá nhiều yếu tố lịch sử".

Cùng với đó, nhiều độc giả cũng hiến kế trong trường hợp phải sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

Bạn đọc nguyen nguyenbinh: "Quy hoạch phát triển Hà Nội lấy sông Hồng làm trục thì nên mở rộng quận Hoàn Kiếm đối xứng 2 bên bờ sông Hồng".

Bạn đọc Việt đồng quan điểm: "Gom bớt một số phường ven sông bên Long Biên sáp nhập vào Hoàn Kiếm, phát triển du lịch 2 bên bờ sông Hồng là đẹp".

Bạn đọc Nam Phong: Quận Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc) từng mở rộng 3 lần, sáp nhập các quận khác vào và giữ tên quận Hoàng Phố. Quận Hoàn Kiếm nếu mở rộng cũng nên như thế".

Bạn đọc An Nam Hong: "Nếu chỉ vì yếu tố đặc thù thì cả nước này nhiều lắm, đã là quy định thì tất cả các địa phương phải bình đẳng. Đơn giản nhất là mở rộng quận Hoàn Kiếm để giữ nguyên tên hoặc sáp nhập 2 quận và lấy tên Hoàn Kiếm, có gì khó đâu".

Bạn đọc A Quý: "Thế thì sáp nhập quận khác vào quận Hoàn Kiếm, cái tên quận Hoàn Kiếm vẫn giữ nguyên không thay đổi".

Sự thay đổi, sáp nhập trong quá trình phát triển là điều khó tránh tại mọi quốc gia, dù vậy thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm chưa phải là quyết định cuối cùng mà mới chỉ ở việc báo cáo rà soát của Hà Nội. Để đưa ra quyết định cuối cùng, các bộ ngành liên quan sẽ còn phải xem xét những yếu tố đặc thù khác về điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống dân tộc, lịch sử.

Hải Đăng