Tín dụng đen: Vay thì dễ, trả có khi phải tán gia bại sản

Hải Hà

(Dân trí) - Cho vay lãi nặng - một cái tên khác của tín dụng đen, người vay đều phải trả với lãi suất "cắt cổ" lên đến vài chục phần trăm một tháng. Vay thì dễ nhưng để trả thì có khi phải tán gia bại sản.

Dịp cuối năm, nhu cầu chi tiêu tăng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng nhiều chiêu trò như "tải app về điện thoại và đồng ý vay tiền là xong", "cho vay tiêu dùng không cần thế chấp" đánh vào tâm lý người có nhu cầu.

Dù đã được cảnh báo nhưng một bộ phận người dân vẫn bất chấp "đặt niềm tin", "sập bẫy" tạo điều kiện cho loại tội phạm này nở rộ.

Tín dụng đen: Vay thì dễ, trả có khi phải tán gia bại sản - 1

Nhiều người lao động đã quên mất lãi suất hay khoản phí cắt cổ khi sa vào tín dụng đen (Ảnh minh họa).

Nhận biết tín dụng đen

Dù đã biết nhưng điều quan trọng thì vẫn phải nhấn mạnh, cho vay lãi nặng - một cái tên khác của tín dụng đen, người vay đều phải trả với lãi suất "cắt cổ" lên đến vài chục phần trăm một tháng. Vay thì dễ nhưng để trả thì có khi phải tán gia bại sản. 

Trong khi đó, Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) cho biết, Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất vay như sau: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, không được vượt quá 20% mỗi năm của khoản tiền vay".

Như vậy lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%. Còn ở thời điểm hiện tại, lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại dao động từ 6-8%.

Thông thường, các khoản vay tín dụng đen thường:

Không có hợp đồng vay nợ rõ ràng, hoặc nếu có thì hợp đồng cũng không được công chứng, chứng thực.

Điều kiện, thủ tục cho vay của các đường dây "tín dụng đen" rất đơn giản, không cần thế chấp. Khi người vay chưa kịp thanh toán, các chủ nợ lập tức nhắn tin đe dọa, rêu rao trên mạng xã hội; rồi người nhà, người quen cũng bị tấn công khủng bố tinh thần. Táo tợn hơn là chúng còn tổ chức tạt sơn, bôi chất bẩn lên tường nhà; bắt cóc người vay, hành hung đe dọa…

Không có ràng buộc pháp lý: Các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen thường hoạt động chui, không có đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước.

Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, người vay không được đảm bảo quyền lợi của mình.

Tại sao lại lộng hành vào dịp cuối năm?

Luật sư Lực cho biết, những ngày cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết, theo quy luật các hoạt động về nhu cầu tài chính, tiền mặt của người dân để phục vụ Tết cũng như trả nợ, mua sắm hàng hóa sẽ tăng cao so với các dịp khác trong năm.

Ngược lại với điều kiện vay đơn giản thì các tổ chức tín dụng chính thống đòi hỏi những điều kiện nhất định mới có thể được vay tiền, ngân hàng ở nhiều nơi còn rườm rà về thủ tục, người có nhu cầu khó tiếp cận. Nhiều người vì bức bách buộc phải vay nóng, vay với lãi suất cao từ bên ngoài.

Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm mà các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" gia tăng với nhiều hình thức quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền. Ngoài ra, dịp cuối năm cũng là thời điểm đối tượng phải thu hồi các khoản nợ đã cho vay "tín dụng đen", do vậy chúng sẽ gia tăng các hoạt động đòi nợ, siết nợ cũng như những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen"...

Chớ để rơi vào cảnh "trả mãi không hết nợ"

Một cản trở với nỗ lực xóa "tín dụng đen" là khung pháp lý và mức chế tài với hoạt động này còn yếu, chưa đủ sức răn đe. Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: "Người nào mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tùy theo mức độ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Theo luật sư Lực, với tình trạng cho vay trái phép biến tướng và tràn lan như hiện nay để dễ dàng tiếp cận người vay tiền. Cần phải tăng nặng hơn khung pháp lý và chế tài xử phạt mới mong tội phạm tín dụng không "nhờn luật". Song song với đó, là sự cần thiết phải tăng cường truyền thông hơn nữa, đặc biệt là đến những người yếu thế trong xã hội về chính sách tín dụng hợp pháp, cũng như những thủ đoạn mới và hậu quả của các hình thức cho vay nặng lãi.