Tiết kiệm kiểu… tỉ phú

Có những tỉ phú sống một đời khá bình dị, đơn giản, mặc dù tiền của họ có tiêu đến cả trăm năm không hết và một số còn đem hiến tặng cho từ thiện.

Tạp chí ForbesOnline mới đây có một bài báo nói đến những tỉ phú có một lối sống tương đối bình dị, ít ra là theo tiêu chuẩn… tỉ phú.
 
Lấy ví dụ, tỉ phú John Caudwell của nước Anh, khởi nghiệp bằng một cơ sở sửa xe và rồi làm giàu bằng cách bán điện thoại di động. Khi bán 85% cổ phần của ông trong doanh nghiệp này năm 2005 thì ông đã có trên 2 tỉ USD.

Tuy vậy, ông là người thích thể thao nên trước đây ông thường đạp xe hơn 20km mỗi ngày để đi làm. Ông không đến tiệm cắt tóc mà cắt lấy ở nhà để tiết kiệm thời giờ. Ông mua quần áo ở những cửa hàng bán lẻ bình dân. Ông cũng chẳng tiêu tiền cho những chai rượu vang thật đắt giá vì ông “chẳng cần phải chi tiền để nâng cao hình ảnh của ông” (mặc dù ông rất mê xe và sở hữu những xe hơi đắt giá!).

Còn tỉ phú Mỹ, Jim C. Walton, con trai của Sam Walton, người sáng lập ra hệ thống bán lẻ Wal Mart, chỉ lái chiếc xe hơi cũ hơn một chục năm, tuy ông được thừa hưởng một phần không nhỏ gia tài của cha để lại, cũng như thừa hưởng luôn cả tính… cần kiệm của cha.

Sáng lập viên hệ thống bán đồ đạc nội thất, Ingvar Kamprad, người Thụy Điển, đã xây dựng một cơ nghiệp lên tới 23 tỉ USD, cũng chỉ lái xe cũ, đi máy bay hạng bình dân, không thích lên khung, đóng bộ cổ cồn, cà vạt và thường đến ăn ở những nhà hàng xoàng xĩnh.
 
Tiết kiệm kiểu… tỉ phú - 1

Nhà đầu tư Mỹ nổi tiếng cần kiệm là ông Warren Buffett, với tài sản ước tính chừng 47 tỉ USD, vẫn sống trong căn nhà mà ông mua gần 50 năm trước với giá 31.500USD.

Ông Azim Premji, một trong những tỉ phú Ấn Độ giàu nhất châu Á, xây dựng cơ nghiệp qua công ty dịch vụ công nghệ khổng lồ Wipro. Ông vẫn chỉ lái chiếc xe Toyota Corolla, đi máy bay hạng bình dân và mỗi khi đi công tác cho hãng, ông ngủ tại nhà khách của công ty thay vì vào khách sạn 5 sao, cho dù ông không phải bỏ tiền túi chi cho các chuyến đi vì công việc của hãng.

Nhà đầu tư Mỹ nổi tiếng cần kiệm là ông Warren Buffett, với tài sản ước tính chừng 47 tỉ USD, vẫn sống trong căn nhà mà ông mua gần 50 năm trước với giá 31.500USD.

David Cheriton, Giáo sư đại học Stanford, trở thành tỉ phú sau khi giới thiệu các sáng lập viên của Google với các nhà đầu tư của tổ hợp Kleiner Perkins Caufield & Byers, chỉ thích đạp xe lòng vòng trong khu xóm. Nếu cần đi đâu xa hơn một chút thì ông leo lên chiếc xe hiệu Volkswagen hoặc chiếc Honda 4 cửa. Ông cũng chỉ ngồi máy bay hạng bình dân, thích mặc quần jean hơn là các loại quần áo hàng hiệu, tự cắt tóc lấy ở nhà vì không muốn phí thời giờ chờ đợi trong tiệm hớt tóc.

Trở lại với tỉ phú giàu nhất nhì nước Mỹ, ông Warren Buffett. Là một người luôn cần kiệm, ông không thích phí phạm tiền bạc, và đã hiến tặng phần lớn gia sản cho quỹ Bill and Melinda Gates để phục vụ cho công ích.

Cuộc sống hôn nhân của ông cũng có điều khá kỳ lạ. Kể từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, người vợ của ông đã tách ra ở riêng, sang California sinh sống. Bà còn giới thiệu cho ông một người bạn mà bà rất quý. Ông và người bạn gái của bà quen biết và săn sóc cho nhau từ đấy, trong suốt 20 năm và người vợ chính thức của ông luôn luôn vui vẻ và ca ngợi hai người.

Cho đến năm 2004, người vợ của ông qua đời, năm 2006 ông kết hôn với người bạn gái mà ông đã gắn bó trong suốt 20 năm. Đám cưới được cử hành thật đơn giản: trước mặt một quan tòa ở địa phương trong vòng 15 phút, hai ông bà ký giấy hôn thú. Sau đó hai ông bà đưa cả nhà vào một nhà hàng bình thường dùng bữa tối. Được biết người vợ thứ nhì của ông cũng rất cần kiệm. Trước kia bà thường đi mua quần áo ở những nơi thật rẻ, tuy phong cách của bà rất đặc biệt.

Cung cách cần kiệm của các nhà tỉ phú này lại tương phản hẳn với khuynh hướng của giai cấp trung lưu tại Trung Quốc, nơi mà chỉ có những người trung lưu tiêu thụ hàng xa xỉ.
 
Một nữ giám đốc một công ty quảng cáo ở Trung Quốc kiếm được đồng lương một năm là 73.000USD, nhưng cô để ra 1/3 tiền lương để sắm quần áo, đồng hồ đeo tay, ví xách tay, toàn là thứ hàng hiệu. Và mỗi khi đi tiệc tùng, cô lại phải sắm một loạt mới từ quần áo cho đến giày, ví. Nhờ có những người như cô mà hàng xa xỉ bán tại Trung Quốc đã tăng 30%. Một cuộc khảo sát mới dự kiến rằng, giới tiêu thụ Trung Quốc sẽ chi 15 tỉ USD cho các mặt hàng xa xỉ phẩm trong 5 năm tới.

Chúng ta, những người với đồng lương ba cọc ba đồng, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá tăng vù vù như hiện nay, có thể rút tỉa được bài học gì từ tính cần kiệm của các nhà tỉ phú trên?

Theo Tam Phương
Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm